Hotgirl 9X dùng Facebook lừa đảo 3,5 tỷ đồng đối mặt với hình phạt nào?
Hotgirl 9X dùng Facebook lừa đảo 3,5 tỷ đồng đối mặt với hình phạt nào?
PV BMT
Thứ ba, ngày 04/08/2020 19:00 PM (GMT+7)
Hotgirl 9X dùng chứng minh thư nhân dân nhặt được của người khác, lập Facebook chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng của hàng trăm người sẽ đối mặt với hình phạt nào?
Ngày 3/8, cơ quan chức năng đã di lý đối tượng Trần Thị Ngọc (SN 1997, Sùng Phài, TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu) về Nghệ An. Ngọc là đối tượng đã lập tài khoản Facebook lừa đảo hàng trăm người, chiếm đoạt tới 3,5 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2020, qua trinh sát, nắm tình hình trên không gian mạng, công an phát hiện có nhiều tài khoản Facebook có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong số này có tài khoản mang tên Nguyễn Thị Uyên Nhi; Nguyễn Nhi.
Ngọc khai nhận, giữa năm 2017, có nhặt được 1 chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Thị Uyên Nhi. Sau đó, sử dụng CMND này ra ngân hàng mở 2 tài khoản tại Vietcombank, VPBank, đăng ký dịch vụ chuyển tiền, thanh toán online.
Ngọc còn dùng CMND này lập 2 tài khoản Facebook Nguyễn Thị Uyên Nhi, Nguyễn Nhi dùng hình ảnh của người khác tải về từ mạng làm ảnh đại diện.
Đối tượng tham gia nhiều nhóm bán hàng, mua bán online, review du lịch; tạo lập các tài khoản zalo như "Buôn sỉ mỹ phẩm authe"; "Uyên Nhi", "Mỹ phẩm buôn" đăng tải các thông tin hình ảnh lừa đảo đặt tour du lịch giá rẻ, vé máy bay, đặt phòng khách sạn review đẹp với giá cả hợp lý hoặc mua bán mỹ phẩm, khẩu trang để lừa người khác chuyển tiền cọc hoặc thanh toán trước vào tài khoản ngân hàng đã lập. Khi nhận được tiền cọc hoặc tiền thanh toán trước, đối tượng liền "bùng".
Bằng thủ đoạn trên, từ giữa năm 2017 đến nay, Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng trăm người với trên 3,5 tỷ đồng.
Theo luật sư Đào Định (Văn phòng Luật sư Thanh Ngân, Đoàn Luật sư Hà Nội), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và lượng người dùng các trang mạng xã hội tăng nhanh, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phổ biến và ngày càng tinh vi. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của tội phạm dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản cho tội phạm để chiếm đoạt tài sản đó.
Cụ thể, điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: "(1). Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
(2) Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. (5). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản" - luật sư Định nói với Dân Việt.
Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi. Tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều 12, BLHS 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
"Cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố hành động hay không hành động nguy hiểm cho xã hội, đồng phạm có tổ chức hay không, chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt hay đã hoàn thành, thủ đoạn thực hiện, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian, hậu quả thiệt hại, hình thức lỗi, mức độ lỗi, mục đích, động cơ phạm tội… để định hình phạt. Với những thông tin trên, đối tượng Ngọc sẽ đối diện với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân" - luật sư Đào Định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.