Thời gian qua chưa lâu, nhắc đến tên cô bây giờ người làm nghề không phải ai cũng nhớ, sự bạc bẽo mà đã có lần chính Ngọc cũng nhận ra khi còn đang là cái tên đình đám, mà nào đâu có lâu la gì, chừng chưa đến bốn năm.
Nhắc đến việc ấy Ngọc không buồn, cô bảo nghề sẽ còn ở đó, còn đón nhận, còn mở đường cho bất cứ ai còn muốn làm nghề một cách chân chính, bởi chìa khoá chính là ở trong con tim mình, nhiệt huyết còn đầy thì mọi cánh cửa đều sẽ mở ra, tình yêu còn nhiều thì tình yêu sẽ được đáp lại.
Chuyến đi xa và những cơ hội khác
Tôi từng làm việc với Ngọc nhiều lần trước ngày cô lên đường, tôi biết quyết định ra đi ngày ấy của Ngọc là một điều khó khăn. Ngay chính trước lúc lên đường, Ngọc đang ở vị trí đáng mơ ước của rất nhiều người mẫu cùng thời, lịch diễn kín đặc, những hợp đồng liên tiếp dồn tới, những buổi chụp hình khuya lơ khuya lắc nối tiếp những ngày chụp bắt đầu từ sớm tinh mơ.
Lớn lên trong chật vật, kiếm tiền để phụ giúp gia đình bằng nghề người mẫu đã từng là một mục đích sống của Ngọc. Trong cái guồng quay đó, Ngọc rất tỉnh táo để sớm nhận ra là mình thiếu kiến thức, chính việc kiếm tiền một cách chân chính nhưng không quá khó đã khiến Ngọc nhiều lần phải suy tính trước ý nghĩ “không có mình phụ giúp, gia đình sẽ sống ra sao?”
Và rồi, cô gái vừa qua tuổi 18 rời xa tổ ấm của mình, rời xa con đường trải đầy hoa hồng cho một nhan sắc, bỏ lại đằng sau những năm kinh nghiệm làm nghề với một danh hiệu siêu mẫu không phải là hão huyền cùng rất nhiều tình cảm của những người làm nghề dành cho mình, cô ra đi, đến một chân trời khác, nơi mà cô bảo là “chả khác gì xứ nhà quê”.
Không phải nơi nào trên đất Mỹ cũng là nơi đô hội, không phải miền đất hứa nào cũng mang lại ngay những điều như mong đợi. Huỳnh Phạm Ngọc đã đến Mỹ, sống ở Texas những năm đầu tiên như thế. Từng có cảm giác bị cô lập bởi rào cản ngôn ngữ và phong cách sống, từng tủi thân nơi đất khách quê người, có cảm giác như bị bỏ rơi, đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà, nhớ nghề và bè bạn, cô đã không ngồi yên.
Bằng những gì đã có được trong thời gian làm việc ở Việt Nam, cô tự tạo lập cho mình một hồ sơ người mẫu khá tốt, đủ chuẩn để khi gửi đi là các công ty quản lý, người ta có thể nhìn thấy ngay tiềm năng có sẵn của một người mẫu như cô, để chọn lựa Ngọc và đưa ra những đề nghị công việc hấp dẫn.
Tưởng chừng đi học sẽ không có cơ hội giúp mẹ, giúp em, nhưng cô có ngay những cơ hội khác, không những giúp được, mà còn giúp tốt cả cho mình lẫn cho gia đình. Sau một năm vừa học vừa làm bằng cách sắp xếp cuộc sống chia làm hai nơi, Texas cho việc hoàn thành hai năm đầu của việc học tiếng Anh và các môn chuẩn bị cho việc vào đại học, New York cho việc làm người mẫu tự do, chuyên chụp ảnh quảng cáo, chụp thôi vì không đủ chiều cao chuẩn của người mẫu diễn sàn.
Các loại nhãn hàng từ Gap cho đến Marcy đều lựa chọn Ngọc bởi khuôn mặt châu Á đặc biệt. Ngọc kể cô sắm được xe hơi cho mình ngay năm đầu tiên ấy, chỉ bằng việc chăm chỉ đi thử vai và nhận việc khắp nơi trên nước Mỹ, bên cạnh việc hoàn tất lịch học một cách nghiêm túc.
Không bỏ quên việc học
Tôi hỏi Ngọc tại sao dừng hẳn không làm người mẫu hay ca hát nữa dù sự xuất hiện của cô trong cộng đồng người Việt ở Mỹ khá đình đám, từng là một trong tám giám khảo của cuộc thi Miss Việt Nam Global, làm giám khảo cuộc thi Miss VSA, đã vậy đoạn phim cô hát Vọng cổ teen trong một chương trình ca nhạc ở Mỹ, khi đăng trên mạng có số lượt truy cập rất lớn.
Ngọc bảo đằng sau đó cũng lại chính là những suy nghĩ cũ về việc thiếu kiến thức của mình. Cô dường như chỉ lặp lại điều mình từng làm ở Việt Nam mà không có bước tiến nào xa hơn trong môi trường rất thuận lợi cho việc học hành. Cô không muốn phải chọn lựa lại lần nữa điều mình đã quyết.
Không theo đuổi ngành thiết kế đồ hoạ như hồi ở Việt Nam từng dự định, Ngọc chuyển sang học quản trị kinh doanh ở đại học Santa Monica. Ngọc bảo thời gian sống tự lập ở Mỹ cho Ngọc suy nghĩ chín chắn về tương lai, ngay cả người Mỹ cũng sống khá chật vật, người ta thường chọn những nghề có tính đảm bảo lớn như ngành y hoặc luật, nhưng việc học tập để có một cái nghề làm việc sau này cho tốt thì cô phải nghĩ nhiều hơn.
Tương lai của Ngọc không phải là ở lại, xây dựng cuộc sống ở Mỹ mà là Việt Nam, là về nhà, là cuộc sống gần gia đình. Việt Nam là xã hội phát triển theo hướng thương mại, cô nhận ra rằng mình thích ngành xuất nhập khẩu nên khi chọn môn học, Ngọc cũng chọn theo hướng đó.
Hỏi cô cảm tưởng của ngày đầu tiên vào đại học, cô bảo thấy vui và rất nhiều hy vọng, bạn bè xung quanh toàn người bản xứ, mọi người đều vui và hoà đồng nên Ngọc thấy mình khá tự nhiên khi hội nhập vào môi trường này. Tuy cũng có tham gia các hoạt động ngoại khoá ở trường, nhưng cô không muốn ai biết mình là siêu mẫu, mọi thứ đều diễn ra rất bình thường.
“Ở đây siêu mẫu mà không học tốt thì siêu mẫu cũng không là gì cả”. Ngọc muốn trong mắt mọi người, cô sẽ chỉ là một sinh viên Việt Nam, những khi có dịp thì trổ tài nấu nướng, làm món ăn Việt như cánh gà chiên nước mắm, gỏi cuốn hay cơm chiên để đãi mọi người, vậy thôi là đủ.
Việc học tập của Ngọc gói gọn trong các giờ lên lớp buổi sáng, những lúc nghiên cứu với nhóm theo yêu cầu của giáo viên hoặc hoàn tất những bài khảo cứu cá nhân theo chương trình, việc đến trường có khi là không cần thiết nếu không phải là để hỏi và xin ý kiến chỉ dẫn thêm từ giáo viên. Sau hai năm học đầu, thời gian tới Ngọc sẽ chuyển sang học tại trường Seneca College ở Toronto, Canada để học tiếp hai năm tiếp theo, theo dự tính thì sau đó sẽ là hai năm nữa theo đuổi bằng cao học ở bộ môn đang học.
Nhờ một vài người bạn giới thiệu, hiện nay Ngọc đang làm thêm bán thời gian cho một công ty chuyên về thiết bị công nghệ thông tin thế hệ mới. Dù chỉ là một nhân viên bán hàng nhưng công việc này giúp cô cảm nhận việc học tập theo một góc khác, thấy được tính thực tế của những gì mình đang học ở trường, những bài học được áp dụng ngay vào công việc hàng ngày giúp Ngọc hiểu rõ bài học hơn và thấy thích thú với việc học hơn. Chuyến về Việt Nam lần này là một chuyến công tác do công ty tổ chức, Ngọc đã kéo dài nó thêm để có cơ hội thăm gia đình cho đỡ nhớ.
Gia đình và những gì là Huỳnh Phạm Ngọc
Những ngày đầu đến Mỹ, người giải toả những ẩn ức, vực dậy trong lúc khó khăn, giải quyết những khúc mắc tâm lý trong Ngọc không ai khác hơn là mẹ Ngọc, người ở cách cô nửa vòng trái đất. Ngày cô mới chập chững vào nghề, đi chụp hình cô luôn có mẹ ở bên, sống với mẹ, cô như có một người bạn, một người chị lớn luôn chia sẻ những tâm tình con gái, những suy nghĩ, những mơ ước, tất tật cô đều nói hết với mẹ, nên ngay cả khi đi xa, Ngọc cũng không thể sống thiếu điều ấy.
Ngọc bảo cô đã ghen trong một lần mẹ sang thăm con gái, đã gặp lại một người bạn học cũ nay goá vợ và muốn nối dây tình cảm với mẹ cô. Cô từng sợ mình sẽ không còn được mẹ quan tâm như trước, sẽ mất đi cái tình cảm mà cô từng nắm giữ rất riêng rất đặc biệt ấy.
Rất may nỗi ghen tuông ấy đã nhanh chóng chuyển thành niềm vui khi cô được tận mắt chứng kiến sự tận tâm của người ba mới đối với mẹ cô, sự chân thành và yêu thương của ông đối với cô và em trai làm Ngọc xúc động. Cô đã thay đổi hoàn toàn.
Ngọc bảo cô thấy mẹ mình đổi khác, vui và trẻ ra rất nhiều sau 18 năm cặm cụi nuôi chị em cô nên người, cô đã thấy vui với hạnh phúc mà mẹ cô tìm được. Nói về gia đình mình, ánh mắt Ngọc lấp lánh rất lạ, cô bảo ba mới của cô về Việt Nam hoài, ông đã về hưu và muốn quay về sống ở đây.
Cô thích nhìn thấy ba mẹ mình vui vẻ như thế, đó cũng chính là lý do cô muốn về gần với gia đình mình hơn, nên tuy ở xa, bất cứ việc gì quan trọng, Ngọc đều điện thoại về hỏi ý kiến gia đình trước khi quyết định, và vui hơn nữa là rất nhiều điều cô có thể học từ ba mình, ông trở thành một chỗ dựa tinh thần mới cho Ngọc.
Tôi hẹn Ngọc chụp ảnh cho bài phỏng vấn này và đã phải chờ cô khá lâu để cô có thể hoàn tất chuyến công tác định sẵn, rồi sau đó còn đưa cả gia đình đi chơi một vòng các danh thắng miền Trung. Trong câu chuyện lúc gặp nhau, tôi không tìm thấy khoảng cách thời gian.
Mọi thứ như vẫn ở đâu đó, quanh đấy, không nếp gấp, không ngắt quãng, chỉ có điều Ngọc bây giờ chắc chắn không thể hồn nhiên như cô gái vừa qua tuổi 18, lần cuối cùng đến chào tôi trước lúc đi xa được. Cô bình tĩnh hơn, điềm đạm hơn và sâu sắc hơn, cái sâu sắc của người biết mình muốn gì để nắm giữ, biết đời có gì để phấn đấu, biết mình có thể làm gì để quyết tâm, để hành động.
Có một điều tôi thấy khác, không phải Ngọc khác mà là tôi đã khác. Ngồi trước ống kính tôi, Ngọc diễn như từng diễn ngày cô ra đi, mọi thứ dừng lại ở đó, từ ánh mắt nụ cười, đến cái lắc đầu nghiêng vai làm mẫu, chúng ở nguyên đấy như một Huỳnh Phạm Ngọc tôi từng nhớ, trong khi cách nhìn ấy tôi đã không còn nhìn nữa, cách diễn ấy nhiều người đã không còn diễn nữa, chúng cũ kỹ và làm tôi thất vọng.
Nhưng rồi tôi lại phải nghĩ lại, vì thực ra đó là một điều tốt. Tốt cho Ngọc vì cô dừng việc làm người mẫu ở đúng chỗ ấy, đúng vị trí ấy, như là một đỉnh cao.
Cô ra đi, tìm một đỉnh cao mới để chinh phục, đỉnh cao kiến thức, đỉnh cao trải nghiệm cuộc sống mà một khi cứ khư khư giữ mình đứng hoài trên đỉnh cao người mẫu này, xoay vần mình với chính nó để làm mới nó, để đeo đuổi nó, chắc gì cô đã có đủ thời gian, đủ bản lĩnh mà dồn sức để vươn lên, thoát ra, để tôi hôm nay có thể được thấy một Huỳnh Phạm Ngọc như bây giờ, vẫn đẹp như ngày nào nhưng suy nghĩ thì đã lớn lên nhiều.
Có lẽ tôi nên vui cho cô và nhìn lại chính mình.
Theo SGTT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.