Hợp Phì chi chiến (Phần 1): Cuộc so mưu giữa Tôn - Tào

Thứ ba, ngày 27/11/2018 20:33 PM (GMT+7)
Hợp Phì là một cứ điểm quân sự trọng yếu ở biên giới Ngô – Ngụy. Thời Tam Quốc, trận chiến Hợp Phì là cuộc so kè một cách gián tiếp về mưu lược và quân sự đặc sắc nhất giữa hai vị bá chủ đương thời: Tôn Quyền và Tào Tháo!
Bình luận 0

img

Hợp Phì là một cứ điểm quân sự trọng yếu ở biên giới Ngô – Ngụy. Thời Tam Quốc, nơi đây từng phát sinh rất nhiều lần giao tranh nhưng hễ nhắc đến Hợp Phì, người ta thường nghĩ ngay đến trận Hợp Phì mà “bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng”. Cũng từ đây, hình tượng một Tôn Quyền vốn chỉ giỏi quyền mưu chính trị còn khả năng đánh trận vào loại hạng bét đã bị đóng khung.

Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn nữa, ta sẽ thấy một thực tế hoàn toàn khác, mà ở đó trận Hợp Phì là cuộc so kè một cách gián tiếp về mưu lược và quân sự đặc sắc nhất giữa hai vị bá chủ đương thời…

Tầm quan trọng của Hợp Phì

Tư Trị Thông Giám dẫn Thủy Kinh Chú rằng “Phì Thủy ra Cửu Giang, phía tây huyện Thành Đức hương Quảng Dương, tây bắc vào Thược Pha. Từ Thược Pha ngược lên sông Thi là đến Hợp Phì. Phì Thủy lại qua bắc Thọ Xuân, vào sông Hoài”, “mùa hạ nước lớn, sông Thi hợp vào sông Phì, nên gọi là Hợp Phì”.

Chính vì vị trí hết sức đặc thù “bắc thông sông Hoài, nam tới Trường Giang”, Hợp Phì là yết hầu của phòng tuyến Giang Hoài tạo nên bởi hai đại thủy hệ này. Trong năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc, quanh nơi này đã từng diễn ra vô số trận đại chiến quyết định tồn vong của một phương hoặc cục diện cả thiên hạ.

Hợp Phì ở phía sau chính là Hoài Nam trọng địa, vô luận là Thọ Xuân hay là Chung Ly đều là thượng du Tương Dương trọng trấn. Sông Hoài lại không có năng lực phòng hộ như Trường Giang, một khi rơi vào tay phương nam chính là đại lộ thênh thang để thủy quân Tôn Ngô xuôi vào đất Ngụy. Tôn Quyền sau trận Xích Bích mấy lần suất lĩnh đại quân, theo Nhu Tu Khẩu bắc thượng mãnh công Hợp Phì, chính là hi vọng đem tiền tuyến đẩy về phía trước, lấy Hợp Phì làm lá chắn, lấy hồ Sào làm căn cứ địa thuỷ quân.

img

Bản đồ vị trí Hợp Phì

Ngược lại, từ Hợp Phì có thể khống chế hồ Sào, nhìn thẳng Kiến Nghiệp. Tào Ngụy tùy thời có thể điều thủy quân tập kết ở hồ Sào, sau đó theo Nhu Tu nhập Trường Giang lấy Giang Đông. Đông Ngô vì thế không thể không lập trọng trấn cứ điểm quân sự Giang Bắc ở Nhu Tu Khẩu.

Kỳ thực, ở giai đoạn tiền Tam Quốc, tức là từ lúc Đổng Trác vào Lạc Dương cho đến Xích Bích, tầm quan trọng của Hợp Phì không lớn đến vậy. Nhưng sau trận Xích Bích, cục diện phương bắc đã định, chiến trường dời về nam, tầm quan trọng của Hợp Phì cũng dần được thể hiện ra. Tào quân xuôi nam, Tôn binh thủ lấy Nhu Tu; Tôn binh bắc thượng, Tào quân cố thủ Hợp Phì. Ngụy, Ngô hai nước ở chỗ này trước sau đã triển khai mấy lần đại chiến. Bởi vậy có thể thấy được vị trí chiến lược của Hợp Phì không thua gì Kinh Châu.

Song phương đối cục

Cũng chính vì tầm quan trọng ấy, Kiến An năm thứ hai mươi (Công Nguyên năm 215), Tôn Quyền bại trận sau mười ngày vây hãm Hợp Phì được nhiều người bình là vội vàng xuất binh, qua loa bại trận. Nhưng lịch sử vốn không có chi tiết nào là đứng riêng rẽ mà ngược lại, mỗi một sự kiện đều có liên quan chặt chẽ đến những sự kiện khác. Từ sau Xích Bích, Tôn Tào hai nhà không ngừng sắp xếp bố cục của mình, chờ đợi trận quyết chiến mà cả hai đều hiểu là sẽ tới.

Kiến An năm thứ mười bốn (209), nửa năm sau trận Xích Bích, Tào Tháo quay lại Hợp Phì, thao luyện thủy quân. Lo sợ Tôn Quyền sẽ đến cướp dân, Tháo bỏ mặc lời khuyên của Tưởng Tế, cho dời dân ở Hoài Nam. Kết quả khiến cho “hơn chục vạn hộ dân từ Lư Giang, Cửu Giang, Kỳ Xuân, Quảng Lăng đều qua sông sang đông”. Sau Tháo hối hận xuống chiếu phủ dụ trăm họ, sai Tạ Kỳ “đóng đồn ở đất Hoàn làm ruộng lập xóm làng”. Kỳ mấy lần vào biên cảnh cướp bóc, Lã Mông dụ dỗ không được “bèn rình lúc sơ hở tập kích” đánh lui Kỳ thu được dân xứ ấy. Vậy là do sơ suất mà “phía tây sông thành trống rỗng, từ Hợp Phì xuôi nam chỉ còn Hoàn Thành”.

img

Bản đồ hướng dân vùng Hoài Nam di cư. Phần đánh dấu là địa chính thuộc đất Ngụy

Để giải quyết tình thế này, trong hai năm Kiến An thứ mười bảy (212) và Kiến An thứ mười tám (213), Tào Tháo liên tiếp đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu. Nhưng việc này chỉ càng tạo cơ hội cho Quyền củng cố phòng tuyến của mình. “Năm Kiến An thứ mười sáu, Tôn Quyền dời sở trị về Mạt Lăng, năm sau đắp thành Thạch Đầu”, đổi tên thành Kiến Nghiệp là để củng cố phòng tuyến Giang Bắc, tiện bề mưu lấy Từ Châu. Năm thứ mười tám, Quyền nghe theo lời Lã Mông, đắp lũy ở Nhu Tu đương cự Tào Tháo hơn một tháng. Tháo “không thể hạ nổi mà lui về”.

Nhìn lại, trong mấy năm liên tiếp, khi Lưu Bị còn đang mưu tính ở Ích Châu, Tôn Quyền không ngừng củng cố phòng tuyến của mình, đẩy mạnh căn cứ quân sự lên chiến trường Giang Bắc. Tào Tháo là người ra tay trước trong ván cờ này nhưng sai lầm trong việc di dân ở bước đầu tiên đã khiến ông thất thế, dù cố gắng tìm cách tấn công hòng đoạt lại tiên cơ nhưng đều không hiệu quả trước sự cẩn thận, lớp lang của Tôn Quyền.

Đánh Nhu Tu bất lợi, Tháo đành lưu Trương Liêu, Lý Điển và Nhạc Tiến cùng 7.000 binh mã ở Hợp Phì chờ đợi trận quyết chiến với Đông Ngô bởi mưu đồ của Trọng Mưu khó mà qua mắt binh gia như Mạnh Đức.

Tôn Quyền dù đã ngăn cản Tào Tháo xuôi nam, nhưng để có thể tiến lên phía bắc lại là chuyện khó khăn gấp bội, đặc biệt là khi Tào Tháo đã có sự phòng bị. Vị bá chủ chỉ vừa 31 tuổi hừng hực nhiệt huyết này rốt cuộc sẽ chọn lấy thời cơ như thế nào đây?

(Còn tiếp)

Trần Minh Tiến (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem