Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tuấn Hùng - Duy Trinh Thứ hai, ngày 08/07/2024 15:50 PM (GMT+7)
Hội viên, nông dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai) vừa có chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu với hội viên, nông dân huyện Đầm Hà (Quảng Ninh). Đây là 2 địa phương có nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Theo đó, ngày 6/7, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng, Lào Cai do ông Nguyễn Quang Úy , Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng đoàn đã đến trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 1.

Hội viên, nông dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai vừa có chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu với cán bộ, hội viên nông dân huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Duy Trinh

Ấn tượng nông thôn mới nâng cao ở Đầm Hà

Đoàn công tác huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã tới thăm mô hình về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nông thôn; công tác thông tin, tuyên truyền; công tác tổ chức vận hành các thiết chế văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; các mô hình phát triển kinh tế, mô hình xử lý rác thải hữu cơ tập trung tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.

Tại chương trình làm việc, đại diện lãnh đạo hai đơn vị đã giới thiệu về đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở huyện Bảo Thắng và huyện Đầm Hà trong những năm qua.

Được biết, Đầm Hà là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, là địa phương giàu truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu; năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương.

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 2.

Đoàn công tác huyện Bảo Thắng, Lào Cai và huyện Đầm Hà, Quảng Ninh đã trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nông thôn... Ảnh: Duy Trinh

Bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đầm Hà gặp không ít khó khăn, thách thức; bởi 1/3 số xã thuộc địa bàn 135; địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp; trình độ và tập tục canh tác lạc hậu; thu ngân sách địa phương hạn chế…

Đặc biệt, nhận thức về xây dựng nông thôn mới không chỉ người dân, mà ngay cả một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở thời kỳ đó còn mơ hồ, chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước… Trong khi hàng loạt các tiêu chí, chỉ tiêu còn ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn chung. Đây là những thách thức rất lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà.

Sau 13 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khá cao; có xã, thôn chiếm tới hơn 90%, đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế của huyện đã được đầu tư đồng bộ. 

Đến hết năm 2022, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân toàn huyện đạt 72,32 triệu đồng/người/năm.

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 3.

Với kết quả đạt được, huyện Đầm Hà vinh dự là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Duy Trinh

Cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Đầm Hà luôn quan tâm triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Hiện, trên địa bàn huyện có 8 di tích được kiểm kê và xếp hạng, 3 nghệ nhân dân gian, 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê để lập hồ sơ đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh. Toàn huyện có 2 lễ hội truyền thống: Lễ hội Đình Đầm Hà, Lễ hội Đình Tràng Y và một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số. 

Trong đó, Lễ hội Đình Đầm Hà giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân ven biển. Lễ hội đình Đầm Hà đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Đầm Hà, ngày 10/11/2023, Lễ hội Đình Đầm Hà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nông thôn mới nâng cao ở Bảo Thắng

Đối với huyện Bảo Thắng, sau 13 năm triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn Bảo Thắng đang từng ngày khởi sắc; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trường học, điện lưới quốc gia, trạm y tế... được quan tâm đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đạt được nhiều kết quả tích cực...

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 4.

Huyện Đầm Hà và huyện Bảo Thắng là 2 địa phương có nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Duy Trinh

Tính riêng từ 2021 đến nay, nhân dân trong huyện Bảo Thắng đã hiến 250.000m2 đất, gần 4.000 ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để mở rộng trên 200km đường giao thông nông thôn cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác.

Đến nay, toàn huyện có trên 355km đường hoa, hơn 478km đường điện thắp sáng, 242km đường cắm cờ tổ quốc theo mẫu trên các trục đường chính, đường liên thôn, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp văn minh.

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 5.

Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giữa 2 địa phương. Ảnh: Duy Trinh

Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng, Giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 110 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,7%, tỷ lệ hộ khá giàu 46,35%. Toàn huyện Bảo Thắng đã có 39 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, có 01 sản phẩm 4 sao. 

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đã hoàn thành 6/9 tiêu chí. 

Hiện nay, huyện đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện hồ sơ thẩm định các tiêu chí đã hoàn thành, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong năm 2024. Huyện Bảo Thắng cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thị trấn Phố Lu đạt chuẩn đô thị loại 4.

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tại chương trình làm việc, huyện Đầm Hà và huyện Bảo Thắng đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, phù hợp trong xây dựng nông thôn mới nói chung, trong đó trọng tâm xây dựng các mô hình xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh. Trong đó có việc huy động nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Hội Nông dân 2 huyện ở Lào Cai và Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao- Ảnh 6.

Chương trình thăm, trao đổi lần này là bài học kinh nghiệm quý báu cho đoàn công tác của huyện Bảo Thắng áp dụng trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Ảnh: Duy Trinh

Trao đổi với lãnh đạo huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng đã được chia sẻ những kinh nghiệm trong việc vận động, huy động các nguồn lực; chính sách hỗ trợ cụ thể trong thực hiện xây dựng các phần việc, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; công tác bảo vệ môi trường; xây dựng các thiết chế trong xây dựng nếp sống văn hoá tại khu dân cư; phát huy vai trò của tập thể, cá nhân, hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao phải bắt đầu từ gia đình mỗi hộ dân, đến xóm, tổ dân phố đến cấp xã…

Chia sẻ tại chương trình làm việc, ông Nguyễn Quang Uý, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng cho rằng, chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm là hoạt động rất thiết thực, không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, sáng tạo và đạt hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đầm Hà trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho đoàn công tác của huyện Bảo Thắng áp dụng trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Bảo Thắng trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem