Huyền thoại kho báu trên quần đảo Hải Tặc (kỳ 2): Đi tìm hậu duệ và sào huyệt của băng cướp
Huyền thoại kho báu trên quần đảo Hải Tặc (kỳ 2): Đi tìm hậu duệ và sào huyệt của băng cướp
Bùi Phụ
Thứ năm, ngày 15/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nơi băng cướp “Cánh buồm đen” chọn làm “sào huyệt” nay thuộc Hòn Tre Vinh. Từ Hòn Tre (trung tâm hành chính xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên, Kiên Giang) muốn qua “sào huyệt” này phải vượt qua một eo biển. Giờ ở đó có một chiếc tàu màu đen, treo cờ đen, vẽ những chiếc đầu lâu trắng, những thanh kiếm sắc nhìn khá rùng rợn.
Trước đây, từ TP.Hà Tiên đi ra quần đảo Hải Tặc rất khó khăn, nhưng hơn chục năm trở lại đây việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều nhờ những chuyến tàu cao tốc đời mới. Cà phê ăn sáng xong, khoảng 8 giờ, nhóm chúng tôi lên tàu cao tốc và hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, quần đảo Hải Tặc đã hiện ra trước mắt. Tiết trời tháng 3 đã tạo thêm nét quyến rũ của quần đảo, ấn tượng nhất là những eo biển xanh, sạch và đẹp...
Đột nhập sào huyệt băng cướp
Cùng đi lần này với chúng tôi có anh Nguyễn Trình (ở TP.Cà Mau) là người say mê sưu tầm, săn lùng cổ vật. Anh Nguyễn Trình cũng đã nhiều lần tìm đến quần đảo này khảo sát về kho báu và gặp nhiều nhân chứng từng là hậu duệ của băng cướp "Cánh buồm đen" lừng lẫy một thời.
Đến này, thực hư về kho báu trên quần đảo Hải Tặc do băng cướp "Cánh buồm đen" cất giấu hàng trăm năm trước vẫn nằm trong bí ẩn và huyền thoại. Tuy nhiên, tiếng đồn quần đảo Hải Tặc hiện vang xa và khách du lịch rất thích tìm về vùng biển này...
Vừa đặt chân lên quần đảo Hải Tặc, chúng tôi được người quen của anh Nguyễn Trình đợi sẵn và chở chúng tôi dạo một vòng quanh đảo Hòn Tre bằng xe gắn máy. Có thể nói, tất cả góc núi, eo biển trên quần đảo đều có vẻ đẹp riêng, hút hồn du khách...
Theo chỉ dẫn của những người dân trên đảo, chúng tôi thuê canô tìm đường đến một eo biển Tây của đảo để tìm vết tích kho báu. Bởi chính nơi này vào khoảng thời gian năm 2009, nhiều ngư dân và thợ lặn trên đảo trong lúc khai thác hải sản tình cờ thấy được nhiều tiền cổ với số lượng lớn. Trên một mặt đồng tiền cổ có hoa văn màu vàng, khắc nổi chữ nho (giống chữ Trung Quốc), mặt còn lại có hình rồng rất đẹp. Nhiều người "phán đoán" có thể đây là những đồng tiền cổ của cướp biển đánh rơi trong quá trình chuyển vàng bạc châu báu từ tàu thuyền bị cướp lên kho cất giấu trên núi.
Hiện một số hộ dân trên đảo còn giữ số đồng tiền này làm lưu niệm và nuôi hy vọng một ngày nào đó những đồng tiền cổ này sẽ "giải mã sự bí ẩn" của kho báu...
Theo cư dân đảo, nơi băng cướp "Cánh buồm đen" chọn làm sào huyệt ngày xưa nay là Hòn Tre Vinh. Từ Hòn Tre, chúng tôi thuê tàu đánh cá của ngư dân quyết "đột nhập" sào huyệt này xem thế nào.
