Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển hợp tác xã

Phạm Đức Hội (Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương) Thứ hai, ngày 23/10/2023 07:00 AM (GMT+7)
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã trực tiếp vận động thành lập được 18 Hợp tác xã và 537 tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết sản xuất với tổng số trên 15.000 hội viên, nông dân tham gia.
Bình luận 0

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của Hội Nông dân trong vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã xác định công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển tổ hơp tác, hơp tác xã xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản là một nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, là mũi nhọn đột phá nhằm nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau:

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển hợp tác xã - Ảnh 1.

Mô hình trồng hoa đào của nông dân tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thu Hà

Thứ nhất, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu nông sản

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo sát thực tiễn, đạt hiệu quả.

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã ký kết các chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, tỉnh Hội giao chỉ tiêu thi đua cho Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố về xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã; giao các nhiệm vụ cụ thể về đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, khai thác và quản lý nguồn vốn vay; về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm OCOP; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Định kỳ kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các tập thể, cá nhân chưa làm tốt; cuối năm chấm điểm các chỉ tiêu thi đua, làm căn cứ bình xét xếp loại tổ chức Hội và bình xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh chủ trì tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho 100% cán bộ Hội từ tỉnh đến chi, tổ Hội về các nội dung: vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong hướng dẫn xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị, kiến thức về marketing, xây dựng thương hiệu nông sản, chuyển đổi số trong nông nghiệp, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trực tuyến; hướng dẫn xây dựng hợp đồng hợp tác, điều lệ hợp tác xã, phương án sản xuất kinh doanh, thủ tục hồ sơ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, nâng cao trình độ và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ Hội trong vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

Các cấp Hội trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các đơn vị liên quan như: các Ban, Trung tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh,… để đẩy mạnh tập huấn phổ biến kiến thức về Luật HTX và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể cho đông đảo cán bộ, hội viên, thành viên tổ hợp tác, HTX.

Hội Nông dân các tỉnh đã chủ động ký chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện hàng chục chương trình dưới các hình thức khác nhau để tuyên truyền phát triểnkinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện chuyên mục "Nhịp cầu nhà nông" hàng tháng tuyên truyền nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, …

Qua các hoạt động tuyên truyền, cán bộ, hội viên, nông dân đã hiểu rõ hơn về hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với sự phát triển kinh tế hộ gia đình nông dân; số lượng hội viên, nông dân chủ động tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng.

Thứ ba là: Các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản

5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn, trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp đào tạo 104 lớp cho 3.640 người. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh có đội ngũ giáo viên cơ hữu về nông nghiệp gồm 3 bộ môn: Trồng trọt, Chăn nuôi gia súc, gia cầm và Nuôi thủy sản. 

Với phương châm "Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo", hàng năm Trung tâm đều tiến hành cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới vào nội dung giáo trình, sửa đổi bổ sung các chuyên đề giảng dạy; giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành; đi sâu hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cấp Hội đã tổ chức 8.346 buổi tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ cho trên 579.000 lượt người; xây dựng 172 mô hình trình diễn về giống, tiến bộ kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn GAP. 

Để tổ hợp tác, hợp tác xã có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, … để hỗ trợ nguồn vốn vay với tổng dư nợ trên 2.400 tỷ đồng.

Hàng năm, các cấp Hội phối hợp cung ứng trên 5.000 tấn phân bón trả chậm, hàng tấn thuốc thú y – thủy sản, chế phẩm sinh học, hàng chục nghìn cây giống các loại gắn với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển hợp tác xã - Ảnh 2.

Mô hình gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thu Hà

Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp thực hiện dự án khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà"; xây dựng 19 mô hình điểm tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, sản phẩm có nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. 

Cán bộ Hội trực tiếp nghiên cứu, hỗ trợ gần 40 tổ hợp tác, hợp tác xã thiết kế logo nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, các cấp Hội trực tiếp xây dựng và quản lý 18 nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, Hội đã hỗ trợ 170.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp; phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng được 234 sản phẩm OCOP.

Để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, các cấp Hội trực tiếp tổ chức trưng bày, quảng bá tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tổ hợp tác, hợp tác xã tại Hội nghị tổng kết 3 năm phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi từ cơ sở đến tỉnh và tại Đại hội Hội Nông dân các cấp. 

Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân, đã góp phần tổ chức thành công Lễ hội vải thiều, Lễ hội Lúa – Rươi Tứ Kỳ, Lễ hội Cà rốt Cẩm Giàng, Lễ mở vườn xuất khẩu các sản phẩm: vải thiều Thanh Hà, nhãn Chí Linh, triễn lãm sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương, thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn tham gia ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xây dựng 260 mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, truy xuất nguồn gốc, với tổng diện tích trên 1.500 ha, tập trung chủ yếu tại các vùng vải thiều của huyện Thanh Hà, nhãn của thành phố Chí Linh, cà rốt của HTX Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), vùng rau của huyện Gia Lộc; một số sản phẩm tiêu biểu chủ lực của tỉnh đã được tiêu thụ trên 5 sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ tới các thị trường có tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN...

Thứ tư là: Kinh tế tập thể ngày càng phát triển, thu hút đông đảo nông dân tham gia, xây dựng thương hiệu nông sản đạt kết quả tích cực, giá trị nông sản và thu nhập của nông dân được nâng lên

Qua các giải pháp đồng bộ nói trên, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 414 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với trên 9.300 hội viên tham gia, đây là tiền đề phát triển thành tổ hợp tác, hợp tác xã. 

Nhiệm kỳ qua, Hội đã trực tiếp vận động thành lập được 18 Hợp tác xã và 537 tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết sản xuất với tổng số trên 15.000 hội viên, nông dân tham gia. 

Các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội thành lập và hỗ trợ hoạt động đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, công tác phòng, trị dịch bệnh đạt hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong đó có trên 20 tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng được thương hiệu tiêu biểu, giá trị nông sản và thu nhập của thành viên tăng từ 10-20%, tiêu biểu như: Vải thiều xuất khẩu của HTX Thanh Sơn, HTX Thanh Quang (Thanh Hà); Rau quả sạch của HTX Nông sản sạch Nam Vũ (Liên Mạc – Thanh Hà), HTX Tân Minh Đức (Phạm Trấn – Gia Lộc); Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Duy Tân (Kinh Môn); Bột sắn dây sạch của HTX Thành Nhàn (Thượng Quận – Kinh Môn); Nấm sạch của Tổ hợp tác Sao Mai (xã Nam Tân – Nam Sách); Cà chua sạch của Tổ hợp tác Nhân Huệ (Chí Linh), ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng thương hiệu còn gặp một số khó khăn và hạn chế như sau:

- Thứ nhất, một bộ phận cán bộ Hội còn thiếu kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế tập thể, nhận thức chưa sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, thiếu hướng dẫn giúp đỡ cơ sở. 

- Thứ hai, Hội Nông dân các cấp thiếu nguồn lực để trực tiếp vận động, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu nông sản. Kinh phí dành cho đào tạo nghề còn thấp. Quyết định phê duyệt kinh phí đào tạo nghề hàng năm thường ban hành chậm. Chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân hết tuổi lao động, trong khi tỷ lệ nông dân cao tuổi tham gia sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.

- Thứ ba, ngành nghề đào tạo do Hội Nông dân trực tiếp thực hiện còn chưa đa dạng, chưa xây dựng được chương trình đào tạo chuyên sâu về chế biến nông sản.

- Thứ tư, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã về vốn, đất đai, kết cấu hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân về kinh tế nông nghiệp và kinh tế tập thể; tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân về đào tạo nghề, tập huấn kiến thức, tạo nguồn vốn vay, xúc tiến thương mại; vận động và hỗ trợ hội viên nông dân tham gia chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động đa ngành, đa nghề, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu của xã hội. 

Đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục quan tâm có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội Nông dân tỉnh Hải Dương phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem