Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lấy nông dân giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình điểm về HTX

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 21/06/2024 07:22 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Nhiều HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Bình luận 0

Linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ

Ông Đỗ Ngọc Nam – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Ninh cho biết: Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cụ thể đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.

Riêng năm 2023, Hội Nông dân các cấp hỗ trợ thành lập mới thêm 22 HTX, 20 tổ hợp tác, 22 chi hội nghề nghiệp, 21 tổ hội nghề nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh là trên 400 đơn vị và tổng số tổ hợp tác toàn tỉnh là trên 110 đơn vị. Các HTX, tổ hợp tác, các chi, tổ hội nghề nghiệp này là hạt nhân, dẫn dắt kinh tế nông nghiệp, nâng cao vai trò của người nông dân.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lấy nông dân giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình điểm về HTX- Ảnh 1.

Mô hình nuôi giống gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) - 1 trong những mô hình điển hình do Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ. Ảnh: Bùi My

Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ có trên 60.000 hộ hội viên đăng ký thi đua và có trên 30.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các nông dân giỏi này sẽ là nòng cốt xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.

Theo ông Nam, các mô hình kinh tế tập thể do tổ chức Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ, định hướng hoạt động cơ bản hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.

Điểm chung của các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nông nghiệp là đã chú trọng phát triển và huy động nguồn vốn góp của thành viên, hoạt động liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác được mở rộng.

Nhằm hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh quản lý trong năm 2023 cũng hoạt động hết sức hiệu quả, đạt mức trên 86,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, gần 400 hộ nông dân đã được giải ngân trên 29 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các dự án liên kết sản xuất, các mô hình chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, các tổ hợp tác, HTX. Các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng với tổng dư nợ gần 2.200 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 296 tỷ đồng so với cuối năm 2022...

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lấy nông dân giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình điểm về HTX- Ảnh 2.

Ông Tuấn Anh - Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến đóng hộp, dán nhãn mác cho trứng vịt biển Đồng Rui. Ảnh: Trần Hoàn

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lấy nông dân giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình điểm về HTX- Ảnh 3.

Để hội viên nông dân bắt kịp về yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 1.400 hội viên; tổ chức 42 hội nghị tập huấn chuyển đổi số cho trên 3.760 hội viên nông dân; hỗ trợ tạo tài khoản, viết bài, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ của nông dân để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…

Hội Nông dân phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX; tổ chức các hội thảo liên kết 6 nhà trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại, phổ biến kiến thức quy định pháp luật về sản xuất, kinh do-anh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi cho gần 1.000 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh…

HTX tham gia chuyển đổi số

HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến là mô hình điểm do Hội ND tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn xây dựng. HTX có quy mô 25 hộ thành viên, tổng đàn vịt 15.000 con, chăn thả trên diện tích khoảng 100ha bãi bồi, mặt nước; sản lượng trứng đạt hơn 8.000 quả/ngày. Quả trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng được đảm bảo chất lượng, mẫu mã, không chỉ giữ vững danh hiệu sản phẩm OCOP 4 sao, mà còn là sản phẩm được Hội ND tỉnh Quảng Ninh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2021 và 2023.

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho biết: Đồng Rui là xã đảo ven biển của huyện Tiên Yên, có địa hình tương đối bằng phẳng, thoải dần ra xung quanh và được bao bọc bởi bãi triều và rừng ngập mặn. Tận dụng lợi thế tự nhiên, người dân Đồng Rui đã nuôi trồng thủy sản từ nhiều đời nay, đặc biệt là nuôi vịt biển lấy trứng. Tuy nhiên trước đây, bà con Đồng Rui chỉ nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, chất lượng trứng không đồng đều, hiệu quả kinh tế thấp.

Do đó, để phát triển mô hình này theo hướng tập trung nhằm đảm bảo chất lượng cũng như đầu ra sản phẩm, Hội ND xã Đồng Rui đã thành lập HTX chăn nuôi vịt Đồng Tiến. Nói về quá trình thành lập HTX, ông Kiều Văn Nguyệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui cho hay, năm 2014, khi được bầu làm Chủ tịch Hội, ông có dịp tham gia hội chợ thương mại do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Thấy trứng vịt biển Tân Bình được bán rất hiệu quả, nên ông đã có ý tưởng về việc phát triển mô hình nuôi vịt biển theo hướng tập trung, phát triển sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui đặc trưng của địa phương

Năm 2015, Hội ND xã Đồng Rui thành lập HTX chăn nuôi vịt Đồng Tiến với 7 thành viên tham gia và làm thủ tục để được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2019, sau khi kiện toàn lại HTX, Hội Nông dân xã Đồng Rui đã bàn giao lại cho ông Vũ Tuấn Anh làm Giám đốc và đổi tên thành HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến.

Từ 7 hộ thành viên ban đầu, hiện HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến phát triển lên 25 hộ tham gia nuôi vịt biển lấy trứng, với tổng đàn khoảng 15.000 con. HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến còn được ghi nhận là đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ, tham gia chuyển đổi số vào hoạt động bán hàng trên các sàn giao dịch nông sản trên mạng, sử dụng phần mềm kế toán chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử… qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến, nhiều mô hình HTX, kinh tế tập thể khác do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập cũng hoạt động hiệu quả.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Đỗ Ngọc Nam việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182 về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" là kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Qua đây cũng thể hiện rõ vai trò rất lớn của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế tập thể thời gian tới.

Với mục tiêu là nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, trong năm 2024 các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung hỗ trợ các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất thực phẩm an toàn, thành tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Chú trọng các mô hình điểm về tổ hợp tác, HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem