TS Lương Ngọc Khuê -Chánh Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định: "Khung pháp lý cho phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam khá đầy đủ nhưng tản mát và thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm".
Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP với mục tiêu: Giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới kiểm soát và giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá; giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá...
Nghị quyết ra đời và đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng sau 10 năm, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm được 9% (từ 56,1 xuống 47,4%). Vẫn có 55,9% người lao động (gần 8 triệu người) bị phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc và 67,6% người không hút thuốc lá (gần 33 triệu người) phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.
Số người hút thuốc lá thụ động chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em, những đối tượng dễ bị mắc bệnh do khói thuốc.
Ông Khuê cho biết: Thuốc lá phổ biến ở VN bởi giá rất rẻ do thuế thuốc lá ở VN mới chiếm 45% giá bán lẻ. Mức thuế này thấp hơn nhiều so với mức 65- 85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo từ kinh nghiệm một số nước kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi chỉ "ghi cho đẹp" chứ chưa thực hiện được. Ngoài ra, tác động của các chính sách giảm cung thuốc sản xuất trong nước còn hạn chế...
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Điều không thể chấp nhận là Việt Nam hiện đang là nước nghèo, nhưng lại chi gần 1 tỷ USD mỗi năm cho mua thuốc lá và chữa một số bệnh liên quan đến thuốc lá.
Nếu giảm 1/3 lượng chi phí cho thuốc lá mỗi ngày sẽ đủ tiền để mua gần 3 triệu bịch sữa cho 3 triệu học sinh". Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để xây dựng mục tiêu, giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá quyết liệt hơn...
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.