Hơn 800.000 thẻ BHYT bị cấp trùng: Quá nhiều lỗ hổng

Thứ tư, ngày 14/08/2013 12:59 PM (GMT+7)
Chỉ mới rà soát 43 tỉnh, thành, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát hiện tới hơn 800.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bị cấp trùng.
Bình luận 0
Xét về quyền lợi, người sử dụng thẻ BHYT không bị ảnh hưởng, nhưng điều này cũng cho thấy công tác rà soát, cấp phát cho các đối tượng có rất nhiều lỗ hổng.

img
Bệnh nhân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện K Trung ương.

Một người được cấp…6 thẻ

Báo cáo của 43 tỉnh, thành rà soát về việc cấp thẻ BHYT cho thấy, trong vòng 3 năm, từ 2010-2012, có gần 800.000 thẻ bị cấp trùng. Số thẻ này tập trung ở các đối tượng được cấp phát thẻ miễn phí như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, thân nhân sĩ quan quân đội, thân nhân công an… Một số tỉnh, thành có số thẻ BHYT cấp trùng như Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, TP.HCM, Hà Nội… Không ít trường hợp một người được cấp 3-4 thẻ BHYT.

Ông Nguyễn Trúc Phương - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ 2010-2012, toàn tỉnh đã cấp trùng trên 25.500 thẻ BHYT, trong đó trên 17.800 người được cấp 2 thẻ/người, 539 người có 3 thẻ, 65 người có 4 thẻ, cá biệt có trường hợp được cấp tới… 6 thẻ.

Theo ông Phương, trong tuần tới, tỉnh sẽ có cuộc họp với các ban ngành chức năng để bàn về việc thu lại thẻ và tìm cách khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT của năm 2013-2014. Ông Phương cho rằng, việc cấp trùng thẻ là do có quá nhiều cơ quan, ban ngành được quyền lên danh sách các đối tượng chính sách, vì “mạnh ai nấy cấp” nên không kiểm soát được. Cụ thể: Người nghèo, trẻ em do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do hội cựu chiến binh lập; thân nhân sĩ quan quân đội lại theo hệ thống của tỉnh đội, huyện đội; thân nhân công an do công an lập... Nếu một đối tượng vừa là người nghèo, vừa là cựu chiến binh, vừa là thân nhân sĩ quan quân đội thì rất dễ bị kê khai trùng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng cũng cho biết: Đổ lỗi cho BHXH cấp trùng là không đúng vì theo quy định bảo hiểm cấp thẻ BHYT dựa trên danh sách các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ lập danh sách các đối tượng chính sách đưa lên. Theo ông Tuấn, từ 2010- 2012, mỗi năm Cao Bằng cấp trùng khoảng 3.000-4.000 thẻ, tập trung ở đối tượng người dân tộc thiểu số. Do người dân tộc thiểu số sống thưa thớt, ở nơi hẻo lánh nên việc kê danh sách đều trông chờ vào người đứng đầu thôn, bản, rất khó kiểm tra được từng địa chỉ. Khi họ chuyển vùng hay lấy chồng đi nơi khác, lấy họ khác cũng rất khó kiểm tra.

Lỗi “cơ chế”

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc cấp trùng thẻ BHYT diễn ra từ nhiều năm nay. Đó là do chưa có quy định quy đầu mối, trách nhiệm cho một đơn vị để lập danh sách người có thẻ BHYT. Do không thống nhất đầu mối, lại không có hệ thống rà soát bằng máy móc, chỉ trông chờ vào mắt người nên trong hàng chục triệu thẻ BHYT không thể tránh được việc cấp trùng. Còn khi cơ quan BHXH nhận được danh sách yêu cầu cấp thẻ của cơ quan đã được luật và các văn bản hướng dẫn quy định thì phải cấp. Công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam còn hạn chế nên cũng không lọc hết được thẻ trùng.

Hiện Thừa Thiên- Huế đã tiến hành rà soát lại được đối tượng trẻ em và người già để cấp BHYT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trúc Phương cho biết, kể cả khi 2 người trùng tên họ, ngày tháng năm sinh, địa phương thì cũng không chắc đó có phải 1 người hay không, phải xuống địa phương kiểm tra lại mới biết được. Việc này máy móc cũng không làm được. Về ý kiến việc cấp trùng thẻ BHYT gây thất thoát lớn ngân sách, ông Thảo cho biết, rà soát được bao nhiêu thẻ trùng thì bảo hiểm sẽ hoàn trả lại ngân sách, không có chuyện mất. Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận việc cấp trùng thẻ gây lãng phí ở tiền công in ấn, giấy tờ, kiểm tra hàng trăm nghìn thẻ...
Theo BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thỏa thuận sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT. Tuy nhiên, để tránh bỏ sót hay cấp trùng thì mỗi người cần phải có một mã định danh. Như vậy, dù 1 người thuộc nhiều đối tượng hay chuyển nơi cư trú thì cũng không sợ bị cấp trùng, cấp thừa vì đã có một “mã số” cố định ngay khi sinh ra.

Chẳng hạn như ở Cao Bằng, do địa hình hiểm trở, nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh Cao Bằng phải trèo đèo, vượt suối vào tận thôn bản rất vất vả, mất công sức, mất thời gian, đó cũng là một sự lãng phí. Ngoài ra cũng có thực tế, việc thu lại thẻ để hủy rất khó vì người dân không tự giác mang thẻ thừa ra nộp. “Họ kêu mất, kêu thất lạc thì cũng chịu. Tuy nhiên không có việc một người đi khám hoặc cho mượn thẻ để khám vì BHYT đã quy định khi đi khám phải mang theo giấy tờ tùy thân để so sánh đúng người, đúng mặt mới được khám. Vì vậy, dù được cấp 3-4 thẻ nhưng khi đi khám người bệnh cũng chỉ dùng được một thẻ mà thôi” – ông Tuấn cho biết. Để khắc phục tình hình, BHXH Cao Bằng đề nghị cơ quan lập danh sách sẽ thông báo ngược lại cho địa phương để loại dần các trường hợp nghi ngờ trùng, sai đó mới đưa danh sách lên BHXH. Tuy nhiên, cũng khó loại trừ được tuyệt đối các trường hợp trùng.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: “Dự thảo sửa đổi Luật BHYT có đề xuất phương án đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình với sự xác nhận của UBND xã, phường. Tuy nhiên, phương án này cũng khó khắc phục hoàn toàn việc cấp trùng thẻ vì người dân kê khai cả ở gia đình lẫn nơi làm việc”.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem