Hợp đồng một đằng, làm một nẻo

Thứ sáu, ngày 26/08/2011 13:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) -Diện tích các nhà máy ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía đã chiếm tới 97,9% diện tích vùng mía nguyên liệu tập trung nhưng, tình trạng bán mía non, tranh mua mía giữa các nhà máy vẫn xảy ra thường xuyên.
Bình luận 0

Dù chưa chính thức vào vụ nhưng nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL đã rục rịch thu hoạch mía non, bất chấp hợp đồng bao tiêu của các nhà máy đường.

Ký hợp đồng cho… vui

Ông Nguyễn Văn Nhơn, (ấp 7 xã Vĩnh Viễn A, TP. Vị Thanh, Hậu Giang) có 7ha mía và được ký hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco). Thế nhưng, ông chưa bao giờ bán mía nguyên liệu cho công ty theo như hợp đồng. “Tới mùa là có 5 - 6 lái tới hỏi mua, giá cũng cao hơn hợp đồng bên công ty, hợp đồng thì có ký nhưng ai mua được hơn thì tui bán thôi, giá thương lái cũng cao hơn ít nhất 200 đồng/kg” - ông Nhơn cho biết.

img
Người trồng mía hiện nay vẫn chưa được hưởng đúng công sức lao động của mình.

Câu lạc bộ trồng mía ấp Mỹ Hiệp 3 (xã Tân Tiến TP.Vị Thanh, Hậu Giang) quy tụ 15 hộ trồng mía với diện tích gần 24ha, sản lượng hàng năm khoảng 2.500 tấn. Từ khi thành lập CLB, nông dân được Casuco bao tiêu với giá bảo hiểm 650 đồng/kg mía loại 10 CCS. Trước đó, những hộ nông dân này phải tự tìm người mua mía, chủ yếu bán cho các thương lái, giá mía lúc trồi lúc sụt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thơ - Chủ nhiệm CLB, cái khó hiện nay của nông dân là không có người thu hoạch mía, không có phương tiện (ghe) để chở mía trong khi hợp đồng với công ty là phải đưa mía ra tới Cầu Cảng để giao hàng. Trong khi đó, thương lái của các công ty khác không có ký hợp đồng với nông dân lại tới tận nhà “gạ” mua, chịu trách nhiệm thu hoạch, chở mía ra cảng…

Theo TS Hồ Cao Việt (Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam), tình hình ký hợp đồng rồi để đó thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu. Những hợp đồng này đã ít còn lắm rủi ro, không có độ đảm bảo cao. Việc này tạo nên tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và nông dân chặt bán mía non. Giá mía tại ruộng cũng vì vậy mà biến động nhiều.

Xem lại quyền lợi doanh nghiệp - nông dân

Giải thích việc bán mía non, phá hợp đồng của nông dân các vùng mía nguyên liệu thời gian qua, TS Hồ Cao Việt cho rằng, các doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, khi vào mùa lại phá giá mua gây nên tình trạng nông dân phá hợp đồng để bán cho người khác. Ngoài ra, hiện nay việc đo chữ đường của các nhà máy cũng chưa khiến nông dân tin tưởng. Như hộ ông Nhơn, cùng một ruộng mía, buổi sáng một nhân viên nhà máy đến đo thì chất lượng mía đạt 10 CCS, nhưng tới chiều người khác lại đo thì chỉ đạt 7 - 8 CCS.

Niên vụ 2011 – 2012, diện tích mía cả nước dự kiến khoảng 282.000ha, tăng 11.000ha so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, sản lượng mía cả nước dự kiến gần 17 triệu tấn. Diện tích các nhà máy có ký hợp đồng và đầu tư khoảng 240.000ha, tăng 21.000ha.

Ông Đỗ Hàng Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Bình Định cho rằng, để giải quyết được những tồn tại kéo dài nhiều năm qua của ngành mía đường, trước hết nhà máy cần thay đổi tình trạng mua đứt bán đoạn hiện nay bằng cách phân chia doanh thu. Nông dân - người quyết định chất lượng mía và sản lượng đường trong nước, sẽ được hưởng 70% doanh thu. Nhà máy ứng trước cho nông dân 80% của 70% đó, số còn lại có thể trả cho nông dân bằng hình thức cổ phiếu, dần dần biến nông dân thành cổ đông của nhà máy. Bằng cách này, nhà máy sẽ khuyến khích nông dân tăng cao chất lượng mía, tăng diện tích trồng mía. Từ đó, ổn đinh được nguồn cung đường trong nước.

Ngoài ra, các nhà máy cũng nên tổ chức những đội quân giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển mía. Nếu không làm được cần hợp đồng với các tổ chức bên ngoài để thực hiện việc này, đừng để nông dân gặp khó khăn như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem