Hy hữu: Học sinh ở một xã phải đi học ở 3 tỉnh vì không có trường
Hy hữu: Học sinh ở một xã phải đi học ở 3 tỉnh vì không có trường
Công Nam
Thứ năm, ngày 05/09/2024 15:25 PM (GMT+7)
Năm học mới đã bắt đầu, nhưng hàng trăm học sinh và phụ huynh ở xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, Đắk Nông vẫn lo lắng vì ở xã không có trường trung học phổ thông.
Em K' Nhân, ở xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (học sinh lớp 10C, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh ở xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) hàng ngày phải vượt gần 16km để đến trường. Nhà em thuộc diện đặc biệt khó khăn, ba mẹ làm rẫy, thu nhập bấp bênh.
Sáng nay, em phải dậy từ 4 giờ, chuẩn bị cơm nguội mang theo đến trường. Với hy vọng con chữ sau này em sẽ giúp gia đình thoát nghèo. "Ở chỗ em không có trường cấp 3 để đi học. Nhà xa, bố mẹ phải làm nương không thể đưa đi học nên em phải tự đạp xe đến trường ", em K' Nhân bộc bạch.
Xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, Đắk Nông hiện không có trường trung học phổ thông nên học sinh phải đi học ở 3 tỉnh. Ảnh: H.N
Trong cơn mưa nặng hạt kéo dài vì ảnh hưởng của bão số 3, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 11, xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), khăn gói đưa con gái lớn qua huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để học lớp 10. Quãng đường từ nhà ông đến trường học của con gái hơn 12km, rất khó để đón đưa hàng ngày nên ông dự định để con gái thuê trọ ở lại. Tuy nhiên việc để con gái ở lại khiến ông lo lắng vì khó quan tâm, chăm lo cho con, thêm vào đó là gánh nặng chi phí.
Theo ông Sơn, không có trường cấp 3 nào đóng trên địa bàn xã Quảng Hoà, trường trong tỉnh thì đi quá xa nên buộc phải đưa con sang tỉnh Đắk Lắk để đi học. "Con nhà tôi năm nay mới bước vào học lớp 10, mà trường thì lại quá xa nhà. Nhiều phụ huynh và học sinh rất mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây dựng trường cấp 3 cho địa phương. Trường gần thì mình yên tâm lao động, sản xuất, không phải lo việc đưa đón, phụ huynh yên tâm hơn", ông Sơn chia sẻ.
Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, dân số của xã hơn 8.000 người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số hơn 90%, là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Mỗi năm xã có hơn 120 cháu có nhu cầu học cấp 3 nhưng xã chưa có trường ở cấp này.
Trong khi các trường cấp 3 ở trung tâm huyện hoặc xã lân cận trong huyện thì khoảng cách quá xa, ít nhất cũng 50km, thậm chí có trường đến 120km. Do đó, chỉ hơn 30% các cháu theo học ở các trường cấp 3 trong huyện, 35% cháu phải xin học các trường thuộc tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, số còn lại có thể theo học nghề hoặc có nguy cơ bỏ học sớm.
Việc các cháu học sinh phải đi học ở 3 tỉnh, với khoảng cách rất xa và trong bối cảnh các địa phương phải thực hiện phân luồng học sinh là nỗi băn khoăn của chính quyền địa phương.
"Việc đi học quá xa là điều rất khó với các bậc phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, là vấn đề kinh tế, học sinh ở lại thuê nhà trọ thì lại thêm gánh nặng kinh phí cho các gia đình. Xã cũng kiến nghị các cấp, các ngành phê duyệt để năm học 2025-2026 triển khai được lớp 10, sau đó hoàn thiện cơ sở vật chất, giáo viên để triển khai lớp 11 và lớp 12", ông Phan Đình Mạo cho biết.
Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên
Ông Lê Lương Nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa, xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho biết với tình hình dân số trên địa bàn xã ngày càng tăng, nhu cầu mở lớp cho các em học THPT là rất cấp thiết.
Cuối tháng 8/2024, Trường cũng đã nhận được văn bản của UBND tỉnh về việc nghiên cứu nâng cấp trường trở thành trường liên cấp 2-3. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng vẫn còn đó nỗi lo vì thiếu giáo viên. Nếu thành lập trường liên cấp, áp lực về biên chế giáo viên càng lớn, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành.
"Muốn nâng cấp lên cấp 2-3 thì khó khăn lớn nhất là việc thiếu biên chế. Ít nhất phải có thêm 20 biên chế nữa phục vụ cho dạy cấp 3. Thêm vào đó là phải xây dựng lại cơ sở vật chất để đáp ứng cho công tác dạy và học", ông Lê Lương Nhiên chia sẻ.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, việc học sinh xã Quảng Hòa phải qua 3 tỉnh để học THPT là nỗi trăn trở của ngành giáo dục nhiều năm nay. Đơn vị đang phối hợp với chính quyền huyện Đắk Glong và các sở, ban, ngành chức năng tham mưu tỉnh thành lập trường liên cấp Trung học cơ sở - Trung học phổ thông tại xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này.
Giai đoạn hiện nay, việc thành lập trường có thuận lợi khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp huyện, cấp xã có nguồn kinh phí, ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là sắp xếp, bố trí biên chế giáo viên. Trong lúc chưa thành lập được trường, trước mắt, trong năm học này các cháu vẫn tạm thời học tại các trường đã nhập học. Ngành giáo dục đang tham mưu, đề xuất tỉnh các chế độ, chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại phù hợp cho các cháu.
"Về lâu dài, chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện và các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Nội vụ, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, để rà soát, đánh giá về số lượng học sinh trong 5 năm tới để có kế hoạch, đề án phù hợp, thành lập trường sớm nhất. Nếu vấn đề biên chế sắp xếp được thì có thể thành lập trường vào năm 2025-2026", ông Phan Thanh Hải cho biết.
Ngày tựu trường, trong khi học sinh ở nhiều nơi trong cả nước đến trường trong niềm hân hoan, háo hức thì học sinh ở xã vùng 3 Quảng Hoà, huyện nghèo 30a Đắk Glong đến trường với những khó khăn, cách trở và nhiều nỗi lo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.