Chi phí tăng cao, HTX huyện nông thôn mới lao đao, TP.HCM tăng cường các giải pháp hỗ trợ

Trần Đáng - P.A Chủ nhật, ngày 28/08/2022 06:30 AM (GMT+7)
Từ sau dịch Covid-19, nhiều HTX nông nghiệp ở các huyện nông thôn mới TP.HCM làm ăn thua lỗ, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Nguyên nhân, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm ra lại thấp…Ngành nông nghiệp TP.HCM đã tăng cường các giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể.
Bình luận 0

HTX huyện nông thôn mới lao đao vì dịch Covid-19, chi phí tăng cao

Anh Nguyễn Minh Hải, Giám đốc HTX Chăn nuôi dê Đa Phước cho biết, do dịch Covid-19 còn kéo dài, khiến sức mua sản phẩm của HTX, như sữa, thịt dê khá chậm. Trung bình, mỗi ngày HTX bán khoảng 20 lít sữa dê. Còn lượng thịt dê bán ra cũng "khá ít".

Khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra HTX nông nghiệp lao đao - Ảnh 1.

Trong trại nuôi dê của HTX chăn nuôi dê Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Trước đây, HTX có hợp đồng bao tiêu thu mua sữa của một doanh nghiệp. Đầu năm nay, hợp đồng bị cắt do doanh nghiệp gặp khó khăn. "Hiện, sản phẩm dê của HTX chỉ bán lẻ", anh Hải chia sẻ.

Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi giá cả sản phẩm đầu ra thấp khiến HTX Bò sữa Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) phải gồng mình chịu đựng trong thời gian qua.

Giám đốc HTX Bò sữa Đông Thạnh Võ Thị Bích Liễu cho biết, thức ăn chăn nuôi từ năm 2020 tới nay tăng gấp 10 lần. Trong khi đó, để nuôi một con bò đến lúc cho sữa phải tốn rất nhiều chi phí. Vì thế, các hộ dân bỏ dần việc nuôi bò sữa. Hiện, chỉ còn 8 hộ dân cung cấp sữa cho HTX.

Để duy trì lượng sản phẩm từ sữa cung cấp cho thị trường, HTX đã thu mua thêm sữa từ các trạm trung chuyển ở Đà Lạt và Củ Chi với giá 15.000 đồng/ký.

Không chỉ vậy, để giữ chân khách hàng, HTX đã ký hợp đồng cam kết không tăng giá với các đơn vị.

"Chính vì điều này khiến cho HTX Bò sữa Đông Thạnh khó khăn lại chồng chất khó khăn. Cách đây khoảng hai năm HTX thu lời 100 triệu/tháng. Còn bây giờ, duy trì được HTX là tôi vui rồi", bà Liễu cảm thán.

Tương tự HTX Phước An tình trạng bán buôn ế ẩm khiến HTX lỗ hàng trăm triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX cho biết, năm 2020, HTX Phước An có hơn 30ha với 27 chủng loại rau ăn lá, ăn quả… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, các thành viên HTX trồng được 7 vụ rau, với năng suất đạt 21-24 tấn/ha/năm.

Nhưng hiện, HTX đã có 28 nhà vườn bỏ mô hình, 34 nhà vườn phải giảm sản lượng, diện tích trồng trọt. Hiện tại, quy mô sản xuất của HTX duy trì chỉ còn 30% so với năm 2020.


Khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra HTX nông nghiệp lao đao - Ảnh 3.

Trong xưởng sản xuất của HTX Bò sữa Đông Thạnh. Ảnh: Trần Đáng

TP.HCM tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể vùng nông thôn

Theo Sở NNPTNT, tính đến tháng 7/2022, TP có 154 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 109 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng số thành viên là 2.512 thành viên. Tổng vốn điều lệ hơn 339 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra thu nhập hộ nông dân tại 56 xã nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM năm 2021 của Cục Thống kê – Sở NNPTNT TP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người, giai đoạn 2019-2021, là 1,9% thấp nhất trong các giai đoạn. Lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trao đổi với bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới TP.HCM, về giải pháp hỗ trợ các HTX đang gặp khó khăn, bà Mai cho biết, đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, TP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển nhiều sản phẩm OCOP; khuyến khích doanh nghiệp, HTX, THT và hộ nông dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn trong và ngoài Thành phố, hướng đến tham gia chuỗi liên kết sản xuất cung ứng toàn cầu.

Chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, HTX tại khu vực nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Song song đó, để thúc đẩy tăng thu nhập cho khu vực nông thôn TP.HCM, bà Mai cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới, TP đã thực hiện một số nội dung, như: Tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tạo cơ hội và điều kiện đưa đô thị về nông thôn;…

Khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra HTX nông nghiệp lao đao - Ảnh 4.

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Ảnh: Trần Đáng

Đồng thời, TP sẽ tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, TP sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động nông thôn; gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ… 

6 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX TP.HCM đã hỗ trợ thành viên HTX và tổ viên tổ hợp tác phát triển kinh tế địa phương góp phần giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi. Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (Quỹ CCM) đã kịp thời hỗ trợ các thành viên vay vốn. Tính đến tháng 5/2022, Quỹ CCM đã trợ vốn cho hơn 17.000 lượt thành viên với doanh số trợ vốn hơn 583,3 tỷ đồng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem