Hội viên nông dân Lai Châu học kỹ năng truyền thông phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải
Hội viên nông dân Lai Châu học kỹ năng truyền thông phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải
Tuấn Hùng
Thứ hai, ngày 18/11/2024 18:46 PM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (TƯ HDN Việt Nam) cho biết, việc tập huấn về phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải nhằm nâng cao năng lực truyền thông cho mỗi hội viên nông dân, qua đó góp phần nhân rộng cách làm này ra cộng đồng...
Video: Nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Nâng cao kỹ năng truyền thông liên quan tới xử lý rác thải
Để đạt được mục tiêu đó, vừa qua, Trung tâm Môi trường nông thôn (TƯ Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tổ chức chương trình tập huấn về kỹ năng truyền thông, hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình cho các tuyên truyền viên; chương trình có sự tham gia của 140 hội viên nông dân đang giữ các chức vụ là phó chủ tịch hội nông dân các xã, phường, thị trấn; các chi hội trưởng, chi hội phó hội hông dân và hội viên nông dân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, chương trình tập huấn diễn ra rất sôi nổi, các học viên đã rất nhiệt tình than gia ý kiến đóng góp và phản hồi tích cực vào các nội dụng như: Nghị quyết, Chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Thực trạng và các giải pháp, cũng như vai trò của các cấp Hội, hội viên nông dân trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Bên cạnh đó, các học viên cũng tham gia mổ sẻ, bàn các giải pháp nâng cao kỹ năng phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Trong đó, nhiều học viên rất quan tâm tới các giải pháp nâng cao kỹ năng về tuyên truyền, giáo dục và vận động hội viên nông dân.
Chia sẻ thêm với Dân Việt, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (TƯ Hội Nông dân Việt Nam) cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. Tuy nhiên, nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ, hậu quả cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sức khỏe con người và phát triển đất nước bền vững.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu; cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế phân công và phối hợp giữa các ngành, và địa phương chưa đồng bộ. Ở Một số nơi tình hình quản lý tài nguyên chưa chặt chẽ; tình hình ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng có nguy cơ nghiêm trọng; Việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều thách thức. Đặc biệt là việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ bên lề chương trình, ông Dương Đình Đức cho biết: Tôi đánh giá cao chương trình phối hợp giữa Trung tâm Môi trường nông thôn (TƯ HDN Việt Nam) và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu lần này. Việc tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực truyền thông cho hội viên nông dân về phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt có ý nghĩa rất thiết thực. Mỗi hội viên tham gia chương trình sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường tại tỉnh Lai Châu.
Có thể nói rằng, sau chương trình mỗi hội viên nông dân của tỉnh Lai Châu sẽ có kỹ năng, kiến thức sâu hơn về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải ở vùng nông thôn. Đây cũng là một giải pháp được các cấp Hội Nông dân tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện; qua đó giúp các hội viên nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện tiếp cận với nguồn tri thức mới, khoa học tiên tiến trong việc xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung.
Mỗi hội viên sẽ là hạt nhân nòng cốt trong tuyên truyền
Chương trình nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông, hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và nhân rộng mô hình cho cán bộ, hội viên nông dân tại tỉnh Lai Châu có sự tham gia truyền đạt của Thạc sỹ Nguyễn Thu Thủy - Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tại chương trình, Thạc sỹ Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ với học viên về nhiều cách làm hay, sáng tạo và khoa học trong công tác truyền thông, xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó bà Nguyễn Thu Thủy cũng dẫn chứng nhiều quốc gia văn minh như Đức, Nhật, Mỹ, Singapo… là những quốc gia tiên tiến trên thế giới, đang đi đầu bảo vệ tài nguyên, môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt…
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi nghe Thạc sỹ Nguyễn Thu Thủy truyền đạt những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, có sự mở rộng, so sánh giữa nhiều vùng miền và khu vực, các học viên tham gia lớp đều được mở mang thêm về ý nghĩa, mục tiêu và các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường cũng như thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt…
Chia sẻ với phóng viên, anh Trang A Chỉnh, bản Chin Chu Trải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, Lai Châu vui mừng cho biết: Gia đình tôi nhiều năm nay đã tự mua thùng rác để thu gom, nhưng mới dừng ở mức thu gom rác thuần túy, chưa có điều kiện để phân loại rác, phần vì điều kiện còn khó khăn, việc phân loại rác đòi hỏi sự tỷ mỉ và nắm rõ bản chất của từng loại rác thải. Sau khi tham gia lớp tập huấn tôi nắm bắt được nhiều cách làm hay, khoa học trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Anh Chỉnh cho biết, anh rất tâm đắc và cho rằng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, mô hình này tiết kiệm chi phí, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, nếu được nâng rộng ra sẽ giúp hội viên, nông dân giải quyết được nhiều vấn đề liên quan tới rác thải, qua mô hình đó, hội viên nông dân cũng thuận lợi trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sống.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, chương trình tập huấn do Trung tâm Môi trường nông thôn (TƯ HDN Việt Nam) tổ chức tại Lai Châu đạt được nhiều kết quả tích cực, mỗi hội viên nông dân đều có những cách nhìn tích cực về kỹ năng truyền thông, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải.
Tin rằng, sau chương trình mỗi hội viên sẽ là hạt nhân nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người thân trong gia đình, cộng đồng, khu dân cư có ý thức thực hiện thu gom, xử lý rác thải, chung tay bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.