Hương ước truyền đời phạt nặng kẻ xâm hại rừng

Thứ năm, ngày 26/04/2012 17:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang có trong tay một tài sản vô giá là khu rừng nguyên sinh rộng trên 50ha. Họ giữ được rừng là nhờ những quy định trong hương ước truyền đời...
Bình luận 0

Báu vật của cha ông

Nằm trên diện tích khoảng 50ha, rừng cấm Khe Trổ thuộc địa bàn thôn Uyên Phong, xã Châu Hoá, có lẽ là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở huyện miền núi Tuyên Hoá. Đây là nơi còn lưu giữ được hệ động - thực vật hết sức đa dạng và phong phú, dù rừng chỉ cách thôn chưa đến 2km. Mất 30 phút đi bộ, chúng tôi đã có mặt tại khu vực rừng cấm, nơi có hàng ngàn cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Nhiều cây có đường kính trên dưới 1m, cao đến 40m, với dây leo, tầm gửi chen dày làm tăng thêm độ che phủ của rừng.

img
Cây Nao có đường kính thân trên 1m trong rừng cấm Khe Trổ.

Ông Trần Quang Đạo -Bí thư chi bộ thôn Uyên Phong cho biết: Khe Trổ là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 50ha ruộng lúa của thôn Uyên Phong và một phần đất sản xuất của thôn Kinh Châu. Đã bao đời nay, nhờ khu rừng mà chưa năm nào diện tích lúa của làng bị thiếu nước. Ngoài ra, rừng cấm Khe Trổ còn có tác dụng điều hoà khí hậu, giữ môi trường trong sạch, bảo vệ cuộc sống của người dân. Vì thế mà ngay từ khi thành lập làng, các cụ đã cho xây dựng 3 con mương dẫn nước từ Khe Trổ về tưới cho cánh đồng Uyên Phong, gọi là "Tam điều thuỷ đạo". Đồng thời, các cụ đề ra hương ước bảo vệ rừng, truyền đời cho hậu thế noi theo đó mà thực hiện. Trải qua gần ngàn năm lịch sử, nét đẹp ấy vẫn được người dân Uyên Phong lưu giữ và phát huy.

Quyết sách giữ rừng

Ngày nay, người dân thôn Uyên Phong vẫn tiếp tục giữ rừng bằng hương ước truyền đời này, với những điều khoản nghiêm ngặt; tất cả mọi hành vi xâm hại đến rừng cấm dù chỉ săn bắn một con chim hay chặt một que củi, cũng bị xử phạt nặng.

Ông Phạm Quang Tứ là một trong hai người hiện đang được người dân thôn Uyên Phong tín nhiệm giao trọng trách bảo vệ rừng với mức hỗ trợ 750kg thóc/năm, do người dân đóng góp.

Ông Tứ cho biết: Hương ước của làng quy định chỉ cần chặt phá một cây măng tại rừng cấm cũng bị phạt 5.000 đồng, một bó củi khô phạt 20.000 đồng, chặt phá một cây tươi phạt từ 50.000 - 100.000 đồng. Còn những loại gỗ quý, có kích thước lớn thì ngoài việc giao cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, thôn còn căn cứ vào giá trị nhóm gỗ để phạt tiền tương đương với giá trị số gỗ bị chặt phá.

Bất cứ ai ở Uyên Phong dù người lớn hay trẻ nhỏ, hễ thấy người lạ có hành vi xâm hại đến rừng, đều tự giác ngăn cản hoặc báo động cho người làng tổ chức truy đuổi.

Tuy nhiên theo ông Tứ, hương ước quy định như vậy nhưng từ trước đến nay thôn Uyên Phong chưa phải xử lý trường hợp nào liên quan đến việc chặt phá rừng cấm Khe Trổ; bởi với mỗi người dân nơi đây, ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt, được truyền từ đời này sang đời khác. Và đã bao đời nay, người dân Uyên Phong bảo vệ khu rừng này như bảo vệ báu vật của làng mình, không phải vì mục đích tâm linh hay mê tín mà xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Với mỗi người dân nơi đây, bảo vệ rừng là bảo vệ mạch sống của làng, cũng như bảo vệ chính hơi thở của mình vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem