Huyện Mường La đã có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Quốc Định Thứ sáu, ngày 05/01/2018 06:10 AM (GMT+7)
Là huyện chịu thiệt hại nặng trong trận quét lũ lịch sử ngày 3.8.2017, tưởng chừng phải mất nhiều năm liền mới có thể gượng dậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường La (Sơn La) đã “biến đau thương thành hành động”, đoàn kết vượt lên khó khăn và đạt được nhiều thành quả trong xây dựng NTM.
Bình luận 0

Nhắc đến huyện Mường La, nhiều người vẫn không quên sức tàn phá khủng khiếp của trận lũ lịch sử (3.8.2017), khiến hàng trăm ngôi nhà, trường học, cây cối hoa màu, hàng trăm tuyến đường liên xã, bản bị xé lẻ, đất đá vùi lấp…, cuộc sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Với khẩu hiệu “lá lành đùm lá rách”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường La đã đoàn kết, cùng san sẻ đau thương và nhanh chóng khôi phục sản xuất, tiến hành tu sửa, xây mới cơ sở hạ tầng… Chỉ sau một thời gian ngắn, sức sống mới nơi rốn lũ đã được phục hồi, màu xanh cây cối đã phủ khắp các cánh đồng. Người người, nhà nhà tiếp tục hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, giúp bản làng nhanh chóng vượt qua đau thương mất mát...

img

 Mô hinh phát triển cây ăn quả chất lượng cao được người dân xã Mường Bú ứng dụng rộng rãi, đem lại nguồn thu nhập khá. Ảnh: Q.Đ

Minh chứng cho thành quả đó là ngày 23.12.2017, xã Mường Bú đã chính thức được trao bằng công nhận là xã đầu tiên về đích NTM của huyện.

Chia sẻ về những khó khăn trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mường Bú là xã miền núi vùng II của huyện, có 30 bản, tiểu khu, với 4 dân tộc sinh sống rải rác, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Thêm vào đó, một bộ phận cán bộ bản, xã và người dân chưa hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng NTM nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước... Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Mường La đã đưa ra nhiều giải pháp để gỡ từng nút thắt, trong đó quyết tâm tạo sự chuyển biến trong tam nông, lấy phát triển kinh tế nông nghiệp làm bàn đạp thúc đẩy các tiêu chí khác.

Huyện đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như táo, cam, bưởi…, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Điển hình như gia đình anh Lò Văn Thương, tiểu khu 2 (Mường Bú), khởi nghiệp chỉ với 1.000m2 trồng táo, anh đã tiến hành cải tạo, ghép mắt, lai tạo giống táo có chất lượng và chủ động tìm kiếm, liên hệ với các lái buôn để tìm đầu ra ổn định. Sau 4 năm, anh đã mở rộng diện tích trồng táo lên 2ha, nâng sản lượng táo lên 40 – 50 tấn/năm. Trừ chi phí, mỗi năm anh lãi trên 300 triệu đồng.

Được biết, đến nay xã Mường Bú đã huy động trên 92 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp trên 13,5 tỷ đồng, ngoài ra bà con còn hiến trên 5.600m2 đất, tham gia hàng nghìn ngày công để thực hiện bê tông hóa 86 tuyến đường nội bản, với tổng chiều dài hơn 17km.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem