Hôm nay, 22/2, Thủ tướng dự Diễn đàn ngành chế biến, xuất khẩu gỗ

Lê Hân Thứ sáu, ngày 22/02/2019 07:30 AM (GMT+7)
Năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản của Việt Nam cán mốc 9,4 tỷ USD, đặc biệt giá trị xuất siêu đạt tới 7,1 tỷ USD. Phát biểu tại hội nghị về chế biến gỗ tháng 8.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, ngành gỗ Việt Nam phải trở thành trung tâm đồ gỗ của thế giới.
Bình luận 0

Từ thành công trên, hôm nay (22.2), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất gẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019”. Theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì diễn đàn.

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những phân xưởng chế biến gỗ tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang đã hoạt động tấp nập trở lại. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng chế biến gỗ số 5, ông Lê Quang Khánh - Giám đốc Công ty CP Woodsland cho biết, hiện toàn bộ 450 công nhân của công ty đã trở lại làm việc để sản xuất những đơn hàng đã được đặt và ký kết từ cách đây 1 năm.

img

Các công nhân tham gia chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: L.H

Theo Ban tổ chức, Diễn đàn về ngành công nghiệp chế biến gỗ ngày 22.2 tại Hà Nội sẽ có 41 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu được vinh danh. Trong đó có 15 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 26 tập thể và 5 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Năm 2017, Woodsland đã đầu tư vào Tuyên Quang thông qua việc xây dựng cụm công nghiệp chế biến gỗ với 3 nhà máy chế biến gỗ trên diện tích 65ha, với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng để hình thành một chuỗi khép kín, từ sản xuất đến chế biến, hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. “100% nguyên liệu gỗ được sản xuất tại đây là gỗ keo, có tuổi đời từ 7-8 năm. Chúng tôi tập trung vào sản xuất các đồ gỗ nội và ngoại thất để cung cấp cho Tập đoàn IKEA phân phối, xuất khẩu gỗ sang các nước châu Âu” - ông Khánh cho biết thêm.

Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc chế biến gỗ ở đây đều được nhập khẩu từ Đài Loan với công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu.

Có mặt kiểm tra sản xuất tại nhà máy chế biến gỗ, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng Giám đốc Woodsland cho biết: “Việc đầu tư nhà máy tại Tuyên Quang có lợi thế giúp chúng tôi tiêu thụ nguyên liệu từ 3 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, qua đó khuyến khích người dân tham gia trồng rừng nhiều hơn”.

Theo bà Tuyết, tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện nay rất lớn, tuy nhiên các đối tác ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là về vấn đề nguồn gốc gỗ, điều kiện sản xuất, đảm bảo môi trường. Vì thế, hiện công ty đang tập trung ưu tiên nhập nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và hợp tác cùng người dân để mở rộng diện tích rừng có FSC.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào nhóm hộ có chứng chỉ rừng trồng FSC, ông Nịnh Văn Lìn - Trưởng nhóm FSC của Hợp tác xã (HTX) Tiến Huy (Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cũng không hiểu nhiều về chứng chỉ FSC, chỉ trồng rừng theo tập quán cũ, nghĩa là cứ xuống giống rồi bỏ đấy, bao giờ cây to thì gọi thợ vào chặt bán. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia FSC, có rất nhiều cái lợi như được tỉnh hỗ trợ giống, chất lượng, sản lượng gỗ tăng lên, thời gian thu hoạch rút ngắn xuống còn 7-8 năm”.

So với rừng không có chứng chỉ, việc tham gia FSC giúp các hộ trồng rừng có thu nhập tăng lên nhờ giá trị gỗ tăng từ 1,3 lên 1,5 triệu đồng/m3 gỗ. Cũng vì thế, từ chỗ chỉ có 4 hộ tham gia vào nhóm trồng rừng FSC, sau chưa đầy 4 năm, đã có tới 668 hộ trong HTX Tiến Huy tham gia vào nhóm hộ này.

Còn theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang, sau 4 năm thực hiện trồng rừng có chứng chỉ FSC, toàn tỉnh đã có 21.000ha được cấp chứng chỉ, năng suất tăng 1,2 lần, giá trị tăng thêm 10-15 triệu đồng/ha, đảm bảo môi trường sinh thái cho diện tích rừng trồng.

Kế hoạch 11 tỷ USD và trung tâm đồ gỗ thế giới

img

Nhóm hộ trồng rừng có chứng chỉ FSC của HTX Tiến Huy chăm sóc rừng keo hơn 1 năm tuổi ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: L.H

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nếu năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu của nước ta mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2018, các sản phẩm này đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Uy tín của sản phẩm gỗ Việt đã từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế. Các thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc...

Cũng theo nhận định của Bộ NNPTNT, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất và khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại đồ ngoại thất.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Do đó, mục tiêu của ngành gỗ trong năm 2019 là phấn đấu tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 - 1,7 tỷ USD (tương ứng tăng trưởng từ 16 - 18%) so với năm 2018, để đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản từ 10,8 - 11 tỷ USD.

Một thành công đối với ngành gỗ Việt Nam là đã dần chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến trong nước từ các diện tích rừng trồng. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Năm 2018, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ là trên 40 triệu m3 gỗ tròn. Trong đó, lượng gỗ trong nước khoảng 30 triệu m3 (chiếm 75% so với tổng lượng nguyên liệu gỗ). Điều này thể hiện thành tựu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao được tỷ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu”.

Do đó, theo ông Quyền, để có nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, cần tập trung vào 3 giải pháp, đó là mở rộng diện tích rừng trồng, nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ, sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững. “Qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng” -  ông Quyền chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem