Hội Nông dân Thái Nguyên lấy ý kiến phản biện về Dự thảo Nghị quyết truyền thông giảm nghèo
Hội Nông dân Thái Nguyên lấy ý kiến phản biện về Dự thảo Nghị quyết truyền thông giảm nghèo
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 04/05/2023 18:58 PM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo Nghị quyết dự án truyền thông, giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 4/5, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo Nghị quyết dự án truyền thông, giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị quyết hoàn chỉnh.
Dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thái Nguyên, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, các ban chuyên môn của Hội Nông dân tỉnh cùng đại diện Hội Nông dân 9 huyện, thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, theo kế hoạch số 281 ngày 27/3/2023 của Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Thái Nguyên về việc giao cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên chủ trì phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị nhằm xin ý kiến các đại biểu đại diện cho các cơ quan, ban ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị có công tác gắn bó mật thiết và trực tiếp hoặc gián tiếp với hoạt động và đời sống của người nông dân dân tộc miền núi trong tỉnh để dự thảo Nghị quyết được hoàn chỉnh, đầy đủ và thực sự đi vào cuộc sống.
Về sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết, trong nội dung dự thảo nêu rõ: Việc xây dựng Nghị quyết nhằm quy định cụ thể nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin tại Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, đúng quy định.
Về nội dung Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã, dự thảo nêu: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 14 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025). Trong đó, có 3 xã được thiết lập mới đài truyền thanh năm 2020, 4 xã chưa có Đài Truyền thanh, 7 xã đã được lắp đặt Đài Truyền thanh không dây/FM từ những năm 2004 – 2013 đến nay đã hết khấu hao, hư hỏng, không sử dụng được nữa.
Để đảm bảo mục tiêu 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương, dự thảo cho rằng phải tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã cho 11 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, năm 2023 dự kiến thiết lập mới 6 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và năm 2024 thiết lập mới 3 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.
Về nguồn kinh phí, theo dự thảo, Quyết định số 173/QĐ-UBND ngày 10/02/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên nói rõ về việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông được phân bổ 4.025 triệu đồng thực hiện Tiểu Dự án 1 Giảm nghèo về thông tin, trong đó: 3.500 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 525 triệu đồng ngân sách địa phương đối ứng.
Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện 2 nội dung tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã và hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong năm 2024 là 1.670 triệu đồng (trong đó 1.600 triệu đồng tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động cho 3 Đài truyền thanh xã và gần 70 triệu đồng hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tờ trình dự thảo do Sở Thông tin - Truyền thông chắp bút khẳng định, việc ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đối với nội dung và mức chi "Hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" và "Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" là cần thiết.
Tại Hội nghị, các ý kiến thảo luận đều chủ yếu tập trung xoay quanh một số nội dung trọng tâm như: Tính cấp thiết ban hành Nghị quyết; sự phù hợp của dự thảo Nghị quyết với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực tiễn địa phương; Cơ sở thực tiễn (tính đúng đắn, sự phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của dự thảo Nghị quyết); Những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp của dự thảo; Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết cho phù hợp...
Đại diện Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đề nghị nên xem xét, điều chỉnh mức chi phù hợp đối với những xã không nằm trong danh sách các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng UBND xã lại nằm tại địa bàn xóm có điều kiện đặc biệt khó khăn. Do đó, cần xem xét có chế độ hỗ trợ đối với cán bộ xã công tác nằm trên những xóm đặc biệt khó khăn và các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng nằm trên những xóm khó khăn theo đặc thù của từng địa phương để tránh thiệt thòi.
Trong khi đó, đại diện Hội Nông dân huyện Định Hoá lại cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động làm việc tại các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin công cộng ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng làm việc chuyên trách có số giờ làm việc vượt số giờ quy định tại Thông tư số 17/2015/TT-BTTTT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí với mức chi 15.600đ/giờ/người là tương đối thấp, không đảm bảo mức thu nhập cho người lao động nên sẽ rất khó thu hút lao động làm việc trong lĩnh vực này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.