Hương xuân ở bản quế

Chủ nhật, ngày 17/02/2013 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gọi bản Khe Ván (xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là "bản quế" cũng đúng, bởi dọc theo hai bên đường từ trung tâm xã lên bản, bạt ngàn một màu xanh của rừng quế, thoang thoảng hương mời gọi...
Bình luận 0

Hương quế, tình người

Khe Ván là bản vùng xa thuộc xã đặc biệt khó khăn Quang Minh, hầu hết bà con là người dân tộc Dao. Huyền tích của bản truyền rằng, người Dao phiêu dạt xuống đây từ phương Bắc ước chừng cũng đã mấy trăm năm về trước.

Mặc dù sớm hoà nhập với cộng đồng dân bản địa nhưng thói quen du canh, du cư vẫn đeo bám họ suốt tự bao đời. Dù đã định cư ở Khe Ván nhưng bà con thiếu ăn cả nửa năm, họ kéo nhau vào rừng tìm cây đao, củ móng ngựa, củ mài về làm lương thực thay gạo.

img
Phút thư dãn của người dân Khe Ván bên rừng quế.

Không thể để tình trạng này diễn ra mãi, chính quyền xã, huyện đã họp và chỉ ra rằng: Nhà nước cứu đói cho dân chỉ là giải pháp trước mắt, phải hướng dẫn bà con khai hoang ruộng nước và tập thâm canh tăng vụ, tìm lấy một thứ cây chủ đạo để trồng và làm giàu ở đất rừng này. Và người ta đã chọn cây quế, cây keo...

Kể từ đó, những nguồn vốn của các chương trình như 135, 134, WB... được rót về Khe Ván cộng với sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình thuỷ lợi, đường giao thông, trường học, điện, nước sinh hoạt... Dưới chân đồi quế là những mái nhà người Dao lợp cọ, lợp fibrô ximăng san sát xen kẽ những ngôi nhà cao tầng.

Anh Bàn Văn Sơn - Bí thư Chi bộ bản Khe Ván thổ lộ: "Cứ chỗ nào có người Dao là thấy cây quế, thấy rừng. Người Dao mình yêu rừng, yêu cây quế, gắn bó với cây quế cũng giống như tình cảm mà người vùng xuôi dành cho con trâu - đầu cơ nghiệp vậy...".

Chúng tôi đến Khe Ván đúng vào thời điểm bà con thu hoạch quế. Khắp nơi, chỗ nào cũng thấy vỏ quế phơi và những chiếc xe máy thồ chất ngất quế về nơi tập kết tại trung tâm xã. Không gian thoang thoảng mùi thơm của quế bốc lên từ những sân phơi và lò chưng cất tinh dầu đặt ngay bên suối.

Ít có loại cây nào giống như quế, từ gốc đến ngọn đều có thể biến thành sản phẩm: Vỏ là hàng hoá chính; lá và cành để chưng cất tinh dầu; thân để xẻ gỗ ván sàn hoặc làm cây chống cho công trình xây dựng. Thu nhập từ cây quế mỗi năm mang lại cho bà con người Dao trong bản Khe Ván vài trăm triệu đồng. Rồi gỗ rừng trồng, sắn cao sản, lúa, chăn nuôi đại gia súc là những khoản thu định kỳ đã xoá đi cái đói thường niên và góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu lên trên 80%.

Bản văn hoá giữa đại ngàn

Cuộc sống đã dần đi vào ổn định, kinh tế đã khấm khá, bộ mặt của bản đã thực sự thay đổi. Khe Ván mấy năm nay luôn là điển hình xây dựng mô hình "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Anh Triệu Thiều Thăng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Quang Minh, nguyên là Trưởng bản Khe Ván nhớ lại: "Người Dao vốn trọng truyền thống gia đình và dòng họ nên khi vận động chúng tôi hướng tới các trưởng họ. Các dòng họ Đặng, họ Bàn, họ Triệu đã bảo nhau cùng đóng góp ngày công, vật liệu, tiền để xây dựng nhà văn hoá. Số tiền gần trăm triệu đồng cùng nhiều vật liệu như gỗ, lá, tre nứa và hàng trăm ngày công đã không chỉ làm xong nhà văn hoá bản mà còn dư để dựng ngôi trường mầm non cho các cháu trong bản...".

Tính đến đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở Khe Ván giảm xuống chỉ còn khoảng 10%, hầu hết các gia đình trong bản đều có đầy đủ các phương tiện nghe nhìn như ti vi, đài, điện thoại, trên 95% hộ có xe máy, toàn bản có 25 máy cày bừa, 6 máy xay xát, 4 máy đập lúa, 4 ô tô vận tải...

Những quy ước về ma chay, cưới xin, giữ gìn vệ sinh thôn bản, an ninh trật tự, giữ rừng, thực hiện kế hoạch hoá gia đình đã dần dần làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người Dao Khe Ván. Ông cụ Bàn Huy Lâm vui vẻ khoe: "Hầu như 100% các gia đình trong bản đã có công trình vệ sinh, hố đổ rác; các hộ đều có nước sạch, trẻ em được tiêm chủng, được đi học, người già như chúng tôi được tham gia các hoạt động văn hoá chung, vui lắm...".

Vừa giữ gìn văn hóa, vừa làm giàu, anh Triệu Thiều Thăng thống kê một số hộ gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng/năm ở bản Dao này như các anh Bàn Văn Phúc, Bàn Văn Quý, Triệu Quý Lâm, Đặng Phúc Vạn...

"Ngày xưa cõng củi trên lưng. Bây giờ xe chạy vào rừng cõng ra" - những câu hát đồng dao của các em bé chăn trâu bên suối như níu chân chúng tôi ở lại bản quế giữa đại ngàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem