Trước những tranh luận của khán giả về việc triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” có phản cảm hay không, Dân Việt đã liên lạc với một số họa sĩ để trao đổi. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: "Tôi nghĩ nếu đây chỉ đơn thuần là một cuộc trưng bày để người ta hiểu về cấu trúc, nội tạng như: cơ xương, giải phẫu của con người thì đây chưa phải là nghệ thuật. Nghệ thuật không có chức năng đó.
Còn nếu như đây là một cuộc triển lãm sắp đặt. Một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt sẽ khác với tranh giá vẽ. Ví dụ khán giả đi xem tranh thì sẽ có chú thích bên cạnh như: Tên bức tranh, chất liệu, năm sáng tác. Nhưng riêng với tác phẩm nghệ thuật đương đại, trong đó có nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn phải thể hiện được cái riêng, cá tính của mình. Cá tính trong tác phẩm đó phải có tư tưởng. Tư tưởng này phải lớn hơn hình thức biểu đạt thì tác phẩm đó mới nên tồn tại.
Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trithuc.vn
Ví dụ với bức tranh nổi tiếng của cụ Tô Ngọc Vân, vẽ "Thiếu nữ bên hoa huệ", tức là chỉ cần chân dung cô gái ngồi cạnh lọ hoa. Bức này không cần lời tựa nào. Nhưng đã là nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại buộc phải có tư tưởng.
Và như vậy nếu như triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” là nghệ thuật sắp đặt thì tư tưởng phải lớn hơn hình thức biểu đạt. Còn ngược lại, nếu như triển lãm này chỉ đơn thuần là cung cấp các kiến thức y học về cấu trúc và các hoạt động sinh học bên trong cơ thể người thì chỉ cần trưng bày trong nhà trường, cho các sinh viên làm bài tập chứ đâu cần thiết phải trưng bày tại Nhà văn hoá Thanh niên.
Tôi đã từng biết có một triển lãm trưng bày về xương người. Tác giả đã đi thu mua xương người sau đó về đúc thành tác phẩm thông qua cách hình thức đúc nhựa composite với lời tựa rất rõ ràng rằng: Tôi là người gốc Campuchia, tôi đi học nghệ thuật và tôi rất đau đớn khi quê hương của bố tôi đã có khoảng thời gian xảy ra nạn diệt chủng. Và đây là lời kể của bố về câu chuyện này….
Thì đây là một triển lãm rất hay, ấn tượng. Không có gì tố cáo nạn diệt chủng đó bằng những tác phẩm nghệ thuật, một núi bằng xương người".
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, triển lãm về mẫu vật toàn thân và bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người trên thế giới đã làm rồi. Tuy nhiên, luật của họ rất nghiêm, khi họ triển lãm và trưng bày mẫu vật toàn thân và bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người thì họ đã đề rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có triển lãm như vậy nhưng với người Việt Nam, văn hoá lại khác, nên không dễ gì để nói rằng sẽ một triển lãm không xảy ra những ý kiến trái chiều và thuận chiều.
Một tác phẩm trưng bày trong triển lãm.
Còn hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn thì cho biết: "Theo tôi được biết thì triển lãm này thời gian diễn ra khá dài, từ ngày 21.6 đến 31.12 mà lại được triển lãm tại Nhà văn hoá Thanh niên. Tôi cũng khá bất ngờ khi Sở VHTT TP HCM là đơn vị cấp phép.
Bởi, có thể nói đây không phải là một triển lãm nghệ thuật mà theo như lời BTC đã chia sẻ trên báo chí thì đây chỉ đơn thuần là một dự án cung cấp các kiến thức y học về cấu trúc và các hoạt động sinh học bên trong cơ thể người. Với 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người.
Theo tôi, nên để trong nhà xác hoặc được trưng bày trong một môi trường nhỏ, để những người học ngành y, hay những người về chuyên môn cần nghiên cứu đến để tìm hiểu. Còn không nên đưa ra trưng bày nơi công cộng, đặt ở nhà Văn hoá Thanh niên TP HCM, nơi rất phổ cập và đông các bạn trẻ đến thăm quan.
Theo tôi được biết, anh Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật đã không đồng ý triển lãm tại Hà Nội là hoàn toàn chính xác. Với một dự án như vậy không nên phổ cập rộng rãi nơi công cộng.
Với những hoạ sĩ, người làm chuyên môn như chúng tôi, khi vẽ tranh sẽ là những nguyên mẫu, con người thực, có số phận, câu chuyện sẽ khác, được coi là nghệ thuật chứ không như dự án đó, chỉ là những nguyên mẫu vô cảm, không có sự giao cảm giữa tác giả và người mẫu. Có thể tạm coi đó là những xác ướp. Hơn nữa những xác ướp này không biết rõ xuất xứ, gốc gác người đó. Ngoài ra đó cũng chỉ là những nguyên mẫu, những thi thể nên không thể coi là nghệ thuật"- họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Không chỉ ý kiến của các chuyên gia mà trước đó rất nhiều khán giả cũng đã lên tiếng chỉ trích đầy bức xúc. Khán giả DanhPham bình luận: “Nếu không chứng minh được nguồn gốc của các thi thể được hiến tặng hợp pháp thì phải dừng ngay việc triển lãm lại. Việc người chết hiến tặng cơ thể để nghiên cứu y khoa và khoa học khác hẳn với việc hiến tặng cơ thể để trưng bày kinh doanh, thu lợi nhuận".
Khán giả Búa Tạ thì bình luận: “Kỹ thuật Plastination là kỹ thuật tách các dịch lỏng và mỡ trong cơ thể người đã chết và thay thế vào đó là nhựa plastic để giữ nguyên vẹn hình dạng cơ thể mà không bị thối rữa. Vấn đề là dự án này bị nghi ngờ về nguồn gốc của các xác chết, vốn không rõ ràng. Một số điều tra cho rằng, có những nạn nhân của nạn buôn người đã bị biến thành những mẫu vật. Thêm vào đó, các nhà xã hội và tôn giáo ở nhiều nước cho rằng phơi cơ thể người thật, vốn là sản phẩm cao quý của Chúa Trời và tạo hóa, là một vi phạm đạo đức không thể chấp nhận. Do đó, dự án này cũng vấp phải sự phản đối ở nhiều nước.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.