Bị hại mong yên ổn
Cụ thể, 5 bị cáo gồm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, trú tại phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm), cựu Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên; Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970, nguyên là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2; Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, SN 1963) nguyên là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2; Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962) nguyên là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2; và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, SN 1968, cũng nguyên là nhân viên tổ bốc dỡ số 2).
Các bị cáo trên bị đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Sau 1 ngày làm việc, Hưng “kính” bị tuyên 48 tháng tù, các đồng phạm khác cũng có các mức án tương xứng với hành vi vi phạm.
Trao đổi với PV sau tuyên án sơ thẩm, bị hại Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, trú tại Ba Đình, TP.Hà Nội, tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên), người bị nhóm Hưng “kính” chèn ép chia sẻ, chị sẽ không kháng cáo.
Hưng "kính" lĩnh án nhẹ hơn Viện kiểm sát đề nghị. Ảnh chụp chiều 25/7 (Ảnh: Tô Thế)
Tuy nhiên, điều chị lo ngại bây giờ nhất là sự an toàn của bản thân và gia đình, cũng như công việc kinh doanh của mình. Chị mong muốn được yên ổn để làm ăn, mưu sinh như thường nhật.
"Mức án cao hay thấp đối với tôi cũng không quan trọng, tuy nhiên sau phiên tòa này có điều gì đó bất an với tôi hoặc công việc bị cản trở hay vô hình bị áp lực nào đó thì tôi sẽ có đơn gửi lên tòa án tiếp" – nữ tiểu thương chợ Long Biên nói.
Cũng chia sẻ sau phiên sơ thẩm, luật sư Trương Anh Tú – 1 trong 4 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết, mức án là do quyết định của toà án.
Vấn đề được vị luật sư quan tâm là công tác quản lý chợ đầu mối của của cả nước, đó là cái quan trọng nhất.
Đối với lo lắng của bị hại về sự an toàn của bản thân và gia đình, luật sư Trương Anh Tú nhận định, cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm trong vấn đề.
Luật sư nói 3 tình tiết quan trọng bị bỏ qua?
Ở diễn biến trước đó, trong buổi làm việc chiều qua (25/7), theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, kẻ bảo kê thực sự không phải là Hưng "kính", cần làm rõ vai trò của những người liên quan khác.
Trong phần trình bày của mình, luật sư Trần Đình Triển – luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho biết, đây là vụ án gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, đời sống xã hội.
Theo vị luật sư này, việc Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội truy tố các bị cáo theo điều 170 Bộ luật Hình sự (định khung từ 1 - 5 năm tù) là không thỏa đáng.
Trước đó, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố theo khoản 2 của điều này (định khung từ 3 - 10 năm tù).
Luật sư Triển cũng nhận định, có ba tình tiết quan trọng để xem xét vụ án đã bị bỏ qua.
Đầu tiên là “phạm tội có tổ chức”: Theo diễn biến ở phiên toà, các bị cáo đã khai về việc bàn bạc, thống nhất cách thu ăn chia, nộp tiền lên Ban Quản lý chợ Long Biên.
Chị Nga trong phiên toà ngày hôm qua đã bật khóc nức nở khi HĐXX hỏi có đề nghị bồi thường gì không. Chị này hỏi lại rằng "bồi thường cái gì khi tôi 2 lần tự tử".
Tình tiết quan trọng thứ 2 được luật sư của Văn phòng luật sư Vì Dân đưa ra là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Cuối cùng, sự việc “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội’’.
Cũng theo các luật sư, việc cơ quan điều tra quyết định tách 5 vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án này gồm tố cáo của bị hại liên quan đến việc bị cáo Hưng chiếm đoạt số tiền 1,6 tỷ đồng;
tài liệu liên quan đến việc các bị cáo chiếm đoạt của 11 hộ kinh doanh khác tại chợ Long Biên;
tài liệu liên quan đến hành vi của Hồ Quang Thao, Kiều Văn Dũng có hành vi đe dọa, kéo cá thối tra tấn tinh thần, cản trở việc kinh doanh của người bị hại;
tài liệu sai phạm về kinh tế của Ban Quản lý chợ Long Biên và trách nhiệm của ông Đàm Đình Dũng để điều tra sau là sai Luật Tố tụng hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.