Hội Nông dân Thái Nguyên giải ngân 800 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân cho nhóm hội viên trồng chè

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 06/07/2023 09:28 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên vừa mở lớp tập huấn và giải ngân 800 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 14 hộ hội viên ở xóm Táo, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên để phát triển cây chè.
Bình luận 0

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có thêm nguồn vốn cũng như kỹ thuật để trồng và chăm sóc cây chè, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân, đồng thời mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè cho nhiều hội viên nông dân.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với HTX chè Kim Thoa hướng dẫn bà con kỹ thuật thu hái và sản xuất chè. Clip: Hà Thanh

Sáng 5/7, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên) đã tiến hành giải ngân vốn cho 14 hộ gia đình thuộc xóm Táo, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên với số tiền 800 triệu đồng. Đây là nguồn vốn nhằm hỗ trợ bà con thực hiện dự án trồng và chăm sóc chè tại xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên do Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương uỷ thác.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tập huấn, giải ngân 800 triệu đồng cho 14 hộ hội viên phát triển cây chè  - Ảnh 2.

Ban điều hành quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên giải ngân 800 triệu đồng cho 14 hộ gia đình thuộc xóm Táo, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên để phát triển cây chè. Ảnh: Hà Thanh

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đây là lần thứ 12 Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức giải ngân giúp hội viên nông dân có thêm nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế với tổng số tiền đã tiến hành giải ngân trên 5 tỷ đồng.

Nhằm giúp bà con có thêm kiến thức cũng như kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây chè, Trung tâm điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty phân bón Cây Tre Xanh (Thanh Hoá) mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè theo hướng hữu cơ. 

Thông qua chương trình, đơn vị này đã lựa chọn ra một số diện tích chè của 3 hộ gia đình tại địa bàn xã Sơn Cẩm để làm mô hình trình diễn.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tập huấn, giải ngân 800 triệu đồng cho 14 hộ hội viên phát triển cây chè  - Ảnh 4.

Công ty phân bón Cây Tre Xanh (Thanh Hoá) hướng dẫn bà con cách thức sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè. Ảnh: Hà Thanh

Nằm trong hoạt động của chương trình, Trung tâm Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã mời đại diện HTX Chè Kim Thoa (xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên) đến hướng dẫn bà con về kỹ thuật thu hái cũng như các kỹ thuật trong khâu sản xuất, chế biến nhằm giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm chè trước khi xuất bán ra thị trường.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Tống Thị Kim Thoa – Giám đốc HTX chè Kim Thoa cho biết: "Quá trình đi tham quan và khảo sát thực tế, chúng tôi thấy đồi đất ở khu vực xã Sơn Cẩm rất thích hợp cho việc phát triển cây chè. Tuy nhiên người dân ở đây chưa có kinh nghiệm sản xuất cũng như chế biến chè từ khâu thu hái đến khâu sản xuất chế biến. Để nâng cao được chất lượng sản phẩm cần có các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cho người dân, từ đó mới có thể nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường".

Bà Phạm Thị Lý, xóm Táo, xã Sơn Cẩm. TP.Thái Nguyên chia sẻ: Gia đình bà đã trồng chè được 18 năm nay. Hiện gia đình bà có một mẫu chè, mỗi năm sản xuất được khoảng 6 tạ chè khô, tuy nhiên, do kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến không có nên sản phẩm chè làm ra chất lượng không cao. 

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tập huấn, giải ngân 800 triệu đồng cho 14 hộ hội viên phát triển cây chè  - Ảnh 5.

Bà Phạm Thị Lý, xóm Táo, xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên phấn khởi khi được hướng dẫn cách thức sản xuất chè đạt hiệu quả cao. Ảnh: Hà Thanh

"Do vậy, khi bán ra thị trường không những khó bán mà giá bán cũng không được cao chỉ dao động từ 100.000 – 130.000/kg chè khô. Khi được Hội Nông dân hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè như hiện nay bản thân tôi và bà con nhân trong vùng rất phấn khởi", bà Lý vui mừng nói.

Ông Lê Đàm Ngọc – Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực tế cho thấy, hầu hết các hộ trồng chè ở xã Sơn Cẩm chưa nắm bắt được hết về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè nên sản phẩm làm ra có giá trị rất thấp. Vì thế, việc mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè như hiện nay là điều rất cần thiết.

"Các lớp tập huấn này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường, qua đó giúp bà con có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống", ông Ngọc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem