Huyện lớn thứ 3 cả nước chọn OCOP gắn với phát triển du lịch
Huyện lớn thứ 3 cả nước chọn OCOP gắn với phát triển du lịch
Trần Anh
Thứ hai, ngày 29/08/2022 09:52 AM (GMT+7)
Trên là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) với phóng viên trước thềm Diễn đàn “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình” diễn ra ngày 29/8.
Huyện dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình về sản phẩm OCOP
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Bố Trạch được triển khai từ năm 2019. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, toàn huyện có 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 33 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao và hiện đang là huyện dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình về sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của các ngành, các địa phương và người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện bố Trạch có 17 chủ thể (Doanh nghiệp 05; Hợp tác xã 10; Hộ kinh doanh: 02) có sản phẩm OCOP với 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên ( trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao).
Trong các nhóm sản phẩm hiện có, nhóm các sản phẩm thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 40%) tiếp đến là các sản phẩm từ nấm (chiếm 32%), còn lại là nhóm sản phẩm chế biến từ ngành trồng trọt. Nhiều sản phẩm đã nâng cao được chất lượng, giá trị, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu và tiêu thụ tốt hơn so với trước đây.
Một số sản phẩm đã vào được các siêu thị lớn và cửa hàng nông sản sạch, đồng thời có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như các sản phẩm nấm sạch Tuấn Linh, cà gai leo Thanh Bình, Dầu lạc Phong Nha, Miến gạo Bố Chính Song Son, nước mắm Nhân Nam, Ngọc Biển, Hải sản Thanh Quang… Sau khi tham gia chương trình, nhiều chủ thể tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và thu hút thêm nhiều lao động tại địa phương. Đây là tính hiệu tích cực, cũng là đồng lực để huyện có quyết tâm hơn nữa trong thúc đẩy phát triển OCOP trong thời gian tới.
Tạo ra "sân chơi" bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố, những năm gần đây, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm. So với những năm trước đây, số lượng sản phẩm tham gia Chương trình ngày càng nhiều (năm 2019 có 7 sản phẩm, năm 2020 có 12 sản phẩm, năm 2021 có 18 sản phẩm). Để có được số lượng tăng lên hàng năm như vậy, UBND huyện đã có những cách làm như sau:
Trước hết cần xác định, cấp huyện với vai trò quản lý Nhà nước, tạo ra "sân chơi" bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như ở huyện Bố Trạch đã Ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị huyện Bố Trạch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, hỗ trợ cho các cơ sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ xây dựng/nâng cấp các điểm bán hàng và Trung tâm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng thị trường.
Người dân đóng vai trò chính trong "sân chơi" này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chính vì thế, trong quá trình triển khai, tinh thần "dám làm" sản phẩm OCOP của người dân có vai trò rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy, chỉ khi người dân tham gia OCOP với niềm tin mình có thể phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm lợi thế của mình; triển khai bằng nguồn lực sẵn có của mình thì mới thành công.
Để làm điều này, ngay từ đầu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị như Đài truyền thanh, các Hội, đoàn thể làm tốt công tác thông tin, truyền thông nhận thức cho cán bộ, người dân và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.
Để người dân tự tin hơn, huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng của sản xuất, kết nối các nguồn lực. Hỗ trợ trong khâu tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực…
Nghĩa là, chính quyền cần đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm. Câu chuyện thực tế từ sản phẩm OCOP măng khô của Hợp tác xã Cà Roong, Thượng Trạch là một ví dụ. Bắt nguồn từ cây măng rừng có sẵn của địa phương cùng với sự trợ giúp, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, hợp tác xã đã mạnh dạn phát triển sản phẩm ấy thành sản phẩm OCOP đạt 3 sao vào tháng 12/2021
Bên cạnh phát triển sản phẩm, công tác tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong thời gian qua, huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, đồng thời tận dụng các nền tảng công thông tin tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn...
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch thông tin, huyện Bố Trạch có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Một trong những thế mạnh của Bố Trạch là nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; trồng và chế biến cây dược liệu và các sản phẩm cây con bản địa của từng địa phương.
Đặc biệt, Bố Trạch sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch nhất là lợi thế của quê hương di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, hằng năm thu hút hằng trăm ngàn du khách thập phương. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ là định hướng lâu dài của huyện Bố Trạch. Vì vậy, để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chủ yếu gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; nhóm thảo dược và Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Năm 2022, huyện đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất một sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm OCOP du lịch, huyện chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai thực hiện nên đến thời điểm này mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, định hướng cho các chủ thể, các địa phương có tiềm năng để hoàn thiện dần các tiêu chí theo quy định của Chương trình.
Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Du Lịch, sở Nông nghiệp và PTNT để lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển 1 - 2 mô hình OCOP du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để đa dạng các sản phẩm OCOP cũng như phát huy lợi thế về du lịch của huyện nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.