Ở một xã của Nghệ An, nông dân trồng lạc ở độ cao 800m so với nước biển, nhổ bật lên nhiều củ

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ ba, ngày 21/11/2023 05:50 AM (GMT+7)
Lúa mất mùa, bà con dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bèn trồng cây lạc để "chữa cháy". Cây lạc nơi vùng đất cao 800m so với mực nước biển, đến ngày thu hoạch, nông dân nhổ lạc, bất ngờ có nhiều củ chắc.
Bình luận 0

Người Khơ Mú mang cây lạc lên trồng trên rẫy cao hơn 800m so với mực nước biển

Những ngày này, người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang tất bật thu hoạch lạc để bán cho thương lái. Năm nay, cây lúa mất mùa, để đất trống không đành người dân mang cây lạc lên trồng thay thế. Điều không ngờ đã đến khi cây lạc phát triển tốt, năng suất cao, khiến nhà nào cũng bất ngờ.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 1.

Người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An rộn ràng thu hoạch lạc trên những nương rẫy cao hơn 800m so với mực nước biển. Ảnh: N.T

Ông Lầu Bá Chày - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, cây lạc được trồng tập trung chủ yếu ở bản Pà Ca. Đây là bản có 100% là người Khơ Mú sinh sống. Cây lạc được người dân trồng trên những đỉnh núi cao hơn 800m so với mực nước biển.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 2.

Niềm vui của người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An khi lạc được mùa, giá bán cao. Ảnh: N.T

Những rẫy lạc của người Khơ Mú trước đây vốn rẫy trồng lúa. Thời tiết bất thường, mưa ít xảy ra hạn hán, bên cạnh đó chuột phá hoại nhiều nên lúa bị mất mùa nhiều năm liền.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 3.

Người dân sơ chế củ lạc ngay trên những nương rẫy. Ảnh: N.T

Năm 2020, một số người dân mua giống lạc về trồng thử nghiệm. Cây lạc được đưa lên những nương rẫy, tỏ ra rất phù hợp với điều kiện khí hậu và chất đất tại đây nên phát triển nhanh, xanh tốt. Những hộ dân đầu tiên trồng cây lạc cho sản lượng và thu nhập cao, từ đó diện tích trồng lạc không ngừng được mở rộng.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 4.

Người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết trồng cây lạc nhàn mà năng suất lại cao hơn trồng lúa trên rẫy. Ảnh: N.T

Theo người dân địa phương, sườn núi ở Nậm Cắn khá dốc, đất sét pha cát rất thích hợp với cây lạc. Lạc được trồng từ tháng 8, khoảng 3 tháng sau thì cho thu hoạch.

Gia đình anh Nhang Phò Trang (trú bản Pà Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cho biết, gia đình anh có rẫy lạc với diện tích khoảng 0,7 ha. Trước đây gia đình anh Trang trồng lúa rẫy. Từ 2 năm nay, anh Trang quyết định chuyển sang trồng lạc.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 5.

Nương rẫy trên độ cao hơn 800m so với mực nước biển, trước đây người dân chủ yếu trồng lúa giờ đã chuyển sang trồng cây lạc. Ảnh: N.T

Năm 2022, gia đình anh Trang trồng 80kg lạc giống, mùa thu hoạch năm nay anh Trang thu hoạch được hơn 1,3 tấn lạc với thu về khoảng 26 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp đôi so với trồng lúa rẫy.

Anh Trang chia sẻ thêm, trồng cây lạc chỉ cần gieo giống rồi làm cỏ, sau đó chờ đến ngày thu hoạch. Nhiều người họ tìm đến tận bản để mua nên gia đình anh Trang rất phấn khởi.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 6.

Người dân phơi lạc trên nương rẫy. Ảnh: N.T

Củ lạc chắc, thơm ngon thương lái về tận bản để thu mua với giá cao

Bà Ven Thị May (trú tại bản Pà Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cho biết, lạc của bà con người Khơ Mú trồng trên các đỉnh núi đảm bảo sạch, bởi từ khi trồng đến thu hoạch người dân không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc trừ sâu nào. Củ lạc rất chắc, ngọt, có màu hồng chứ không đỏ như lạc dưới xuôi nên thương lái họ rất thích.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 7.

Tuy nhiên, việc trồng cây lạc trên những nương rẫy xa khiến việc vận chuyển củ lạc về bản của người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khá khó khăn. Ảnh: N.T

Tranh thủ nắng ráo, người dân bả Pà Ca giúp nhau nhổ lạc rồi phơi ngay trên núi. Khi cây lạc đã khô, họ tách củ khỏi gốc cây để thuận tiện đưa về nhà.

Tuy nhiên, vì trồng trên các đỉnh núi cao nên việc vận chuyển củ lạc về nhà để bán cũng khá mất sức.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 8.

Thương lái tìm đến tận bản để thu mua củ lạc cho người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.T

Người dân nơi đây cho biết, củ lạc sau khi thu hoạch được thương lái về tận bản để thu mua với giá 15.000 đồng/kg củ lạc tươi; 22.000 đến 25.000 đồng/kg củ lạc khô. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn người Khơ Mú ở xã biên giới Nậm Cắn.

Dân xã này ở Nghệ An trồng lạc trên rẫy cao hơn 800m, hiệu quả không tưởng nhà nào cũng vui - Ảnh 9.

Hiện tại diện tích trồng cây lạc ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khoảng 70ha. Cây lạc cũng đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: N.T

Lãnh đạo xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, trên cùng một diện tích, khi trồng lạc cho thu nhập cao gấp đôi so với trồng lúa. Hiện xã đang tìm thêm một số giống lạc mới phù hợp với đất đai, khí hậu. Đặc biệt là tìm được đầu ra ổn định để giúp người dân mở rộng diện tích trồng lạc, xóa đói giảm nghèo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem