Hợp tác đào tạo nâng tầm lao động Việt

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 23/11/2019 06:30 AM (GMT+7)
Dù thứ hạng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam đã tăng lên tới 13 bậc, nhưng trình độ, kỹ năng lao động Việt Nam còn thấp. Để giải quyết bài toán này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên cần làm đó chính là giải bài toán liên kết “3 nhà”.
Bình luận 0

Tạo sự kết nối “3 nhà”

Lần đầu tiên, Bộ LĐTBXH cùng các bộ, ngành và Chính phủ thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động Việt, thông qua việc lần đầu tiên tổ chức diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

img

Kỹ năng lao động sẽ bị tác động nhiều tới việc tìm kiếm việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Ảnh: N.T

"Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang xếp thứ 37 trên thế giới nhưng năng lực GDNN lại xếp thứ 102. Dù chỉ số GDNN đã tăng 13 bậc, nhưng đây vẫn là thứ hạng thấp. Việt Nam cần phấn đấu để đưa GDNN đứng vào top 50 của thế giới. Để làm được việc này, cần hình thành một hiệp ước xã hội về GDNN nhằm kết nối các nguồn lực thông qua việc hợp tác giữa các bộ, ngành và DN có liên quan”.

Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc

Theo Bộ LĐTBXH, hiện nay chỉ có 23% tổng lao động của Việt Nam qua đào tạo. 40% dân số làm nông nghiệp, sống ở khu vực nông nghiệp nông thôn, hầu hết chưa qua đào tạo. Số khác qua đào tạo nhưng kỹ năng tay nghề của lao động còn thấp. Trung bình mỗi lao động chỉ mất 1/10 chi phí lương dành cho đào tạo, (khoảng 300.000 - 500.000 đồng chi cho đào tạo trong 1 năm).

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, giải pháp đầu tiên là nâng cao chất lượng GDNN. Tiếp đến là thực hiện hợp tác giữa cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế, hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) và cơ sở giáo dục, hợp tác giữa cơ sở giáo dục - nhà trường và Nhà nước. Trong đó, sự liên kết giữa cơ sở giáo dục và DN được xem là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao kỹ năng cho lao động.

“DN sẽ tham gia trực tiếp vào việc xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu trực tiếp của DN. Đồng thời, DN cũng có thể hỗ trợ tài chính, máy móc hiện đại, để lao động thực hành trong quá trình học tập. Đặc biệt, sau khi học, lao động có thể được DN cam kết tiếp nhận làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, từ đó tiếp tục nâng cao kỹ năng, tay nghề” - ông Quân nói.

Mặc dù có chủ chương hợp tác, nhưng rất ít DN tham gia (khoảng 200.000 DN). Bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI) cho rằng: “Cần đổi mới GDNN theo hướng khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, đồng thời gia quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN. Tự chủ không có nghĩa Nhà nước không đầu tư. Nhà nước cần đầu tư thông qua việc xây dựng hệ thống chính sách đủ mạnh, tạo hành lang thông thoáng cho việc DN tham gia hợp tác”.

Cụ thể, có cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, về đầu tư, gắn hợp tác với trách nhiệm quyền lợi của lao động và DN, cơ chế tuyển chọn giáo viên đứng lớp ngay trong chính DN mà không cần bằng cấp sư phạm.

Bà Valentina Barcuci - chuyên gia kinh tế lao động Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, muốn nâng tầm kỹ năng tay nghề cho lao động Việt Nam, cần có sự tham chiếu cung - cầu lao động. Điều này nghĩa là kỹ năng lao động phải dựa trên nhu cầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu của DN.

Giáo dục kỹ năng toàn diện

Để nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho lao động, ngoài việc xây dựng lộ trình nâng “chất” cho GDNN, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng hơn tới khâu kêu gọi sự chủ động tham gia của người lao động.

Cụ thể, theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, thay vì chỉ chăm chăm chú trọng tới việc thực hành các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, lao động cũng cần phải xây dựng các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, tác phong công nghiệp, kỹ năng thích ứng với những công việc, vị trí làm việc tốt hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn... Đặc biệt, cần trang bị những kiến thức kỹ thuật số để lao động có thể thích ứng với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời buổi cách mạng khoa học công nghệ thông tin.

Đồng tình với những ý kiến trên, bà Kikeni Got - điều phối Chương trình phát triển con người (Ngân hàng Thế giới) cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, việc giỏi kỹ năng chuyên môn là chưa đủ với lao động. Ngoài kỹ năng tay nghề, lao động cần có những kỹ năng mềm để dịch chuyển tới vị trí công việc tốt hơn.

Thêm vào đó, theo bà Kikeni Got, GDNN Việt Nam cần chuyển tư duy đào tạo lao động từ tuân thủ sang văn hóa lấy chất lượng GDNN làm chính. Điều này có nghĩa, thay vì tuân thủ, lao động cần phát huy kỹ năng, tính sáng tạo để nâng cao chất lượng, năng suất công việc.

Quay trở lại với vấn đề điều kiện để có thể nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho lao động, bà Kikeni Got khẳng định, phải thực hiện tốt bài toán phối hợp “3 nhà” và tiến hành giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem