Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 6.7, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Quốc Cường nêu rõ, hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và bàn biện pháp để Hội ND tiếp tục tham gia hiệu quả vào giải quyết khiếu nại - tố cáo (KN-TC) của ND.
Thể hiện rõ vai trò đại diện
Báo cáo tổng kết do Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng trình bày khẳng định: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 (CT 26) “Về tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia giải quyết KN-TC của ND”, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt làm cơ sở cho Hội tiếp tục tham gia giải quyết KN-TC của ND trong những năm tiếp theo.
|
Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện CT26. |
Các cấp Hội ND đã phối hợp với UBND các cấp, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường… tiếp trên 350.000 lượt hội viên, ND; tham gia giải quyết hơn 300.000 vụ khiếu kiện, tố cáo của nông dân. Các cấp Hội trực tiếp giải quyết hơn 96.000 đơn thư thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn đã nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trong đó, tình hình KN- TC kéo dài, đông người, vượt cấp, mà số đông là ND đã trở thành vấn đề bức xúc, có lúc, có nơi trở thành điểm nóng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu khiến việc triển khai CT26 gặp một số hạn chế.
Cụ thể, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và ban, ngành các cấp còn chưa thực sự đầy đủ, thống nhất đồng bộ. Thậm chí, có tư tưởng cho rằng việc giải quyết KN- TC là việc làm của chính quyền và của cơ quan pháp luật, Hội ND không được tạo điều kiện tham gia ngay từ đầu (nhất là những dự án có thu hồi nhiều đất của ND) cho đến khi xảy ra khiếu kiện.
Ngoài ra, các cấp Hội ở một số địa phương chưa phát huy được chức năng tham mưu cho cấp ủy, chưa chủ động tích cực phối hợp với chính quyền cùng các cấp và các ngành chức năng, trình độ năng lực của cán bộ Hội ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tiếp dân, giải quyết Kn - TC của ND ở một số nơi chưa tốt...
Các ngành có trách nhiệm phối hợp với Hội ND
Phát biểu với hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cách làm của các cấp Hội ND trong công tác tham gia giải quyết KN-TC của ND. Rõ nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác hoà giải; xây dựng mô hình điểm về thực hiện CT 26 và tập trung tham gia giải quyết KN-TC phức tạp, kéo dài…
Tại hội nghị, T.Ư Hội NDVN đã tặng bằng khen cho 25 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện CT 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, các cấp Hội đã góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở nông thôn, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, đồng thời thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của ND, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn và sự ổn định, phát triển chung của đất nước...
Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình KN-TC, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa những bất ổn nếu không được giải quyết kịp thời. “Quá trình CNH-HĐH đều phải xây dựng trên đất của ND. Lấy mảnh đất mà người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài mà không giải quyết thoả đáng quyền lợi của người dân là vấn đề cần phải suy nghĩ. Đến nay vẫn còn 528 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội. Thời gian tới, Hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, phải có tiếng nói độc lập để bảo vệ quyền lợi ND" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp Hội ND phải chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền tham gia giải quyết KN-TC, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho ND; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ chuyên trách; phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp thực hiện chức năng giám sát, nhất là trong thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống của ND…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với Hội ND trong giải quyết KN-TC của ND. Chính quyền các cấp cần tăng cường công khai, minh bạch các lĩnh vực quản lý, đồng thời tổ chức đối thoại với dân. Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT giải quyết dứt điểm các vụ KN - TC kéo dài, phức tạp. Trong quá trình giải quyết phải mời đại diện của MTTQ, nhất là Hội ND; giải quyết việc làm cho ND, nhất là tại các dự án thu hồi đất nông nghiệp...
Phó Thủ tướng nhất trí với đề nghị của Hội NDVN đối với Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành quyết định nhằm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện và tăng cường phối hợp với Hội ND các cấp để giải quyết KN-TC thay thế CT 26. Phó Thủ tướng giao cho Hội ND chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ xây dựng dự thảo quyết định trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất…
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hội cần được mời tham gia ngay từ đầu
Nhà nước cần ban hành cơ chế, văn bản quy định việc Hội ND phải được tham gia ngay từ đầu vào các dự án thu hồi đất đai, tránh tình trạng hễ dự án nào trở thành điểm nóng, khó giải quyết mới mời Hội vào cuộc. Cũng cần có cơ chế rõ để Hội tham gia vào Ban đền bù và giải phóng mặt bằng của dự án nhằm giám sát việc thực hiện dự án, đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, ND. Từ trước tới nay, các Ban đền bù và giải phóng mặt bằng không có đại diện của Hội ND.
Ông Phan Văn Hải - Trưởng phòng Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ): Phải minh bạch thông tin
Trong thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương còn làm tuỳ tiện, làm ẩu. Thậm chí, việc công bố thông tin, minh bạch bằng văn bản chính sách, các bước thực hiện ở nhiều nơi còn mờ ám khiến bà con bức xúc. Tại những địa phương có điểm nóng về KN-TC, Hội ND cần vào cuộc sớm. Đối với hội viên, ND, Hội cần tuyên truyền, giải thích, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý... Đối với cấp uỷ, chính quyền, Hội cần tham mưu, thuyết phục trên cơ sở pháp luật. CT26 chính là công cụ, cơ sở pháp lý để Hội thực hiện vai trò đại diện của mình trong tham gia giải quyết KN-TC của ND.
Bà Nguyễn Thuý Hiền - Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Phân rõ trách nhiệm các bộ, ngành
Thông thường, một chỉ thị ra đời chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó trong trường hợp cấp bách, nhưng CT26 được các cấp Hội ND nghiêm túc thực hiện trong thời gian dài tới 10 năm. Vì vậy, CT26 cần được khẳng định, bổ sung dưới hình thức một quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường vai trò, nhiệm vụ của Hội ND trong việc tham gia giải quyết KN-TC của ND. Quyết định này cần phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với Hội ND. Khi quyết định đã là một chương trình của Chính phủ thì Hội ND sẽ có nguồn lực về con người, kinh phí cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo tính khả thi của các giải pháp. Bộ Tư pháp sẵn sàng tham gia cùng với Hội NDVN xây dựng dự thảo quyết định…
Nguyễn Công - Quốc Trung (ghi)
Nguyễn Công - Quốc Trung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.