Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

Mùa Xuân Thứ sáu, ngày 19/04/2024 06:43 AM (GMT+7)
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tạo sức lan toả, thu hút đông đảo hội viên nông dân đăng ký tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế...
Bình luận 0

Clip: Mô hình nuôi cá nước lạnh của người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Những nông dân SXKDG ở Sa Pa

Là một trong những hộ được bình xét là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2023, ông Chảo Duần Mình, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ: Gia đình tôi đã nuôi cá nước lạnh được khoảng 10 năm nay rồi. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 10 bể cá, chủ yếu nuôi cá hồi, cá tầm, với quy mô hơn 15.000 con.

Nhờ nuôi cá đúng theo quy trình kỹ thuật, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình ông Mình đã xuất bán ra thị trường 7 tấn cá tầm, cá hồi, với mức giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng.  

Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Còn anh Trần Chung Hưng, Tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa cũng phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Anh vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

Hơn hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh, đến nay, gia đình anh Hưng đã có 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi cá thương phẩm, cá giống, quy mô diện tích khoảng 8 ha tập trung ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đường (Lai Châu).

Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi - Ảnh 2.

Nhờ nuôi cá hồi, cá tầm nhiều hội viên nông dân trên địa bàn thị xã Sa Pa đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Trần Chung Hưng, chia sẻ: Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay, gia đình tôi đã áp dụng công nghệ nuôi cá theo hệ thống tuần hoàn nên đã xử lý được lượng nước tồn đọng trong bể cá, giảm bớt thời gian, nhân công lao động trong việc vệ sinh bể cá… Bên cạnh đó, tất cả các trang trại nuôi cá đều có khu vực riêng để làm giống cá nước lạnh phục vụ nguồn giống tại chỗ và cung cấp cho bà con nhân dân có nhu cầu nuôi cá nước lạnh.

Ngoài những mô hình trên, mô hình trồng và sản xuất thuốc tắm truyền thống của ông Lý Láo Lở, dân tộc Dao, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, liên kết với trên 300 hộ nông dân tại các xã để trồng các cây dược liệu phục vụ cho việc sản xuất thuốc tắm, tinh dầu nguyên chất, mỹ phẩm, trà… Tổng doanh thu mỗi năm đạt từ 8 - 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi bình quân trên 1 tỷ đồng…

Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi - Ảnh 3.

Ông Lý Láo Lở, dân tộc Dao, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, liên kết với trên 300 hộ nông dân tại các xã để trồng các cây dược liệu. Ảnh: Láo Lở.

Hội Nông dân thị xã Sa Pa hiện có 16 cơ sở Hội, với 111 Chi hội, hơn 9.500 hội viên. Phong trào nông dân SXKDG đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã Sa Pa ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Các hội viên đã khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu, phát huy tinh thần hăng say trong lao động, sức sáng tạo trong nông dân.

Năm 2023, toàn thị xã Sa Pa có hơn 5.000 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, qua bình xét có hơn 1.400 số hộ nông dân đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp. Trong đó, 15 hộ cấp Trung ương; 125 hộ cấp tỉnh; hơn 380 hộ cấp thị xã; còn lại là cấp xã, phường. 

Nổi lên đã có thêm 26 hộ nghèo vượt khó nhờ nhạy bén chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình trong số này là hộ gia đình ông Chảo Vần Chòi, xã Bản Hồ; Hạng A Xóa, phường Phan Si Păng; Là A Cứu; Tẩn Kiềm Tá; Đào A Củi, Chảo Vần Sinh, xã Mường Bo với mô hình chăn nuôi và trồng trọt cho thu nhập từ 140 - 150 triệu đồng/năm...

Lan toả phong trào nông dân SXKDG ở Sa Pa

Để giúp hội viên nông dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, Hội Nông dân thị xã Sa Pa đã nhận uỷ thác Ngân hàng CSXH thị xã cho hơn 1.560 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 98,2 tỷ đồng; ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hơn 420 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 31,7 tỷ đồng. Duy trì hiệu quả hoạt động 7 dự án thuộc Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Cùng với đó, Hội Nông dân thị xã Sa Pa phối hợp với HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng 3 tấn phân gà, 10.500 cây cà chua giống cho Tổ hội trồng cà chua tổ 3, phường Sa Pả; cung ứng 15 kg hạt rau mùi giống cho Tổ hội trồng rau tổ 1 phường Phan Si Păng. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ con giống cá hồi và 7 tấn cám cá cho Tổ hội nuôi các nước lạnh thôn Dền Thàng, xã Tả Van. Hướng dẫn nông hộ xây dựng nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt cho tổ hội trồng rau trái vụ cho bà con nông dân.

Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi - Ảnh 4.

HTX cộng đồng Dao đỏ hiện nay đang phục vụ khác hàng dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Viết Ánh.

Phát huy thế mạnh của từng cơ sở, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thể hiện vai trò đi đầu trong việc phát triển hình thành những tổ, nhóm hợp tác, HTX để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng, như: HTX cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn, với 1 sản phẩm dịch vụ và 6 sản phẩm hàng hóa; Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng hoa xã Tả Phìn, với 3 sản phẩm hoa cao cấp (địa lan, hoa đào phai, nhất chi mai); Tổ hội trồng Hoa Ly công nghệ cao tại phường Ô Quý Hồ; phường Phan Si Păng, tổ hội dịch vụ Homstay xã Mường Hoa …

Đặc biệt là mô hình liên kết giữa công ty TNHH một thành viên Traphaco Sa Pa với các hộ dân trồng cây dược liệu. Hay HTX chế biến thủy sản nước lạnh Sa Pa liên kết tiêu thụ sản phẩm cho trên 200 hộ nuôi cá sản lượng tiêu thụ khoảng 60 – 70 tấn cá Hồi, cá tầm trị giá tiêu thụ 10,5 tỷ đồng. 

Phong trào nông dân SXKD giỏi đã góp sức làm cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Sa Pa ngày thêm phong phú hơn. Từ các sản phẩm dịch vụ tắm thuốc người Dao đỏ, đến du lịch cộng đồng, các điểm thăm quan trải nghiệm, đến các nông sản hàng hóa như, cá nước lạnh, rau hoa trái vụ, nấm hương, rau mầm đá, ngồng su hào, ngọn su su, cà chua trái vụ và dược liệu đã tạo nên các sản phẩm mang đậm "bản sắc địa phương", "tự nhiên", "lành mạnh" và "đáng tin cậy" do người nông dân nơi đây làm ra.

Hội Nông dân thị xã Sa Pa đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi - Ảnh 5.

Các cá nhân là hội viên nông dân điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023 nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cho biết: Phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã đi vào đời sống của nông dân các dân tộc trên địa bàn, có sức lan tỏa rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ….

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đồng thời, phong trào trực tiếp khuyến khích các hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tận dụng, khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, nhân lực sẵn có, để sản xuất kinh doanh. 

Mỗi hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là điển hình trong xây dựng hình mẫu người nông dân thế hệ mới trên quê hương Sa Pa có tư duy, có tri thức, trách nhiệm và bản sắc văn hóa để phát triển cộng đồng, quê hương bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem