Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu phát triển thế hệ “nông dân mới” sành công nghệ
Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu phát triển thế hệ “nông dân mới” sành công nghệ
Đức Thịnh
Thứ ba, ngày 16/01/2024 18:56 PM (GMT+7)
Đồng hành với hội viên nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Nông dân Bạc Liêu ứng dụng công nghệ trong trồng táo, nuôi tôm
Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Phạm Thanh Phương (ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ trồng táo thường sang trồng táo trong nhà lưới. Ông Phương cho biết: Do trồng táo trong nhà lưới nên hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón 1 - 2 lần phân, là trái táo sạch. Với 350 gốc táo mỗi năm cho trái 2 vụ, mỗi vụ ông Phương thu khoảng 200 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, ông Phương thu lợi nhuận từ 300 - 320 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Thanh Phương cho biết: "Hiện tôi được Hội Nông dân (ND) hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký mã QR để đưa trái táo sạch vào các hệ thống siêu thị. Từ đó sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tăng thu nhập cho mô hình".
"Họ là những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có trách nhiệm với xã hội, giúp đỡ cộng đồng, hội viên nông dân cùng làm giàu" .
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Hoàng Thoại
Tại huyện Hòa Bình, với sự hỗ trợ của Hội ND huyện, ông Lê Văn Hột (ở xã Vĩnh Mỹ A) đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi lươn theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 1 năm thả nuôi, đến nay, lươn của gia đình ông Hột được xuất bán mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình nuôi lươn theo hình thức công nghiệp gần đây được nhiều nông dân áp dụng, tùy theo khả năng tài chính mà quy mô triển khai mô hình cũng khác nhau. Theo đánh giá của Hội ND tỉnh Bạc Liêu, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tùy theo quy mô nuôi, lợi nhuận thu được từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Còn bà Nguyễn Thanh Thủy (ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải) là tỷ phú nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu. Hiện bà Thủy có hơn 100 ao nuôi tôm công nghệ cao của gia đình và hợp tác với nông dân trong vùng, mỗi ao rộng từ 1.000 – 1.500m2. Ao nuôi đều được lót bạt, có mái che, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay.
Theo bà Thủy, trước đây gia đình bà cũng như hầu hết nông dân trong vùng, áp dụng nuôi tôm trong ao đất tự nhiên, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao. "Khoảng 5 năm gần đây, tôi phát triển nuôi tôm trong nhà kính công nghệ cao. Giờ nuôi công nghệ cao có con giống, có kỹ sư, có trang thiết bị nên thành công đến 80-90%"- bà Thủy cho hay.
Hình thành thế hệ nông dân văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại
Trên đây chỉ là 3 điển hình tiêu biểu trong số hàng trăm mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Bạc Liêu.
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Nguyễn Hoàng Thoại – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là giải pháp mang tính đột phá trong chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Bạc Liêu được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là trong nuôi tôm. Ngoài 30 công ty, doanh nghiệp, 650 hộ dân đã áp dụng nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình khép kín đã và đang cho quả kinh tế rất cao.
Đồng hành cùng với hội viên nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư số tiền trên 56 tỷ đồng cho 2.156 hộ vay vốn. Hội ND tỉnh Bạc Liêu phối hợp nhiều ngân hàng hỗ trợ vốn sản xuất cho hội viên nông dân như: Cùng Ngân hàng NNPTNT tỉnh thực hiện chương trình cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất (hơn 1.188,6 tỷ đồng cho 68.000 hộ vay); phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín chấp ủy thác qua tổ vay vốn, đến nay đã giải ngân gần 550 tỷ đồng cho 24.571 hộ vay.
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp cho hội viên, nông dân; xây dựng các mô hình mới như: Nuôi vịt xiêm Pháp, nuôi tôm sú, nuôi cua biển… Hằng năm, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn.
Nhằm xây dựng người nông dân văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, nêu cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường, Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã tìm hiểu, kết nối, giới thiệu, tổ chức học tập thực tế những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả,… để giúp hội viên, nông dân thay đổi tư duy từ coi trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất; từ sản xuất truyền thống, theo thói quen sang phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất; nâng cao trách nhiệm với cộng đồng; sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng đặc biệt hướng hội viên, nông dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Hội ND tỉnh Bạc Liêu, mỗi năm, Hội ND tỉnh Bạc Liêu có hơn 160.000 lượt hộ đăng ký thi đua danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi và qua bình xét đã có hơn 30.000 hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào này đã từng bước hình thành thế hệ "nông dân mới" ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới, độc lạ của nông dân xuất hiện, chẳng hạn như: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi cua đinh, trồng hồ tiêu, trồng lúa hữu cơ…
Ông Nguyễn Hoàng Thoại cho biết: Nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống; xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp - nông thôn, nhằm giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, Hội cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.