Hội Văn nghệ Hà Nội “sống lâu lên lão làng”?

Thứ năm, ngày 14/07/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vừa tiến hành đại hội ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 nhưng vẫn đầy dư âm cũ, khiến những người thực sự tâm huyết không có nhiều hy vọng.
Bình luận 0

Bạt ngàn tóc bạc

Ấn tượng đẹp đầu tiên và duy nhất của Đại hội (ĐH) này, chắc ai cũng đồng tình, là nơi họp đẹp và sang trọng. Tầng 2, Trung tâm Hội nghị quốc tế, sảnh lớn, phòng họp rộng chan hòa ánh sáng đèn vàng, những hàng ghế tựa tăm tắp bọc vải trắng. Hòa điệu với màu ghế, là… màu tóc của đa số đại biểu.

Nghệ thuật đầy hấp lực, hào quang chỉ dành cho ai tài năng, đam mê, khổ công – những điều này đã trở thành màng lọc khắc nghiệt. Màng lọc này dường như chỉ đúng với thế giới hiện đại; còn ở ta, hiện tượng nghệ sĩ giả, rởm, nửa vời “sống lâu lên lão làng” đã thành chuyện thường.

img
Nhà văn Tô Hoài dự họp

Sáng 6.7, ĐH mất cả tiếng thảo luận, tranh cãi về số người trong BCH, số lượng phó chủ tịch. Dự kiến của BCH khóa XI “nên là 21 người, 4 phó chủ tịch”, có đại biểu đề xuất… 35 người, 9 phó Chủ tịch. Đại biểu hội nào cũng muốn có đại diện của hội mình, đó là tất nhiên và phải lẽ, song đã có mặt trong BCH rồi thì cần gì tới 9 phó chủ tịch (là đại diện 9 hội) nữa?

Một chi tiết đáng cười ra nước mắt là mọi họp bàn nhân sự, cải tổ sau hàng tiếng diễn ra, được Đoàn Chủ tịch thông báo: “Sẽ bàn tiếp vào Đại hội XII, năm 2016, vì nhiệm kỳ này, Hội Liên hiệp vẫn hoạt động theo điều lệ cũ”.

Đại biểu Vân Kim (nhà nghiên cứu chèo) cho biết: “Đây là lần đầu tôi được dự ĐH, hội họp, náo nức, dậy từ 3 rưỡi sáng”. Mong mỏi trẻ hóa đã thành khát vọng mông lung khi hội viên tuổi cao chiếm đa số. Tuổi trung bình của BCH khóa X là 60 (!). Khóa mới không khá hơn.

Những ý kiến cổ vũ lớp trẻ bị lạc giữa trập trùng đầu hói, tóc bạc. Nhiều đại biểu trung niên sốt ruột, lấy đâu ra “mới”, chỉ cần “thay đổi” là tốt lắm rồi.

Vắng mặt là gạch tên

Chuyện bầu cử ở ĐH khiến nhiều người bất bình vì Hội Liên hiệp đặt ra “luật riêng”: Ai được đề cử mà không có mặt, bị loại khỏi danh sách. NSND Hoàng Dũng (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) bận chấm thi tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, bị gạch tên trong sự tiếc nuối của đại biểu ngành sân khấu.

img
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu

Nhà thơ Bằng Việt – đương kim Chủ tịch, bản tính nho nhã, chỉn chu, cầu toàn, ngại va chạm, đã thiếu quyết đoán nên sự bảo vệ yếu ớt, thiếu quyết liệt từ đầu, ông không át nổi ý của Đoàn Chủ tịch đặt ra: Không có mặt thì gạch tên. Quyết định này được đưa ra lúc 12 giờ 30 ngày 6.7, giờ lẽ ra đã ăn xong bữa trưa. Vì quá mệt mỏi, cả hội trường nhất trí cho xong để mau được nghỉ.

Bởi “luật riêng” nói trên, mà nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhà văn Phong Điệp, dù có mặt cả buổi sáng, tới 12 giờ 15 về, không ngờ được đề cử và điểm mặt lúc 12 giờ 30, nên cũng bị gạch tên.

Nhà báo Trần Gia Thái - Tổng Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho rằng: “Việc quyết định không có mặt người được đề cử thì gạch tên khỏi danh sách, là sai luật nghiêm trọng. Quan trọng như ĐH Đảng, mà đại biểu giới thiệu ai, dẫu người đó không có mặt, vẫn được bầu; khi trúng cử sẽ được mời đến. Hội Liên hiệp lần này, khâu tổ chức yếu và ấu trĩ về mặt bầu cử”.

Ngôi nhà từ thời Pháp, trụ sở Hội Liên hiệp tại 19 Hàng Buồm chật chội khi từ gần 3 năm nay kể từ khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, mọi lĩnh vực đều tăng đột biến số lượng. Gia tăng hội viên không tỉ lệ thuận với chất lượng và sức mạnh. Gần 2.800 hội viên của Hội là lực lượng đông nhưng không tạo ra sức mạnh khổng lồ như người ta kỳ vọng mà chỉ có sự cồng kềnh và phân tán.

Nhà thơ Bằng Việt, tuổi 71 tiếp tục chèo lái văn nghệ Thủ đô. Diễn văn chuẩn bị sẵn khi tổng kết các ĐH, thường bằng cụm từ “thành công tốt đẹp”. Sau những cái bắt tay và cuộc gặp tưng bừng, nhiều người thấy hẫng hụt, ngổn ngang và lo lắng.

Nhà văn Chu Lai ngậm ngùi: “Ở ĐH, những kẻ ham lập ngôn, tranh phát biểu, hóa ra viết rất ít. Hãy nhìn Ban Chấp hành mới, họ già nua làm sao! Thế lực vẫn thuộc về những người lớn tuổi! Chẳng lẽ đất Thăng Long không có ai trẻ nhú lên đáng được đề cử? Văn nghệ Thủ đô là con tàu lớn. Mà thuyền trưởng, hoa tiêu, thủy thủ đa số đã già. Già có kinh nghiệm sẽ lái tàu đúng hướng, nhưng không thể có tốc độ nhanh, ra khơi xa, vượt đại dương sóng lớn. Tàu chạy một đoạn lại ngẩn ngơ giữa biển trời hay dừng lại hỏi: Làm được gì, nên thế nào và sẽ tới đâu?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem