Huỳnh Dũng Nhân: “Bi kịch của tôi là vẽ ai cũng giống trừ vẽ vợ"
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Bi kịch nhất của tôi là vẽ ai cũng tương đối giống, trừ khi vẽ… vợ”
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 22/02/2022 13:30 PM (GMT+7)
Đó là thú nhận của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi trả lời phỏng vấn Dân Việt về nghiệp cầm cọ vẽ tranh của ông trong những ngày chống dịch và vừa trải qua trận ốm do tai biến mạch máu não.
Trước thềm triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" sẽ diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào ngày 3/3 tới, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – cây phóng sự có tiếng của làng báo có khá nhiều cảm xúc. Ông không ngờ rằng, 4 tháng miệt mài với cọ, màu, khung tranh… trong trạng thái bị liệt do di chứng của bệnh tai biến đã giúp ông có được hàng trăm bức họa về những người đồng nghiệp, bạn bè bạn và cả nhân vật nổi tiếng mà ông quý mến. Và không chỉ tranh chân dung, ông còn vẽ áp phích cổ động như sự đóng góp nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch Covid-19 của toàn cộng đồng.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện đầy thú vị về nghiệp cầm cọ và những gì ông có được trong 4 tháng làm "họa sĩ".
Nhiều người biết rõ mối duyên của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với nghiệp cầm bút viết báo – viết văn nhưng không mấy ai biết nghiệp cầm cọ - vẽ tranh của ông cũng thú vị không kém. Khởi phát từ cơ duyên nào mà ông lại có đam mê với môn nghệ thuật tạo hình này?
Nếu "mối duyên" cầm bút viết văn của tôi là 50 năm, "mối duyên" cầm bút viết báo là 40 năm, thì "mối duyên" cầm cọ vẽ của tôi mới chỉ ở tuổi sơ sinh là… 4 tháng. Trong 9 tháng vừa qua bị tai biến, tôi mới tập vẽ chân dung hơn 4 tháng. Vừa bị cách ly dịch, vừa bị liệt nửa người, tôi chọn cho mình cách vẽ để chiến thắng bệnh tật, chống trầm cảm, hâm nóng đam mê vẽ vời mà tôi đã có từ… nửa thế kỷ trước và muốn đóng góp chút gì đó nhỏ bé vào công cuộc chống dịch Covid-19.
Nếu nghiệp báo cho ông được "dọc ngang mấy cõi đường trần", được làm "phu chữ" bay nhảy múa lượn trên "cánh đồng chữ nghĩa" thì nghiệp cầm cọ mang lại cho ông những gì?
Nghiệp cầm cọ mang đến cho tôi rất nhiều điều mà nghiệp cầm bút không mang lại được. Từ nhỏ tôi có 3 ước mơ là lớn lên trở thành cầu thủ đá bóng, lái xe và họa sĩ. Đá bóng thì nhỏ con quá không thành cầu thủ được. Lái xe thì cũng có mua xe và 10 năm cầm lái, nhưng thỉnh thoảng đạp nhầm ga với phanh nên đành từ bỏ. Còn mỗi ước mơ trở thành họa sĩ thì về hưu 6 năm rồi mới nhen nhóm lại. Vẽ chân dung là một cuộc trò chuyện với bạn bè. Như vậy, cầm cọ giúp tôi liều mạng hoàn thành ước mơ thứ ba của mình.
Chân dung nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua nét vẽ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: NVCC.
Bức tranh đầu tiên ông vẽ, hẳn nhiên phải để lại trong ông nhiều kỷ niệm lắm?
Bức đầu tiên tôi vẽ được treo ở phòng Triển lãm Hàng Bài (Hà Nội) từ khi tôi mới 13 tuổi (1968) và đang học trường Năng khiếu nghệ thuật Hà Nội. Tranh vẽ một nhóm thiếu nhi thời sơ tán. Tranh được báo Văn nghệ đăng lại. Tôi đi hỏi nhuận bút. Họ bảo tranh chụp lại từ triển lãm nên không có nhuận bút. Tôi cãi: "Ba cháu làm ở Báo Nhân Dân bảo cứ cái gì đăng lên báo là có nhuận bút hết". Thế là họ chịu trả tôi 5 đồng. Đó là đồng nhuận bút đầu tiên trong đời tôi.
Triển lãm "Nhà báo vẽ nhà báo" của ông diễn ra vào 3/3 tới đây tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày tới 100 tranh chân dung khổ 70x90, 100 tranh chân dung khổ A3, A4 và 20 tranh áp phích chống dịch. Ông đã vẽ ngần đó tranh trong bao lâu?
Như tôi đã nói, tôi vẽ từng đó tranh trong hơn 4 tháng qua. Tôi viết báo, viết văn nhanh, mà vẽ cũng nhanh, một tranh tôi vẽ trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Một ngày có khi vẽ tới 4-5 tranh chân dung tặng bạn bè. Bây giờ tôi là "tỷ phú thời gian" mà…
Nhưng nói thêm, riêng tranh lớn khổ 70 x 90 treo trong triển lãm lần này là có nhà thiết kế áo dài thời trang nghệ thuật Minh Hạnh tài trợ, chị in giúp tôi trên vải lụa với kỹ thuật hiện đại nhất nên tranh cũng đẹp hơn lên rất nhiều. Tôi vẽ tranh khổ A4 thì rất nhanh rất nhiều, chỉ muốn được vẽ tất cả bạn bè đồng nghiệp, bổ sung tranh đến phút chót… với tinh thần vui là chính, để kỷ niệm một thời cầm bút.
Tại sao chủ đề triển lãm là "Nhà báo vẽ nhà báo" mà trong đó lại có cả chân dung của một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học…?
Chủ đề là "Nhà báo vẽ nhà báo" này có mở rộng. Tôi vẽ cả những nhân vật có liên quan chặt chẽ với báo chí, như các giảng viên các khoa báo chí, các nhà văn, các văn nghệ sĩ từng làm báo, các cộng tác viên của các báo, nhiều người viết cho các báo còn nhiều hơn cả các nhà báo nữa … Nhưng nói chung tôi chỉ mới vẽ được những nhân vật mà tôi có dịp quen biết thân thiết. Tôi cũng có vẽ một số nhân vật của công chúng mà tôi ngưỡng mộ nữa…
Với ông, vẽ chân dung về các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình… điều gì là khó nhất? Ông thường vẽ họ trong những khoảnh khắc như thế nào?
Với tôi, vẽ nhân vật nói chung và vẽ các nhà báo, văn nghệ sĩ… khó nhất là vẽ cho ra cái thần thái của nhân vật. Tôi không vẽ kiểu truyền thần mà vẽ lúc họ đang làm việc, đang hoạt động, đang biểu hiện tình cảm yêu ghét vui buồn gì đó. Cũng có thể chưa giống lắm nhưng vẫn nhận ra nhân vật. Ai xem chân dung tôi vẽ mà đòi hỏi tôi vẽ giống như chụp ảnh thì coi như tôi thất bại.
Trong số những bức tranh chân dung ông vẽ về đồng nghiệp hoặc bạn bè làng báo, người nào khiến ông mất nhiều thời gian vẽ nhất?
Trong số tranh tôi vẽ thì khó nhất là vẽ … phụ nữ. Vẽ đàn ông râu tóc hết 1 tiếng đồng hồ thì vẽ phái nữ phải mất 2-3 tiếng đồng hồ. Ai cũng muốn tranh phải đẹp hơn, giống hơn, trẻ hơn. Có chị nhận tranh xong bảo "Anh vẽ em giống… mẹ em". Có cô bảo "Tranh anh vẽ em giống mỗi cái… dây chuyền". Song bi kịch nhất là tôi vẽ ai cũng tương đối giống, trừ khi vẽ… vợ (cười).
Ông có vẽ tranh chân dung của chính mình? Ông suy nghĩ và cảm nhận gì khi ngắm bức họa của chính mình do mình tự vẽ?
Không gì dễ hơn bằng tự họa. Phóng vài nét bút là giống. Vì mình thuộc từng cọng tóc của mình nó nằm đâu rồi. Nhiều bạn Facebook còn bảo tôi hay tự ưu ái mình, vẽ mình trẻ đẹp hơn chính mình ngoài đời. Mỗi lần vẽ chính mình là một lần làm bản tự kiểm toàn diện với bản thân.
Nhiều người cảm thấy rất xúc động khi thời gian qua ông phải chống chọi với căn bệnh tai biến và nhiều trở ngại vì dịch bệnh nhưng vẫn "cách ly dịch nhưng không cách ly bút". Ông đã lấy nguồn cảm hứng từ đâu để vẽ tranh áp phích chống dịch?
Tôi cũng không ngờ tôi đang đi như điên, đang viết như rồ, đang sung sức hoạt động đủ mọi lĩnh vực văn thơ, báo chí, thể thao, xã hội… thế mà lại bị đột quỵ, bị tai biến. Thật không thể chấp nhận được một Huỳnh Dũng Nhân đang tung tẩy đủ trò thế mà nay phải nằm một chỗ.
Đợt dịch tạo ra nhiều trạng thái bi thương, lo lắng, khâm phục, nhiều suy nghĩ về sự cống hiến và mất mát… Chính vì thế bên cạnh việc làm thơ, viết báo, tôi muốn vẽ tranh áp phích, một thể loại tôi chưa từng vẽ bao giờ. Tranh áp phích nói được nhiều điều lúc này hơn là câu chữ. Tôi nghĩ khả năng viết vẽ của mình, nếu có thể, thì không thể thụ động ngồi im. Không gì cách ly ngòi bút cây cọ được.
Nhắc đến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – thế hệ làm báo trẻ và cả sinh viên nhiều báo chí ở nhiều trường đại học đều "ngã mũ" bởi nguồn năng lượng của ông dành cho đam mê viết lách quá dồi dào, mạnh mẽ và bền bỉ. Ông thường bồi đắp nguồn năng lượng đó bằng cách nào?
Tôi có sức viết, vẽ, và mọi hoạt động từ nhỏ đã dồi dào là nhờ quan niệm sống thôi, như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"… Người miền Nam có câu rất hay: "Có nhiêu chơi nhiêu ". Tôi đang chạy đua với thời gian. Có thể làm gì là làm chứ không thụ động, không ngồi im.
Tôi bù đắp năng lượng bằng cách đọc nhiều, chơi với bạn bè tốt, chơi với người hay nhiều, tự nạp thông tin tích cực và tránh xa những gì tiêu cực. Tôi không thể ngồi im dù chỉ một ngày.
Tuổi trẻ của tôi không lãng phí nhưng bị chi phối bởi chiến tranh và nhiều sự kiện của cuộc sống, nay tôi phải tiếp tục làm những gì mình mơ ước. Tôi có câu slogan cho riêng mình thế này: "Thời gian một chiều, đi mãi rồi hết. Đi, yêu, và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời".
Những dự định của ông trong năm 2022 là gì?
Dự định bao giờ cũng là dự định. Và chắc chắn là nó chưa… chắc chắn. Song tôi vẫn xin tiết lộ rằng tôi đã nghĩ ra một câu chuyện rong chơi vẽ vời chữ nghĩa tiếp theo, nói như nhà báo Quảng Hà báo Dân Việt là để "gây sự với mọi người, với báo chí truyền thông"… Hy vọng sẽ không buồn vì cuộc đời này không được phép buồn.
Cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.