Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng.Bài 2: "Nhà giàu cũng khóc"

Văn Long Thứ bảy, ngày 26/12/2020 08:01 AM (GMT+7)
Trước giờ người ta vẫn ví von NNCNC chỉ dành cho "nhà giàu" - những người có tiềm lực về vốn, kỹ thuật... bởi đầu tư cho NNCNC tốn quá nhiều chi phí, chưa kể những hệ lụy đi kèm do phát triển ồ ạt, khó tiếp cận vốn, thiếu trình độ ứng dụng. Thế nhưng thực tế, nhà giàu cũng không ít lần rơi lệ.
Bình luận 0

Hệ lụy từ nhà kính

Ứng dụng công nghệ nhà kính trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nông dân Lâm Đồng chủ động mùa vụ, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh về diện tích nhà kính đã ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, làm thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp (diện tích rau, hoa tăng nhanh còn diện tích cà phê giảm). 

Việc xây dựng nhà kính chưa đảm bảo thiết kế, không theo định hướng của địa phương đã ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, gây tình trạng ngập úng cục bộ... trong thời gian qua.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 2: Không chỉ có lợi thế, còn nhiều vướng mắc khó khăn cho người dân - Ảnh 1.

Diện tích nhà kính tăng nhanh trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, cảnh quan tại Lâm Đồng.

Huyện Lạc Dương một trong những vùng phụ cận của TP. Đà Lạt đã có nhiều biện pháp hạn chế nhà kính, giữ yên khu quy hoạch, phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường. Tại địa phương này, vào mùa mưa lũ, tại một số địa điểm như khu nông nghiệp VinEco, khu Păng Tiêng (xã Lát), khu dân cư Đan Kia, thị trấn Lạc Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt gây thiệt hại về người và của.

Chính vì vậy, để quản lý phát triển nhà kính, nhà lưới được chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, huyện Lạc Dương đã tiến hành quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc phát triển nhà kính quá mức với mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Một số loại rau, hoa không nhất thiết phải trồng trong nhà kính vẫn đưa vào trồng khiến tính đa dạng sinh học bị hạn chế.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 2: Không chỉ có lợi thế, còn nhiều vướng mắc khó khăn cho người dân - Ảnh 2.

Tháng 8/2019, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã bị lũ lụt nặng do phá triển nông nghiệp lạm dụng nhà kính và phá rừng.

Qua đó, các địa điểm như khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng, khu vực dọc hành lang suối của các xã, các khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch trên địa bàn, khu dân cư tập trung, lộ giới đường giao thông, khu vực quy hoạch đất ở, dưới hành lang lưới điện cao áp…sẽ bị cấm xây dựng nhà kính. Sự phát triển nhà kính với mật độ cao tạo dòng chảy lớn, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm, gây lũ quét, ngập cục bộ.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có hơn 4.500ha nhà kính. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.800ha. Việc xây dựng nhà kính hiện nay hầu như không được quản lý, không ai cấp phép mà người dân làm tự phát. Nhiều trường hợp nhà kính còn che dấu những công trình, nhà ở trái phép bên trong mà không bị phát hiện, xử lý. Khi tháo dỡ nhà kính thì đã có sẵn những công trình nhà ở từ lâu, đặt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào việc đã rồi.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 2: Không chỉ có lợi thế, còn nhiều vướng mắc khó khăn cho người dân - Ảnh 3.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 4.500 ha nhà kính.

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng nhận định: "Việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà, hàng loạt với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, đóng góp vào việc làm tăng hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân chủ yếu của sự xói mòn thoái hóa đất đai trong sản xuất nông nghiệp và lũ ống, ngập lụt. Trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Không nên tiếp tục coi nhà màng, nhà kính là hợp phần thiết yếu, là biểu tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt".

Người dân khó tiếp cận vốn

Hiện nay, việc thiết kế nhà kính, nhà lưới của các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là mái vòm hở, nhà kính tốt được làm bằng các vật liệu sắt mạ kẽm, hợp kim, liên kết các vật liệu trong nhà kính bằng các bu lông, ốc vít kết nối. Đối với nhà kính nhập khẩu đồng bộ theo tiêu chuẩn Châu Âu và các tiêu chuẩn của Đài Loan, Israel thì có giá thành rất cao. Trong khi đó, người dân khi tiếp cận vốn vay của các ngân hàng phải có tài sản đảm bảo khoản vay. Thông thường là đất nông nghiệp nhưng phải định giá theo khung giá của UBND tỉnh, thấp so với giá thực tế trên thị trường.

Điều đặc biệt, tài sản gắn liền trên đất nông nghiệp (nhà kính, máy móc, thiết bị gắn liền nhà kính…) chưa được chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vốn vay ngân hàng. Vì thế, người dân rất khó để tiếp cận vốn vay của ngân hàng khi quyết định đầu tư NNCNC, trong khi tài sản trên diện tích đất đó lại có giá trị rất cao trên thị trường.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 2: Không chỉ có lợi thế, còn nhiều vướng mắc khó khăn cho người dân - Ảnh 4.

Hiện nay, người dân làm nông nghiệp công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Không những thế, việc chi phí đầu tư cao (giống, nhà kính, công nghệ tưới phun, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch...) dẫn đến một số người dân, doanh nghiệp chỉ áp dụng 1 hoặc 2 công nghệ. Do đó chưa đủ điều kiện để đồng bộ hóa được tất cả các khâu trong quá trình sản xuất.

Hơn nữa, từ trước đến nay, một trong những lo lắng của người dân và là bài toán khó đối với cơ quan quản lý nhà nước là tình trạng cạnh tranh hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc như khoai tây, hành tây và các mặt hàng rau, hoa từ các tỉnh thành khác. 

Đây được xem là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Trong khi việc tổ chức sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về số lượng, quy mô nhỏ, khâu chế biến, đóng gói sau thu hoạch và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế; giá trị nông sản chưa cao, chưa đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 2: Không chỉ có lợi thế, còn nhiều vướng mắc khó khăn cho người dân - Ảnh 6.

Giá trị nông sản chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu đã khiến người dân tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng mong muốn trong những năm tới sẽ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNCNC bằng cách ký kết hợp tác với các nước Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... để đào tạo nguồn nhân lực cho NNCNC. Bên cạnh đó cung cấp các dịch vụ, trang thiết bị phục vụ cho NNCNC, phát triển, quảng bá thương hiệu nông sản, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh thành trong nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem