Hơn 15.000 nông dân mất việc vì gà ngoại

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 14/08/2015 13:59 PM (GMT+7)
Bên cạnh nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… phải ngừng sản xuất vì sản phẩm ế ẩm thì cũng có hơn 15.000 nông dân mất việc làm vì gà Mỹ nhập khẩu giá rẻ, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn...
Bình luận 0

Thông tin nêu trên đưa ra trong buổi làm việc trực tiếp giữa Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương) với Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về kiến nghị kiện bán phá giá đối với các sản phẩm gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, tổ chức sáng 13.8 tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Việt Nam phản ứng quá chậm

Làm việc với các hiệp hội, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục  Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước đã phản ứng quá chậm trước những ảnh hưởng của gà nhập khẩu vào Việt Nam.

img

Trại gà của nông dân liên kết với Công ty Japfa Long An. Ảnh:  T.H

Theo đó, ông Nam nói việc nhập gà Mỹ kéo dài gần 2 năm nay nhưng đến khi các trang trại, doanh nghiệp  gần “chết’ tới nơi mới phản ánh là quá chậm. Không chỉ vậy, khi dịch bệnh trên gia cầm tại Mỹ lây lan mạnh, các nước đều cấm nhập khẩu thịt gà Mỹ từ 1.1.2015 nhưng tại Việt Nam, đến tháng 5.2015 mới có lệnh cấm.

Còn về kiến nghị điều tra bán phá giá đối với gà Mỹ tại thị trường Việt Nam, ông Nam cho biết, sau khi nhận đơn kiến nghị, phía Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi thông báo đến các đơn vị có liên quan như đại sứ quán hai nước, đồng thời yêu cầu cơ quan hải quan cung cấp các thông tin, số liệu cần thiết…

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, chỉ với một tờ đơn kiến nghị của các hiệp hội chăn nuôi thì không đủ cho một vụ kiện. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ cùng hỗ trợ hiệp hội để hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ cần thiết. Quá trình điều tra vụ việc có thể kéo dài từ 12-18 tháng mới có kết luận cuối cùng.

“Tình hình đã khá phức tạp, không còn đơn thuần chỉ là việc bán phá giá thịt gà mà còn liên quan đến các hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chính chúng ta sẽ phải đi hầu kiện, chuyển từ thế chủ động sang bị động” - ông Nam nêu ý kiến.

Cũng theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, để hoàn thiện hồ sơ đưa vụ việc ra khởi kiện khá phức tạp. Theo đó, các doanh nghiệp đứng đơn khởi kiện phải đảm bảo có sản lượng chiếm trên 25% tổng sản lượng sản xuất của ngành hàng đó trên cả nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp, nhà sản xuất đồng ý, ủng hộ việc khởi kiện phải chiếm trên 50% tổng sản lượng.

Do đó, để vụ việc diễn tiến thuận lợi, các doanh nghiệp, trang trại phải quyết tâm và hiểu rõ những quy định của WTO về tranh chấp thương mại, đồng thời, hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp số liệu, thông tin liên quan…

15.000 nông dân mất việc vì gà Mỹ

Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, từ năm 2012 đến nay, ngành chăn nuôi liên tục rơi vào khủng hoảng. Đến nay, nông dân, doanh nghiệp gần như kiệt quệ thì lại phải cạnh tranh với gà Mỹ giá rẻ.

Theo ông Quyết, hiện tại, các trang trại đều phải bán gà dưới giá thành, với số lỗ khoảng 10.000 đồng/con. Với tổng đàn gà cả nước hiện khoảng 14,4 triệu con thì chỉ riêng 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng.

Trong khi đó,  mỗi tháng, Việt Nam nhập khẩu lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà. Nếu quy đổi lượng thịt này ra gà nguyên con (2,5 kg/con), tương đương với việc Việt Nam nhập khẩu 3 triệu con gà thịt/tháng. Trong khi đó, toàn ngành nuôi gà của Việt Nam mỗi tháng thu hoạch 8 – 8,4 triệu con.

“Nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Với mức giá siêu rẻ và số lượng khủng khiếp thế này, ngành chăn nuôi không thể tồn tại nổi” - ông Quyết quả quyết.

Ngoài ra, tình trạng nhập gà ngoại tràn lan còn khiến hơn 15.000 nông dân mất việc làm, kéo theo hệ lụy các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy giết mổ, nhà máy thuốc thú y… phải đóng cửa và còn nhiều hệ lụy khác.

Trả lời câu hỏi có cách nào để “cấp cứu” ngành chăn nuôi gà công nghiệp trong nước, ông Nguyễn Phương Nam thừa nhận rằng, cách thức kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu của cơ quan chức năng Việt Nam có những điều còn khó hiểu. Do đó, ngay sau cuộc họp, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm cơ quan thú y, quản lý thị trường và Hội Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thịt gà nhập khẩu tại các siêu thị, chợ… để thẩm định chất lượng. Từ đó, siết chặt các lỗ hổng về quản lý chất lượng hàng thực phẩm nhập khẩu.

  Số liệu Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ thu thập được, cả năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 80.000 tấn thịt gà các loại nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượng nhập khẩu đã tăng lên trên 50.000 tấn, trong đó gần 70% là gà nhập từ Mỹ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem