Trần Đáng
Thứ bảy, ngày 30/01/2021 06:20 AM (GMT+7)
TP.HCM đã có kế hoạch tăng thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt 97,376 triệu đồng vào năm 2025. Trong đó, vai trò chính để tăng thu nhập là các hợp tác xã (HTX).
HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại- Dịch vụ Phước An (xã Tân Quý Tây, Bình Chánh) là một trong những HTX tiêu biểu của TP.HCM, đang làm rất tốt nhiệm vụ góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó là tăng thu nhập cho nông dân.
"Bà đỡ" ở nông thôn…
Theo Giám đốc HTX Phước An - Trần Văn Thích, hiện HTX có 62 thành viên trồng trên 30ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX thu mua sản phẩm cố định theo hợp đồng ký với thành viên, đảm bảo hộ thành viên có lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất.
"Nếu giá thị trường thấp hơn, HTX vẫn thu mua theo giá hợp đồng. Còn nếu giá thị trường cao hơn thì HTX thu mua bằng 80% giá thị trường" - ông Thích cho biết.
Tình hình HTX nông nghiệp TP.HCM 2019:
* Quy mô vốn bình quân: >4.000 triệu đồng/HTX.
* Doanh thu bình quân: >17.900 triệu đồng/HTX.
* Lợi nhuận bình quân: 336 triệu đồng/HTX.
* Thu nhập bình quân thành viên: 60 triệu đồng.
Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, những năm qua HTX Phước An đã góp phần nâng cao các tiêu chí về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (xã Tân Nhựt, Bình Chánh) - một nông dân đang trồng hơn 1ha rau VietGAP cung ứng cho HTX Phước An cho biết, HTX luôn lấy "tiêu chí 2 bên cùng có lợi" khi hợp tác làm ăn với nông dân. Nhờ sự hợp tác tốt đẹp này mà kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển.
Tại huyện duyên hải Cần Giờ, HTX nông nghiệp Cần Giờ - Tương Lai, một HTX còn non trẻ, cũng đang đóng góp nhiều cho Chương trình NTM của địa phương bởi đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc, kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Cần Giờ - Tương Lai cho biết, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp với 100 hộ dân trên diện tích khoảng 150ha đất sản xuất nông sản "sạch" đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã trên địa bàn huyện, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với các hộ dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua.
Đồng thời, triển khai thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ, mua bán sản phẩm tôm thịt, cá dứa, tổ yến thô... đối với các hộ dân sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến của HTX và cung ứng sản phẩm cho các cá nhân, doanh nghiệp, siêu thị thu mua trên địa bàn TP.HCM.
Đưa 20% nông dân vào HTX
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể của thành phố đến năm 2020. UBND TP.HCM cũng đã ban hành đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX.
Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM của TP.HCM có 80 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.410 thành viên. Chất lượng hoạt động của HTX đang dần được nâng lên.
Theo Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, trong giai đoạn 2012-2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu thu nhập cư dân nông thôn đạt 97,376 triệu đồng/người/năm (gấp trên 1,5 lần so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp tối thiểu đạt 20% trên tổng số hộ nông dân trên địa bàn thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.