Khi tàu chúng tôi đến gần bờ, thấp thoáng trong rừng cây ven mặt nước biển có một chiếc tàu màu đen dần dần lộ ra. Đến gần, chúng tôi thấy trên tàu có treo cờ đen, vẽ những chiếc đầu lâu trắng, những thanh kiếm sắc nhọn nhìn rất rùng rợn.
Chúng tôi định bước lên chiếc tàu màu đen thì bất ngờ có một giọng nữ hét lớn: "Các anh không được lên tàu"! Sau một hồi thuyết phục, "nữ chúa đảo" đồng ý tiếp chuyện và cho chúng tôi lên chiếc tàu của "cướp biển".
Qua trò chuyện những người quản lý tàu và Hòn Tre Vinh cho biết, diện tích "sào huyệt" này khoảng 70.000m2 được một doanh nghiệp thuê làm điểm đến cho khách du lịch đi theo tour từ Hà Tiên. Khách ra đây ăn trưa, tắm biển, lặn ngắm san hô, chiều về lại đất liền. Khách hạng sang nên ông chủ hạn chế khách thông thường lên "sào huyệt" là thế…
Theo lời "nữ chúa đảo", nơi đây hiện chỉ có ba người được chủ thuê trông coi, phục vụ khi có khách du lịch đến. Thuyền của băng cướp "Cánh buồm đen" đang neo đậu như chúng tôi thấy là chủ cho tái hiện lại để du khách chụp ảnh lưu niệm khi đến đây.
Khi hoàng hôn sắp lặn, dạo một vòng trên "sào huyệt" này chúng tôi cảm nhận một thời khắc thanh bình, lãng mạn và huyền bí của hòn đảo này.
Sám hối cuối đời
Chúng tôi dừng chân trước nhà cụ bà Nguyễn Thị Gái trên đảo Hòn Tre thì mới hay cụ đã qua đời ở tuổi hơn 90. Theo lời bà con xung quanh, cụ Gái còn có tên thường gọi là Mười Bầu. Cha của cụ Mười Bầu là thành viên của băng cướp "Cánh buồm đen" khét tiếng một thời trên quần đảo Hải Tặc này. Quê gốc ở trong đất liền thuộc huyện Kiên Lương (Kiên Giang), ông rất giỏi võ thuật.
Theo lời anh Nguyễn Trình, mấy năm trước ra đảo, anh đều ghé thăm cụ Mười Bầu, khi ấy cụ còn khỏe.
Qua những lần trò chuyện, cụ Mười Bầu đã tiết lộ thông tin về người cha của cụ. Cụ Mười Bầu cho biết, băng cướp "Cánh buồm đen" hoạt động đến khoảng đầu thế kỷ 20 và người cha của cụ thuộc nhóm cuối cùng của băng cướp này.
Thời cụ Mười Bầu còn nhỏ, cụ thường nghe cha nói với mẹ là có một kho báu chứa nhiều vàng bạc do một tướng cướp của băng "Cánh buồm đen" cất giấu trên đảo nhưng mất dấu chưa tìm được. Cha cụ Mười Bầu thường vắng nhà để cùng băng nhóm chặn tàu biển qua lại cướp tài sản.
Sau khi băng cướp tan rã, chắc có lẽ sám hối tội lỗi thời trẻ mình gây ra nên ông xuống tóc quy y, ăn chay niệm Phật cho đến khi qua đời trên đảo này.
Một thành viên băng cướp "Cánh buồm đen" cùng thời với cha cụ Mười Bầu, sau khi băng tan rã cùng tìm một đảo vắng để trú ẩn, sám hối đến cuối đời là ông Tăng Văn Lộc.
Ông Lộc là một trong những tướng quan trọng, khét tiếng của băng "Cánh buồm đen" rất giỏi võ thuật. Sau khi "về vườn", ông Lộc sống lặng lẽ như người tu hành và chọn đảo Ba Hòn Đầm (nằm trong quần đảo Bà Lụa) sống đến cuối đời...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.