Israel sử dụng máy bay phản lực không kích Gaza khi người dân Palestine xuống đường biểu tình

Thứ năm, ngày 20/05/2021 08:30 AM (GMT+7)
Sau một thời gian ngắn tạm lắng, các máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục tấn công Gaza vào thứ Ba, khi những người Palestine biểu tình xuống đường ở các thành phố phía Bờ Tây.
Bình luận 0

Hôm thứ Ba, hàng nghìn người đã tập trung tại các thị trấn khác nhau ở Bờ Tây, bao gồm cả Ramallah và Hebron sau khi một nhóm người Palestine, bao gồm các chiến binh Hamas ở Gaza và Fatah ở Bờ Tây, kêu gọi các cuộc tấn công hàng loạt. Wasel Abu Yousef, thành viên Ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Ramallah, nói với CNN rằng: "Ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo chính trị Palestine hiện nay là yêu cầu Israel ngăn chặn tội ác và thảm sát đối với người dân của chúng tôi ở Gaza."

Một nguồn tin an ninh Israel nói với CNN rằng Israel đã áp đặt đóng cửa một phần Bờ Tây vào hôm thứ Ba, chỉ những người đàn ông trên 45 tuổi và công nhân xây dựng người Palestine có giấy phép lao động mới được phép vào Israel.

Israel sử dụng máy bay phản lực không kích Gaza khi người dân Palestine xuống đường biểu tình - Ảnh 1.

Các vụ nổ được nhìn thấy ở Thành phố Gaza khi những lực lượng Israel nhắm vào vùng đất của người Palestine bằng các cuộc không kích vào đầu ngày thứ Ba.

Các cuộc không kích của Israel tiếp tục kéo dài suốt đêm. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết các máy bay chiến đấu đã tấn công 9 địa điểm phóng tên lửa ở Gaza hôm thứ Ba, ngoài ra còn nhắm vào một hệ thống đường hầm ở phía bắc Gaza, một số dinh thự của các chỉ huy Hamas và một đội chống tăng ở Thành phố Gaza.

Bộ Y tế Gaza cho biết đã có 217 người, trong đó có 63 trẻ em, thiệt mạng và 1.500 người khác bị thương trong những ngày qua. Hơn 58.000 người phải di tản, nhiều người trong số họ tìm nơi trú ẩn tại các trường học, theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc.

Israel lần đầu tiên cho phép các xe tải chở hàng viện trợ quốc tế vào Gaza trong thời gian ngắn kể từ khi xung đột bắt đầu vào tuần trước, nhưng chính quyền Israel đã chặn lối vào của các xe hàng viện trợ để đối phó với hỏa lực súng cối tại khu vực ngã ba biên giới.

Đêm thứ Hai và sáng sớm thứ Ba đã mang lại thời gian yên bình ngắn ngủi ở miền nam Israel sau những đợt tên lửa của các chiến binh. Lực lượng Phòng vệ Israel đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào trong đêm, lần đầu tiên trong một tuần Israel trải qua một đêm mà không có tên lửa từ Gaza.

Các cuộc tấn công tiếp tục nổ ra vào cuối ngày thứ Ba, với một quả đạn cối giết chết hai dân thường tại một nhà máy đóng gói nông sản ở phía Israel, biên giới Gaza, nâng tổng số người chết ở Israel lên 12 người. Sirens cũng vang lên một lần nữa vào thứ Ba ở Ashkelon và các thị trấn khác, khiến người dân phải chạy trốn vào nơi trú ẩn.

Israel sử dụng máy bay phản lực không kích Gaza khi người dân Palestine xuống đường biểu tình - Ảnh 2.

Một phụ nữ chạy đến nơi trú ẩn ở Ashdod, Israel, sau khi tiếng còi cảnh báo tên lửa bắn từ Gaza hôm thứ Hai.

Hiện đã bước sang tuần thứ hai và đây được xem là cuộc đối đầu đẫm máu nhất giữa Israel và Palestine kể từ khi hai bên nổ ra chiến tranh vào năm 2014.

Phát biểu hôm thứ Ba sau chuyến thăm căn cứ không quân Israel tại Hatzerim, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết các hoạt động sẽ tiếp tục "nếu cần thiết để khôi phục hòa bình cho người dân Israel." Đề cập đến các cuộc tấn công của Israel vào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo, ông Netanyahu nói: "Tôi không nghi ngờ gì về điều này. Tôi chắc chắn rằng tất cả những kẻ thù của chúng tôi đều nhìn thấy cái giá phải trả cho hành động gây hấn chống lại chúng tôi và rút ra được bài học", ông nói thêm.

Vào khoảng rạng sáng, IDF đã phá hủy một tòa nhà văn phòng gần Gaza. Các nhân chứng cho biết, một cảnh báo trước đã được đưa ra rằng tòa tháp sẽ bị nhắm làm mục tiêu và không có báo cáo về thương vong. Israel hiện chưa bình luận về vụ việc.

Tòa nhà bị IDF nhắm làm mục tiêu nằm trong số những cơ sở hạ tầng được sử dụng bởi dân thường đã bị phá hủy. Israel đã nhiều lần cáo buộc Hamas "cố tình" hoạt động gần các tòa nhà như bệnh viện và trường học, từ đó gây nguy hiểm cho dân thường bởi nguy cơ trở thành lá chắn.

Cuối tuần qua, các lực lượng Israel đã phá hủy một tòa nhà văn phòng của các hãng truyền thông quốc tế Al Jazeera và The Associated Press, bởi họ cho rằng ở đó lưu giữ tài sản tình báo quân sự của Hamas. Hamas đã bác bỏ cáo buộc đó.

Các nhà chức trách Hamas và video từ mặt đất cho thấy một phòng khám sức khỏe ở thành phố Gaza bị hư hại bởi một cuộc không kích của Israel vào một mục tiêu gần đó, cửa sổ của nó bị nổ tung. Bộ Y tế ở Gaza cho biết phòng khám là một trong những trung tâm xét nghiệm Covid-19 chính.

Bộ này trước đó đã cảnh báo việc phá hủy các cơ sở y tế có thể dẫn đến sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 vì những người chạy trốn đến nơi trú ẩn sẽ "dễ dàng lây lan các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là vi rút Covid-19."

Một phát ngôn viên của IDF nói với CNN hôm thứ Ba cho rằng họ nhắm mục tiêu vào trung tâm hoạt động chính của lực lượng an ninh nội bộ Hamas ở khu vực lân cận Rimal, tòa nhà gần với bệnh xá.

Do Israel tiếp tục không kích bằng tên lửa từ Gaza hôm thứ Ba, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở một số thành phố. Hàng nghìn người đã giơ cao lá cờ của người Palestine và hô vang ủng hộ Gaza tại một cuộc biểu tình ở thành phố Ramallah, Bờ Tây. Tiến sĩ Mustafa Barghouti, chủ tịch Sáng kiến Quốc gia Palestine, người tham dự cuộc biểu tình, cho biết một số người biểu tình đã đốt lốp xe và có một số cuộc đụng độ với lực lượng Israel gần một trạm kiểm soát.

Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em cũng tham gia một cuộc biểu tình ở Al-Bireh, phía bắc Ramallah. Một người biểu tình 30 tuổi ở Al-Bireh nói với CNN rằng họ sẽ "xuống đường cho đến khi có thể chấm dứt sự nhục nhã và căm phẫn đã phải trải qua."

Tại một cuộc biểu tình khác ở phía đông Jerusalem, George Zeidan, người đồng sáng lập Quyền vận động Palestine, đã phàn nàn "Bất cứ điều gì chúng tôi đang làm, chúng tôi luôn phải đối mặt với sự đàn áp của quân đội Israel".

Người biểu tình Tawfeek Haddad nói với CNN: "Cũng giống như ở Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, điều này phải kết thúc. Người Palestine sẽ không phải là công dân hạng hai và sẽ không bị đuổi khỏi nơi ở của họ."

Chính phủ Israel trước đây đã bác bỏ sự so sánh đó. Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao nước này đã mô tả một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền là "vô lý và sai sự thật" sau khi họ cáo buộc chính phủ Israel phân biệt chủng tộc.

Theo các cơ quan y tế ở Bờ Tây và IDF, một người Palestine 25 tuổi đã thiệt mạng và hai binh sĩ Israel bị thương trong một cuộc hỗn chiến ở Ramallah. IDF cho biết họ đã phản ứng với các loạt đạn trực tiếp đến tại vị trí của mình, dẫn đến hai binh sĩ bị thương ở chân.

Kêu gọi ngừng bắn

Các nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và các chiến binh ở Gaza cho đến nay vẫn rất khó khăn. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói chuyện với Quốc vương Jordan Abdullah II hôm thứ Ba; cả hai nhà lãnh đạo đều ủng hộ các nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn, theo người phát ngôn của Thủ tướng Merkel. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn hôm thứ Hai trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu và "thảo luận về sự can dự của Mỹ với Ai Cập cùng các đối tác khác hướng tới mục tiêu đó".

Các nỗ lực của Ai Cập và Qatar nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn đã bị đình trệ. Một trở ngại là Israel khăng khăng rằng Hamas phải ngừng bắn trước, ít nhất ba giờ trước Israel, sau đó Israel sẽ tuân theo. Hamas đã thẳng thừng từ chối đề xuất này, lãnh đạo Hamas cho biết.

Nguồn tin của Hamas cho biết rào cản khác là Hamas khăng khăng rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải bao gồm việc chấm dứt "các hành động khiêu khích" của Israel tại Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem - địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi - và ở Sheikh Jarrah, một khu phố Đông Jerusalem nơi một số gia đình Palestine phải đối mặt với việc bị đuổi ra khỏi nhà.

Một tổ chức định cư ủng hộ người Do Thái có tên là Nahalat Shimon đang sử dụng luật năm 1970 để tranh luận rằng những chủ sở hữu của mảnh đất được đề cập trước năm 1948 là các gia đình Do Thái, và vì vậy các chủ đất Palestine hiện tại nên bị đuổi đi và tài sản của họ phải được trao cho người Do Thái Israel.

Người Palestine cho rằng luật bồi thường ở Israel là không công bằng vì họ không có biện pháp pháp lý nào để đòi lại tài sản mà họ đã mất cho các gia đình Do Thái vào cuối những năm 1940 tại nơi mà sau này thuộc về Israel.

Hà Trang (CNN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem