"40 năm đi, yêu và viết" của Huỳnh Dũng Nhân được thực hiện trên giường bệnh

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 17/06/2023 16:14 PM (GMT+7)
Sáng nay (17/6), nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tổ chức lễ ra mắt hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Bình luận 0

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Tạ Quang Ngọc - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản; nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cùng bạn bè, đồng nghiệp của tác giả.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể về những lần liều mình khi làm báo. Clip: Thúy Phương

"40 năm đi, yêu và viết" được tác giả thực hiện từ đầu năm 2021 và rơi vào trạng thái dang dở khi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gặp tai biến phải nằm trên giường bệnh. Phần sau của cuốn sách được thực hiện vào cuối năm 2022, khi tác giả vẫn còn bị liệt nửa người và chủ yếu phải viết trên điện thoại.

Cuốn hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân. Cuốn sách "40 năm đi, yêu và viết" bao gồm 4 phần: Chương 1: Ký ức điểm lại con đường vào nghề của tác giả, bao gồm thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động; sau đó trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam...

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc tại sự kiện. Ảnh: Thúy Phương

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc với vai trò là một người bạn của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ cảm xúc của mình trong sự kiện: "Tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng tôi muốn dành sự vinh dự này để nói về tuổi trẻ của mình với anh Nhân và bạn bè. Vào đầu những năm 60, chúng tôi được sống trong khu tập thể báo Nhân dân ở ngõ Lý Thường Kiệt. Tôi ở số nhà 11, anh Nhân hình như nhà số 9.

Ở trong môi trường đó, cha mẹ chúng tôi đều làm báo. Môi trường đó cho chúng tôi, nếu không phải những người viết báo giỏi như anh Nhân thì cũng là những người viết khá nhiều. Và có những người không viết được thì cũng mê đọc báo.

Gần đây, có rất nhiều bạn có Facebook và sử dụng mạng rất tài tình và có trách nhiệm. Môi trường như vậy cho chúng tôi những người như thế. Ai cũng vậy, trong môi trường của mình, không làm báo được thì làm những việc khác. Đây là một thế hệ con cái của người làm báo.

"Đi, yêu và viết", tất nhiên, bản thân tên cuốn sách cũng đã nói rất nhiều điều. Một con người đi nhiều, rất nhiều người bạn làm báo và những người bạn đọc báo. Tôi đọc thường xuyên trang mạng của anh Nhân thấy ngày nào cũng vài ba chục bài và những người bạn hưởng ứng nhiệt tình. Đây là một điều rất tốt. Chỉ có đi, yêu và viết thì mới có được thế. Xin được chúc sức khỏe anh Nhân và các nhà báo luôn viết thành công và đóng góp nhiều cho xã hội nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6".

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 3.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Thúy Phương

Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng là một người bạn của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: "Tôi cũng có một may mắn với anh Tạ Quang Ngọc là ở cùng khu số 5 Lý Thường Kiệt cùng anh Huỳnh Dũng Nhân từ nhỏ. Anh Huỳnh Dũng Nhân có may mắn khi sinh ra trong gia đình có 9 người làm báo. Anh trai của anh là anh Huỳnh Dũng Nhi, chị dâu của anh cùng tôi cũng có nhiều năm làm việc cùng nhau tại báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Thân sinh của anh Nhân là cụ Huỳnh Dũng Lý, là một người mà tôi rất kính trọng, tôi thường gặp cụ, nói chuyện với cụ và viết một số bài về cụ. Về gia đình, anh Nhân và tôi có con và cháu học cùng tiểu học. Anh em buổi chiều đón con, đón cháu là hay gặp nhau rất vui. Tôi rất hiểu anh Nhân và hiểu bước đi của anh.

Trong cuốn sách của anh có 4 chương, chương đầu là tuổi thơ. Những ngày đầu chập chững bước vào làm báo. Anh làm báo Tuổi Trẻ, là bàn đạp đầu tiên, bắt đầu khích lệ viết báo chí theo hướng hiện đại, tiên tiến. Sau này anh làm báo Lao Động, anh được học trong môi trường làm báo giỏi, những người làm báo theo rất sát báo chí thị trường.

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 4.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận hoa từ bạn bè. Ảnh: Thúy Phương

Anh Huỳnh Dũng Nhân trở thành một cây bút phóng sự nổi tiếng có lẽ là từ báo Lao Động. Những bài như “Hai giờ dưới lòng đất”, sau đó là những bài phóng sự xã hội nổi tiếng. Phóng sự của anh Nhân rất nhiều chi tiết, rất sống động, khác hẳn với lối viết phóng sự chỉ dựa vào tài liệu, hồ sơ. Anh Nhân rất ham nhậu, nhưng nhậu thì mới có nhiều chi tiết viết báo chí được. Viết về gái mại dâm nhưng không miệt thị họ mà nâng họ lên, để xã hội chia sẻ, đồng cảm với họ. Một lối viết rất nhân văn.

Tôi nhớ hồi lớp 9, cô giáo có đặt một câu hỏi: “Nhân đạo là gì?”. Khi trở về, anh Nhân có hỏi cụ Tạ Quang Đạm, thân phụ của anh Tạ Quang Ngọc và nhận được câu trả lời: “Nhân đạo chính là giá trị con người, tính nhân văn của con người. Huỳnh Dũng Nhân đã mang theo ý tứ đấy đi suốt cuộc đời làm báo của mình, viết cái gì cũng nhân văn, vì con người.

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 5.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Niên (ngoài cùng bên phải) -  nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận. Ảnh: Thúy Phương

Chương 2 cuốn sách là tổng hợp các bài phóng sự tiêu biểu của "ông vua phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân mà ở đây các em sinh viên, những người làm báo học được rất nhiều. Anh Huỳnh Dũng Nhân còn là một giảng viên báo chí, người truyền nghề. Anh là một người tài ba, là nhà văn, nhà báo. Báo của anh Huỳnh Dũng Nhân gắn với văn, trong báo có văn trong văn có báo. Anh còn là nhà thơ, họa sĩ.

Nhân buổi ra mắt sách này, chúc anh sức khỏe khá hơn. Anh Nhân tai biến nhưng vẫn đi 25 tỉnh, vẫn yêu, vẫn viết. Tôi cũng là người hay đi, hay viết và cũng học được ở anh Nhân rất nhiều!".

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 6.

Nhà báo Võ Hồng Thu ( áo đen). Ảnh: Thúy Phương

Nhà báo Võ Hồng Thu - người đồng nghiệp gần đây cộng tác với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: "Trong tủ sách nhà tôi hồi xưa có cuốn “Ăn tết giữa rừng chó sói” của anh Huỳnh Dũng Nhân. Cơ duyên để tôi quen biết anh chính là trên Facebook. Cách đây 3 năm, VTV có chương trình “Quán thanh xuân”, tôi làm truyền thông cho chương trình này. Anh lúc đó là bạn Facebook và nhắn tin với tôi là “Chương trình nhà tập thể anh nói thì hay lắm! Anh có rất nhiều kỷ niệm”. Sau đó, tôi nói với Diễm Quỳnh và thực tế anh đã tham gia 3, 4 chương trình “Quán thanh xuân”. Tôi nhận thấy anh Nhân có thể tham gia bất kỳ chương trình nào, anh đều nói rất hay, đều có kiến thức về phần đó mà theo như chúng tôi, đây là một khách mời khá là an toàn.

Qua chương trình, tôi cũng nhận thấy anh Nhân là một người sống hào hứng. Anh nói mình có động lực sống nhưng tôi thấy bản thân anh là người có thể truyền được hào hứng sống cho rất nhiều người khác. Anh cũng bị một số căn bệnh nhưng anh vẫn vươn lên.

Anh Nhân là một tấm gương của một người anh trong làng báo, luôn luôn có sự hào hứng vui vẻ. Anh Nhân như một người đàn ông trẻ con, anh luôn vui vẻ, sống tích cực và truyền lối sống đó cho chúng tôi.

Xin chúc mừng sự kiện sách của anh Nhân! Chúc anh tiếp tục sức khỏe, xin chúc anh đi, yêu và viết".

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 7.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (bên trái), trong sự kiện. Ảnh: Thúy Phương

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người viết lời tựa cho cuốn hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" cho biết: "Tôi có cảm giác mừng cho bạn mình, gặp lại thấy bạn khỏe hơn. Trước đây đã có một nhà báo viết hồi ký về cuộc đời mình, là nhà báo Vũ Bằng. Ông viết thế không biết có phải vì thị trường không, nhưng đó là toàn bộ lời nói thật về nghề báo, về đời sống báo chí đương thời và làm nghề của Vũ Bằng.

Vậy nên, khi anh Huỳnh Dũng Nhân viết cuốn hồi ký cũng có ý nghĩa như thế. Anh đặt tên “40 năm đi, yêu và viết” không còn gì chính xác hơn. Nghề báo đã chọn Huỳnh Dũng Nhân, sinh ra trong một gia đình nhà báo, bố là nhà báo nổi tiếng của báo Nhân dân. Cái đó là cái nền tảng.

Anh có duyên với nghề báo. Anh ở đúng TP. HCM, khi công cuộc đổi mới là nơi sôi nổi nhất, trong đó có mặt trận báo chí với 2 tờ báo lớn, trong đó là tờ Tuổi Trẻ.

Cái làm nên nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là phóng sự. Phóng sự là tìm ra vấn đề, lộn lại, xới lên, chất vấn vấn đề.

Huỳnh Dũng Nhân: "Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng" - Ảnh 8.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng sách cho sinh viên báo chí. Ảnh: Thúy Phương

Huỳnh Dũng Nhân có khiếu văn thơ. Báo là chất nhân văn, báo chí, thời sự. Nhưng thứ đọng lại là cái cách đặt tít: "Tôi đi “bán” tôi", "Con đường bia bọt"…

Trong sự kiện ra mắt sách của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ: "40 năm là một quãng đường trẻ trung của tuổi đời. Nhưng đối với người cầm bút là một quãng thời gian tương đối dài. Tôi nuôi ý định viết từ khi về hưu, tôi quyết định viết về nghề để cho các thế hệ sau, tôi tin rằng có ích cho thế hệ bạn đọc. Vì tôi không viết về tôi đâu, tôi viết cả về những câu chuyện báo chí, anh em đồng nghiệp. Trong cuộc sống không có bạn bè thì tẻ nhạt vô cùng, đồng nghiệp cũng rất quan trọng. Khi tôi viết cuốn sách này tôi chỉ nghĩ đến đồng nghiệp thôi, tôi nghĩ đây là một món quà dành tặng bạn bè tôi".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem