Internet khiến chúng ta ngoại tình nhiều hơn?

Chủ nhật, ngày 02/10/2011 14:40 PM (GMT+7)
Nếu bỗng một hôm, chúng ta tình cờ “kết nối” lại được với người tình cũ, thì vấn đề ở đây: ai đúng, ai sai? Bạn sai, người yêu cũ sai, hay Internet sai?
Bình luận 0

Tiểu thuyết mới nhất của nữ văn sĩ người Pháp Eliette Abécassis có tựa đề Chuyện vợ chồng, đề cập tới chuyện cũ rích: ly hôn trong xã hội hiện đại. Nhưng đáng nói là nó liên quan tới những thành tựu công nghệ hiện đang ảnh hưởng tới các vụ ngoại tình. Và thế là bắt đầu các tranh cãi.

Một luồng dư luận nước Pháp cho rằng, đó là một hệ quả tất yếu và không thể chối cãi được khi các phòng tư vấn tâm lý và hôn nhân gia đình ngày càng bận rộn hơn với một chủ đề mới: chồng tôi nghiện “net”! Kéo theo đó, tốt xấu lẫn lộn, truyện khiêu dâm, chat webcam, giao lưu gặp gỡ trên mạng, phim ảnh tươi mát đang tràn lan.

Và nhiều chấn động tình cảm vợ chồng đã bùng phát từ sau những cú nhấp chuột. Từ sau khi quyển sách của Eliette Abécassis ra đời, nhiều thư độc giả đã được gửi trực tiếp đến nhà văn, bày tỏ nỗi niềm khi biết được người bạn đời của mình đang “phở và cơm” đều đặn, do thủ phạm chính là “dế” và laptop.

 img
 

Nhưng, khi được hỏi liệu thời đại kỹ thuật số phải chăng đang bào mòn dần hạnh phúc gia đình, chuyên gia tâm lý Sophie Cadalen nghĩ khác: “Internet không hề tạo ra những biến tướng tâm lý mới ở con người, mà nó chỉ góp phần làm rõ vấn đề hơn và làm trầm trọng tình huống thêm mà thôi. Bởi ngày nay, con người chúng ta cũng chẳng phải ngoại tình ít hơn khi xưa, khi chưa có Internet, là bao!”.

Ngoại tình ư? Chỉ là “bình cũ rượu mới”!

Cuộc cách mạng tình dục hiện nay đang trên đà đi tới và Internet đã khiến cả đàn ông và đàn bà trong một xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống thay đổi những “quy chuẩn” về chuyện không chung thủy, nếu họ muốn hoặc đang vướng vào. Theo lời chuyên gia Sophie Cadalen, thì “công nghệ kỹ thuật số không thể khiến chúng ta trở nên không chung thủy, nhưng nó làm được một việc là thay đổi cái cách mà chúng ta không chung thủy”.

Nếu như trước đây, người ta tán tỉnh nhau trong quán cà phê, trong quán ăn trước khi hò hẹn, thì ngày nay thì người ta “chat” với nhau hoặc “SMS” với nhau, thế là đủ, vẫn tình tứ và lãng mạn như thường! Chính sự tiện lợi, nhanh và rẻ của việc sử dụng Internet đã kéo người ta xích lại gần nhau, và trong một mức độ nào đó, gây nên thảm họa cho đôi lứa. Người ta có thể phải lòng nhau mà không cần bỏ tiền ra quà cáp hay tặng hoa hồng trong những ngày lễ.

Người ta cũng không cần phải chải chuốt để đi gặp bạn gái, mà gặp ngay trên mạng. Yếu tố ảo này thật sự đã thay thế diện mạo thật của con người một cách tuyệt vời đến không ngờ. Và từ đó, mối nguy ngoại tình đâu đó luôn rình rập, cái sở thích “chạy theo bóng hình mới” hầu như đã luôn tồn tại trong suy nghĩ của cánh đàn ông từ cổ chí kim, chỉ có khác là giờ đây, cách “chạy” của quý ông thay đổi theo chiều hướng rất… high-tech!

Những đường truyền… Tươi mát

Ai cũng biết, việc truy cập các trang web đen hiện nay là quá dễ, ai cũng có “quyền” làm chuyện đó! Nhà văn Eliette Abécassis nhấn mạnh: “Ngày nay, phim khiêu dâm đã tràn vào nhà riêng, đến tận khu bếp và tấn công vào cả phòng ngủ của bọn trẻ”.

Đó là một vấn đề ai nhìn thấy cũng rõ, nhưng phải nói lại một lần nữa, vẫn theo chuyên gia Sophie Cadalen, Internet hoàn toàn không phải là thủ phạm chính gây ra đợt sóng tác oai tác quái này, mà nó chỉ là một “yếu tố tạo thuận lợi hơn” cho chuyện lục đục gia đình mà thôi. “Chúng ta nghĩ về tình dục ư? Chuyện này đã có từ rất lâu rồi, đó là bản năng và hiện nay vẫn thế, không nhiều hơn mà cũng không ít hơn, có điều là hiện nay bản năng này lộ diện nhiều hơn thông qua những thành tựu của công nghệ tiên tiến”.

Chúng ta bị quấy nhiễu nhiều hơn mà nếu như có ai đó cho rằng chính luồng phim đen đã khiến con người ngoại tình nhiều hơn, thì chúng ta nên kiểm chứng lại lập luận này.

Vậy vì sao con người không chung thủy?

Chuyện này tùy theo quan điểm riêng của từng người và từ đó mỗi người sẽ có cách giải thích khác nhau. Song, cũng phải nhìn nhận rằng, một hôm, nếu bạn tình cờ nhận được “mail” của người yêu cũ, thì chắc chắn bạn cũng ít nhiều bị chao đảo, dù đang hạnh phúc và dù người bạn đời hiện nay của bạn hoàn toàn không biết chuyện đó. Vậy nếu bỗng một hôm, chúng ta tình cờ “kết nối” lại được với người tình cũ, thì vấn đề ở đây: ai đúng, ai sai? Bạn sai, người yêu cũ sai, hay Internet sai?

 img
Công nghệ kỹ thuật số không thể khiến chúng ta trở nên không chung thủy, nhưng nó làm được một việc là thay đổi cái cách mà chúng ta không chung thủy.

Nói cho cùng, trong thời đại ngày nay, cũng như trước kia thôi, vấn đề không chung thủy và những vết thương mà nó gây ra vẫn luôn là một câu chuyện rất nhạy cảm. Bởi vì, khi ai đó đang say sưa trong những chuyến phiêu lưu tình ái, thì họ có những vấn đề riêng, cách giải thích riêng, và muốn “khỏi bệnh”, thì phải có những liệu pháp riêng. Việc quy tội hoàn toàn cho Internet là cứng nhắc, và không có cơ sở vững chắc. Nhưng đúng hay sai, câu chuyện có lẽ vẫn còn dài.

Chẳng lẽ Internet không có lỗi?

Có lẽ có, vì hiện đang có nhiều nhà khoa học muốn chứng minh rằng Internet đang khiến chúng ta thành những kẻ ngốc. Các chuyên gia về trí thông minh nhân tạo tin chắc rằng khi làm việc với máy tính, có gì đó diễn ra bên trong và làm thay đổi các cấu trúc não của chúng ta. Đọc một cách khó khăn, mất tập trung, khó tiếp thu...

Nicolas Carr, tác giả bài báo Google đang biến chúng ta thành những kẻ ngốc? (Is Google making us stupid?) đã ném viên đá đầu tiên xuống mặt nước làm bùng nổ một cuộc tranh cãi trong giới khoa học vào mùa Hè vừa qua. “Tất cả chúng ta ngồi hàng mấy giờ trước màn hình phát những hình ảnh, âm thanh và đoạn văn xen kẽ nhau mà chẳng hiểu gì về khả năng lạ lùng của công cụ này cũng như sự cố gắng chưa từng được biết đến mà não của chúng ta phải luôn thực hiện để đánh giá lại, tổ chức lại những gì xuất hiện trên màn hình”. Chúng ta đã mất hơn một ngàn năm để học đọc.

Mọi cái trong lúc đọc, từ khoảng cách giữa các từ, kiểu chữ… đã đòi hỏi một sự nỗ lực để thích nghi dần dần của não. Công việc của não là ở chỗ nắm bắt, ghi nhớ và xử lý thông tin từ tất cả các giác quan (mũi, miệng, tai...). Trước màn hình, chắc chắn là mắt sẽ phải làm việc nhiều.

Thế nhưng rõ ràng là kết nối mắt - não ít thích nghi với cách đọc này bởi vì thời gian xử lý một thông tin hình ảnh tăng lên hơn 30% trên máy! “Thông thường khi đọc, mắt có thể phân biệt được 4 đến 5 dấu hiệu cùng lúc ở một lần nhìn diễn ra trong khoảng 250 phần ngàn giây - Thiery Baccino khẳng định - Trước màn hình, mắt loạn lên.

Các dấu hiệu hình ảnh, màu sắc nhiều hơn rất nhiều. Chúng đột ngột xuất hiện, hút lấy bạn, rồi mất hút và buộc bạn phải chú ý cao độ. Những ai đọc nhiều giờ trên Internet chắc hẳn sẽ thấy nhẹ cho não khi quay ra đọc một cuốn sách giấy xưa kia”.

Chẳng biết tác hại của Internet đến đâu nhưng những vụ ngoại tình liên quan đến Internet vẫn cứ ngày càng nhiều và các nhà khoa học thì vẫn ngày đêm chứng minh rằng Internet hại đến não, ảnh hưởng đến thần kinh và dần ảnh hưởng tới lối sống. Những bài phản biện ấy, tất nhiên, được trình bày trên Internet.

Theo Thể thao & Văn hóa 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem