“Huyết mạch” xóa nghèo

Chủ nhật, ngày 10/10/2010 03:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đi trên con đường lớn rải nhựa, chúng tôi về trụ sở UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ông Cà Văn Pánh-Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý đề án xây dựng mô hình nông thôn mới của xã, phấn khởi: “Con đường này là huyết mạch xoá đói nghèo, đi lên của chúng tôi đấy”.
Bình luận 0

Thanh Chăn có 1.154 hộ dân gồm 4 dân tộc: Kinh, Thái, Tày, Nùng. Năm 2009, xã được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Sau hơn một năm thực hiện, Thanh Chăn hôm nay, nổi bật nhất là 4 lĩnh vực: Giao thông liên xã, bản; nước sạch -vệ sinh môi trường; nhà ở cho hộ nghèo và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

img
Trục đường chính liên xã Thanh Chăn mới khánh thành.

Niềm vui

Bên ao nuôi cá rô phi đơn tính, ước sản lượng vụ này đạt hơn 2 tấn, ông Trần Văn Yên, đội Việt Thanh 7, phấn khởi: “Chỉ riêng khoản hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều nhà cho hiệu quả cao.

Mô hình cá rô phi đơn tính có 57 hộ tham gia. Nhà tôi kết hợp nuôi cá + nhím + vịt đẻ trứng, mỗi ngày thu 1 triệu đồng. Chúng tôi vừa thành lập hợp tác xã thuỷ sản Thanh Chăn có 12 thành viên, với hơn 9ha nuôi trồng thuỷ sản. Nếu làm ăn thuận lợi, hợp tác xã sẽ là địa chỉ cung ứng cá giống và cá thịt lớn nhất Điện Biên”.

Theo ông Lò Đức Vượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã, triển vọng về hợp tác xã thuỷ sản của ông Yên hoàn toàn có cơ sở, bởi nhu cầu cá thịt và cá giống của Điện Biên và các vùng lân cận rất lớn; tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Thanh Chăn nhiều, nông dân có kinh nghiệm. Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ của đề án nông thôn mới, nuôi thủy sản lên tới gần 150 hộ, diện tích cũng tăng cả chục lần. Sản lượng cá của xã năm nay ước tăng 30-40 lần.

Thách thức

Bên cạnh niềm vui, Thanh Chăn cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Xây dựng được nông thôn mới chẳng phải cứ có tiền đầu tư hay đưa xuống cơ sở một số cán bộ giỏi, nâng cấp đội ngũ cán bộ lãnh đạo... là xong. Xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ chính người dân, từ chính những tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mục tiêu Đề án Nông thôn mới của Thanh Chăn:

Năm 2011, hoàn thành hệ thống trục chính giao thông xã, thôn; xóa 100% nhà tạm; xây dựng trụ sở xã đạt chuẩn; hình thành mô hình du lịch cộng đồng sinh thái gắn với di tích lịch sử; hoàn thành khu xử lý rác, hệ thống thoát nước thải; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,4-1,5 lần hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 100% cán bộ cơ sở được đào tạo và đào tạo lại...

Theo Ban quản lý đề án nông thôn mới của xã, sau hơn 1 năm nỗ lực, Thanh Chăn mới đạt được 2/19 tiêu chí của Đề án. Nếu "thuận buồm xuôi gió", đến năm 2011 sẽ đạt thêm 4 tiêu chí, còn 13 tiêu chí phải "dành lại" cho những năm sau.

Đề án hiện đang mắc "cả núi khó khăn", ngay việc quy hoạch chi tiết sản xuất nông - lâm nghiệp, thí điểm dồn điền - đổi thửa, sắp xếp dân cư, sau 1 năm thực hiện đến nay vẫn đang phải nhờ trên giúp.

Có rất nhiều con nuôi, cây trồng lợi thế hàng hoá, nông dân có kinh nghiệm sản xuất, là tiềm năng của địa phương vẫn chưa được đưa vào danh mục hỗ trợ.

Nội lực của xã cũng có hạn nên với mức nông dân đóng góp 30%, để xây dựng đường liên thôn, liên bản, đường nội đồng, kênh mương... thì phải kiến nghị cấp trên điều chỉnh tỷ lệ đầu tư giữa dân và nhà nước cho hợp lý.

Nhưng theo ông Vượng, thách thức nhất của Thanh Chăn là hiện gần 100 con nghiện ma tuý có tên trong danh sách quản lý; trong đó 86 đối tượng vừa được đưa đi cai nghiện. Xoá tệ nạn ma tuý là khó khăn lớn nhất đang thách thức nội lực Thanh Chăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem