HTX có cánh đồng lớn 150 ha trồng lúa, bắp hoàn toàn bằng máy móc

Chủ nhật, ngày 15/10/2017 13:24 PM (GMT+7)
Hợp tác xã dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) là đơn vị đi đầu trong việc đưa máy móc vào sản xuất theo hướng an toàn. Với sự năng động, sáng tạo, hợp tác xã này đã làm chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn 150 ha trồng lúa, bắp sạch, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho xã viên.
Bình luận 0

img

Hợp tác xã dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh với việc đi đầu trong đưa máy móc ra đồng và sản xuất theo hướng sạch để có đầu ra bền vững.

Đưa máy móc ra đồng

Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến, là người khởi xướng để xây dựng mô hình kinh tế tập thể này. Ông Quang chia sẻ: “Hợp tác xã được thành lập vào năm 2014, tiền thân là câu lạc bộ giảm nghèo vì thời điểm đó thu nhập từ cây lúa rất thấp. Tôi đã bỏ công đi vận động từng nông dân liên kết cùng sản xuất với mong muốn vừa giảm chi phí đầu tư vừa tăng đồng lời”.

Hợp tác xã dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến cũng là đầu mối liên kết các xã viên góp vốn đầu tư đưa máy móc ra đồng. Ông Quang so sánh: “Khi chúng tôi đầu tư chiếc máy thu hoạch cho ra hạt bắp ngay trên cánh đồng, công đoạn thu hoạch 1 hécta bắp giảm được cả triệu đồng chi phí nhân công so với cách làm truyền thống. Với cây lúa cũng vậy, hiện mọi khâu thu hoạch, đóng gói đều có máy móc làm thay. Nông dân chỉ cần đứng trên bờ chờ thương lái đến rồi bán lúa, thu tiền chứ không phải chạy đôn chạy đáo thuê lao động như trước”.

Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa của hợp tác xã đã đạt gần 100%. Nhờ xây dựng tốt chuỗi liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm bắp hạt của hợp tác xã được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt, ổn định. Hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trồng bắp lấy cây, thời gian trồng ngắn có thể tăng lên 4 vụ bắp/năm. Lợi nhuận trên 1 hécta vì vậy sẽ tăng cao hơn. 

Bao tiêu gạo sạch

Đã nhiều năm qua, bà con xã viên trong hợp tác xã không còn chạy theo năng suất như bao nông dân khác ở trong vùng thường làm. Điều mà họ quan tâm lúc này chính là tập trung các giải pháp sản xuất ra hạt gạo sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng hiện nay. Ông Quang tính toán: “Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc tăng trưởng, năng suất lúa thường đạt từ 5-5,5 tấn/hécta/vụ. Còn sản xuất theo phương pháp hữu cơ như sử dụng phân chuồng và các chế phẩm sinh học, năng suất chỉ đạt khoảng 5 tấn/hécta/vụ. Nhưng giá bán lúa sạch bao giờ cũng cao hơn mặt bằng chung từ 1.000-1.200 đồng/kg nên lợi nhuận từ làm lúa sạch vẫn cao hơn”.

Nhờ hiệu quả thực tế thuyết phục, đến nay hợp tác xã đã có hơn 30 hécta diện tích lúa sản xuất theo chuẩn an toàn. Và tất cả sản phẩm này được hợp tác xã nhận bao tiêu, sau đó sơ chế đóng gói để cung cấp ra thị trường. Hiện trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 8-10 tấn gạo sạch. Giá bán ra luôn ổn định từ 14-15 ngàn đồng/kg, giá trị thu về cao hơn hẳn các loại gạo thông thường khác.

Hải Đình - Tuệ Lâm (Báo Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem