Hồn Việt - quyết giữ, sẽ còn

Thứ tư, ngày 01/01/2014 14:08 PM (GMT+7)
Nhìn lại một chặng đường gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa Việt để tiên lượng xem hồn Việt còn hay mất, nhiều chuyên gia văn hóa cũng tin tưởng nếu chúng ta quyết giữ, sẽ không sợ hồn Việt phôi phai…
Bình luận 0
Năm 2013 là cái mốc để nhìn lại 70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam và Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về văn hóa.

Nhìn lại một chặng đường dài gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa Việt để tiên lượng xem hồn Việt còn hay mất, nhiều chuyên gia văn hóa cũng tin tưởng rằng nếu chúng ta quyết giữ, sẽ không sợ hồn Việt phôi phai…

Đi tìm thuần Việt

Không phải cho đến bây giờ khi hai từ "hội nhập” đã thành câu cửa miệng, người Việt mới bàn chuyện giữ gìn hồn Việt. Từ những năm 1930 - có nghĩa là trước khi Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời, các văn nghệ sĩ đã bàn chuyện gìn giữ những gì thuộc về truyền thống. Bài thơ "Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính là một ví dụ tiêu biểu nhất.

Trong bài thơ ấy, hai từ "Hôm qua” được láy lại nhấn mạnh chuyện đổi thay của cô gái đã là chuyện quá khứ, nhưng quá khứ ấy chưa xa, sự đổi thay đó diễn ra chỉ một lần đi tỉnh về càng làm chàng trai chua xót, đau khổ. Hình ảnh ẩn dụ "Hương đồng gió nội” thể hiện cái tình quê, hồn quê khá sắc nét. Bài thơ chất chứa niềm lo âu, băn khoăn, day dứt và dự cảm về những đổi thay nhanh chóng đến đáng sợ của những gì vốn mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc…

Hội làng Triều Khúc (Hà Nội)
Hội làng Triều Khúc (Hà Nội)

Tự bao đời, người Việt chiến đấu chống giặc ngoại xâm, ngoài việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, còn có một lý do khác nữa đó là bảo lưu những giá trị văn hóa đã kết tinh ngàn đời của dân tộc. Điều này đã được các nhà nghiên cứu phân tích và minh chứng. Người Việt cũng chấp nhận văn hóa ngoại lai từ rất sớm. Và văn hóa của người Việt cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, từ châu Á, châu Âu, nhưng những gì thuần Việt vẫn khó trộn lẫn.

Ấy thế, nhưng cái sự lo lắng về sự nhạt phai bản sắc, nếu tính từ "Chân quê” - có nghĩa là đã được rung chuông từ cách đây 7, 8 thập kỷ, mới thấy cái dự cảm ấy hoàn toàn đúng nếu xét ở một vài khía cạnh cụ thể.

Trước hết, theo các chuyên gia văn hóa, tiếng nói, ngôn ngữ của mỗi quốc gia, dân tộc đều là một thứ tài sản vô giá với chính quốc gia, dân tộc ấy. Nó là "căn cước văn hóa” của dân tộc. Mất "căn cước văn hóa”, dân tộc không là gì, không còn gì cả.

Cách đây ngót một thế kỷ, ông chủ bút Nam Phong tạp chí, nhân một dịp diễn thuyết về thi hào Nguyễn Du và danh tác Truyện Kiều, đã khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Và về sau này, với tình yêu tiếng Việt vô hạn, thi sỹ Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ dạt dào, đắm đuối: "Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ/ Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay/ Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay/ Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt/ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…”. (Tiếng Việt)…

Đình làng Mông Phụ  (Đường Lâm, Hà Nội)
Đình làng Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội)

Vậy mà đã có một thời gian dài, dư luận xã hội lên án sự méo mó của ngôn ngữ thuần Việt. Ban đầu nó là sự pha trộn, phá cách giữa tiếng Việt và tiếng Anh là chủ yếu, còn giờ đây là sự xâm lấn của ngôn ngữ "Chat”, của ngôn ngữ 9X, 10X… Người trong cuộc cho đó là chuyện bình thường, nhưng trong con mắt của người nước ngoài, thì hiện tượng này thật lạ!

Rất nhiều người Việt biết anh Joe - chàng "công dân Canada - cư dân Việt Nam - du dân quốc tế” sử dụng tiếng Việt sinh động, chính xác và hấp dẫn hơn không ít bạn trẻ người Việt.

Trong nhiều bài viết bằng tiếng Việt, Joe bảo anh cảm thấy "hốt hoảng” về ngôn ngữ Việt. Joe hốt hoảng cho các bạn trẻ Việt, khi họ cả cố tình lẫn vô ý bỏ qua những cơ hội trau dồi, yêu thương tiếng mẹ đẻ của mình. Chả lẽ lại không có gì khiến chúng ta động lòng hoặc băn khoăn khi đứng trước mình là một người nước ngoài tỏ ra am hiểu tiếng Việt, nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2, và kêu gọi người Việt… hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Vậy đi tìm thuần Việt ở đâu? Câu trả lời không dễ. Phong tục và tập quán nay cũng đã mai một; lễ hội hay hội làng đã dần dịch chuyển sang xu thế thương mại hóa… Phụ nữ xưa ăn mặc kín đáo là thế, mà nay ra đường không ít chị em chỉ thích phô bày thân thể. Mọi giá trị sống, mọi quan niệm về giá trị truyền thống cũng dần đổi thay. Nhiều người tỏ ra không mặn mà với hình mẫu gia đình tam tứ đại đồng đường…

Thậm chí, khi trùng tu di sản văn hóa vật thể, người ta lại hiểu theo cách phải làm mới di sản. Đối với di sản phi vật thể, nhất là với di sản đã được vinh danh, việc bảo tồn và thực hành tại cộng đồng đang là công việc mất rất nhiều công sức. Bởi vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân và nhà chức trách giữ lối tư duy: văn hóa không "đẻ” ra tiền…

Không đến nỗi bi quan…

Nhìn ở một góc khác, chuyên gia di sản Đặng Văn Bài bảo rằng: "Hồn Việt” chính là những gì đọng lại trong kho tàng di sản Việt. Theo thống kê, nếu tính từ năm 1993 - có nghĩa là từ cái mốc quần thể di tích cố đô Huế được vinh danh, và cho đến tháng 12-2013 khi Đờn ca Tài tử Nam Bộ được xướng tên, Việt Nam có tổng cộng 18 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Tất nhiên trong số đó, có những di sản văn hóa phi vật thể liệt vào diện "bảo vệ khẩn cấp”… Hiện tại, bộ hồ sơ về Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được trình lên UNESCO và đang chờ tin vui trong năm 2014.

Ông Bài khẳng định rằng: Phải thực sự đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của UNESCO và phải qua nhiều khâu kiểm duyệt với những nguyên tắc và yêu cầu chặt chẽ (được bảo tồn nguyên gốc, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng…) thì những di sản văn hóa của một dân tộc mới trở thành di sản văn hóa chung của nhân loại. Trong dòng chảy bất biến của thời cuộc, thì việc đòi hỏi tính nguyên bản của một di sản (kể cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) không phải là sự tuyệt đối hóa, mà phải hiểu theo nghĩa "dĩ bất biến, ứng vạn biến”…

Làng cổ Cự Đà (Hà Nội)
Làng cổ Cự Đà (Hà Nội)

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: "Hồn Việt” là cái gì đó rất trừu tượng, nhưng cũng là những thứ rất cụ thể. Hồn Việt là tà áo dài Việt Nam tung bay giữa thủ đô Pari hoa lệ, hay giữa thành Rome - kinh đô thời trang nước Ý và thế giới…

Năm 2013 cũng là năm thành công trong việc quảng bá thương hiệu áo dài Việt Nam ở nước ngoài. Hồn Việt là ngôn ngữ Việt được truyền dạy bền bỉ cho các thế hệ thứ 2, thứ 3 của con em Việt kiều định cư ở nước ngoài. Hồn Việt là tấm lòng của những người Việt xa quê, là nỗi nhớ tổ tông nguồn cội, nên người Việt ở nước ngoài mỗi dịp Tết đến, Xuân về đều mong ngóng được về trở về thắp nén hương lên bàn thờ vua Hùng…

Và cho đến tận bây giờ, người Việt giữa Mạc Tư Khoa được nghe câu hò Ví dặm, hay giữa trời Âu được nghe giai điệu Quan họ "Bèo dạt mây trôi”… thì ai cũng thấy nhớ quê rưng rức…

Hồn Việt là kết tinh của mọi giá trị văn hóa xuyên thời gian. Không ai khác, chính con người tạo dựng nên những giá trị ấy. PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng: Quan niệm về văn hóa ở thời điểm hiện nay cần phát triển mở rộng hơn nữa theo hướng coi văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất, tinh thần, đó là "thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra. Vì thế, không nên quá lo lắng với những biểu hiện xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay để rồi bi quan đến độ cực đoan về giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

Điều căn cốt là cần phải xác định lại nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới là trực tiếp giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng… trước những biến đổi của thời cuộc. Trăn trở ấy cũng là tâm tư chung của những nhà nghiên cứu văn hóa tràn trề tâm huyết.
LV (Theo LV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem