Kiểm soát giá khó khăn
Sau 6 tháng liên tục giữ được mức tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 1% (trong đó có 5 tháng dưới 0,3%), chỉ số CPI lại có dấu hiệu tăng mạnh, tháng 9 CPI tăng tới 1,31%.
Vậy giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng CPI 3 tháng cuối năm nay chỉ tăng 1,5%? PGS - TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu thị trường và giá cả cho rằng, việc thực hiện mục tiêu nêu trên là vô cùng khó khăn.
|
Dịp cuối năm là thời cơ tăng giá của nhiều mặt hàng. |
Theo ông Long, những tháng cuối năm có rất nhiều nhân tố không thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát như cuối năm là dịp lễ Tết; giá thế giới đang biến động khó lường; chưa kể, cuối năm theo tâm lý thì giá cả thường có xu hướng tăng cao. "Chính phủ đặt mục tiêu như vậy thì 3 tháng cuối năm, mỗi tháng CPI chỉ có thể tăng 0,5% là rất khó; ít nhất chỉ số giá sẽ phải tăng trên dưới 1%" - ông Long nói.
Phân tích một cách sâu hơn, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp cũng cho rằng, rất khó "đặt kế hoạch" cho chỉ số CPI trong cơ chế thị trường hiện nay và trong điều kiện VN đã hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ông Doanh cho biết, hiện nay giá dầu thô đã tăng lên trên 81 USD/thùng. Giá dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng, giá phân bón, thuốc trừ sâu, sản phẩm nhựa...
Ông Doanh cho rằng, nhà nước có thể chủ động hạn chế cung ứng tiền, tín dụng để kiềm chế lạm phát tăng cao nhưng Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm nay. Do vậy, nếu không tăng cung ứng tiền thì không thể thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng được!?
Tăng tiết kiệm và đầu tư hiệu quả
Thực tế, cùng với việc đưa ra chỉ tiêu cụ thể, Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung trước hết vào việc quản lý một cách hợp lý giá cả một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất công nghiệp như xăng, dầu, điện, than...
Đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, thận trọng để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu phát triển và yêu cầu kiềm chế lạm phát.
Chính phủ cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất tín dụng; điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối theo hướng ổn định phù hợp với các cân đối vĩ mô...
Ông Ngô Trí Long cho rằng, các giải pháp trên đều đúng và cấp bách, song quan trọng là việc tổ chức và quản lý, kiểm soát thị trường như thế nào theo các giải pháp đề ra là vấn đề vô cùng khó khăn hiện nay.
Ông Long nói: "Dù Chính phủ đã yêu cầu nhưng hiện nhiều ngành độc quyền vẫn đòi tăng giá, tiền tệ vẫn được đầu tư, cho vay không hiệu quả... Giải pháp của Chính phủ trúng nhưng nên kiểm soát chặt và có chế tài cho việc thực thi hiện nay".
Tại cuộc họp hôm qua, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận: Để thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2010 nằm trong khoảng 7-8% thì trong những tháng tới, nhiệm vụ điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường giá cả sẽ còn nặng nề và phức tạp.
Vì vậy tại cuộc họp, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục vay vốn phù hợp với đối tượng thụ hưởng; khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực phát triển thị trường nội địa, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu-xa nhằm nâng cao thị phần của hàng sản xuất trong nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và triển khai tốt cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN".
Hà Nội: Rau xanh, thực phẩm tăng giá
Ông Phạm Đức Tiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc cung ứng hàng hóa cho Hà Nội những ngày qua rất khó khăn, đặc biệt là việc cung ứng hàng cho các siêu thị trong khi sức mua của Hà Nội trong những ngày diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội lại tăng vọt. Nhiều loại rau xanh, thực phẩm rất khó cung ứng kịp theo nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.