Hơn 4.500 cán bộ, công chức chuyển đổi công tác để ngừa tham nhũng

Hương Giang/Thanh tra Thứ bảy, ngày 04/09/2021 07:28 AM (GMT+7)
Trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.544 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Bình luận 0

Ngày 3/9, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 4.500 cán bộ, công viên chức chuyển đổi vị trí công tác để ngừa tham nhũng - Ảnh 1.

Hơn 4.500 cán bộ, công viên chức chuyển đổi vị trí công tác để ngừa tham nhũng (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo này, các bộ, cơ quan được phân công đã có văn bản trả lời 127/127 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyến đến Chính phủ, Thủ tướng.

Cụ thể, đã giải quyết được 5/127 kiến nghị (chiếm 3,9%); giải trình, cung cấp thông tin đối với 111/127 kiến nghị (chiếm 87,4%); trả lời đang trong quá trình nghiên cứu, giải quyết 11/127 kiến nghị (chiếm 8,7%), chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật hoặc đề nghị bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID -19…

Kiểm soát tài sản, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Liên quan đến thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an ninh trât tư, và an toàn xã hội, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương; xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Chính phủ tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Cà Mau về việc thực hiện quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương.

Theo Thanh tra Chính phủ, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.544 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực tham nhũng lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước.

Cùng với đó, tích cực phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc tiếp nhận thông tin về phát phát hiện, xử lý tham nhũng; động viên nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng…

Hơn 4.500 cán bộ, công chức chuyển đổi công tác để ngừa tham nhũng - Ảnh 3.

Cử tri đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tăng cường xử lý hành chính trực tuyến, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân ( Ảnh IT)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xây dựng; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...

Không để tình trạng nhiều tầng nấc gây nhũng nhiễu

Về tổ chức bộ máy Nhà nước và cải cách hành chính, tiền lương, cử tri đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tăng cường xử lý hành chính trực tuyến, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân…

Ngoài ra, cử tri cho rằng, cơ chế tiền lương của Trung ương hiện nay đã lạc hậu, chưa làm cho cán bộ, công chức tận tâm, tận lực với công việc. Từ đó, đề nghị có chính sách nâng lương theo lộ trình, nhất là đối với cán bộ bán chuyên trách xã/phường để tăng thêm thu nhập nhằm đảm bảo đời sống cho gia đình.

Về nội dung này, Chính phủ, Thủ tướng đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, Chính phủ tập trung thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết; đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi làm việc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Về cải cách tiền lương, theo lộ trình tại Nghị quyết số 27, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 nên Hội nghị Trung ương 13, khóa XII đã chỉ đạo thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2022.

Tại Nghị quyết số 99 về chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ cũng đề cập đến việc cải cách tiền lương.

Theo đó, Chính phủ nêu rõ, sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác trừ trường hợp nghị quyết của Quốc hội cho phép; bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng Nghị quyết số 27.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem