Ít ruộng vẫn không thất nghiệp

Thứ năm, ngày 29/08/2013 06:43 AM (GMT+7)
Ruộng ít, vừa phải “nhường” đất cho các khu công nghiệp, nên sản xuất nông nghiệp ở xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc, Nam Định) trở thành “nghề phụ”.
Bình luận 0
Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ là cách giúp nông dân ly nông bất ly hương.

Ông Nguyễn Thành Khang- Chủ tịch UBND xã Mỹ Thịnh cho biết, những năm gần đây xã liên tục phải nhường đất nông nghiệp cho các dự án phát triển khu công nghiệp của huyện, tỉnh, nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Không có ruộng, nhiều người về các thành phố kiếm việc làm. Tuy đời sống của người dân phần nào được nâng lên, song cùng với đó là sự du nhập của các tệ nạn xã hội, nghiện hút, hạnh phúc gia đình bị rạn nứt.

Chị Trần Thị Duyên (đứng)- chủ xưởng may thôn Liêm Trại.
Chị Trần Thị Duyên (đứng)- chủ xưởng may thôn Liêm Trại.

Ly nông không ly hương

“Chủ trương của xã là đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ, giúp người dân ly nông nhưng không ly hương, do đó chúng tôi đã vận động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để dạy nghề cho người dân. Đến nay đã có hàng trăm lao động được học nghề và hiện đang làm tại các xưởng may, cơ khí… trên địa bàn”- ông Khang cho hay.

Theo đó, xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng, các doanh nghiệp có trách nhiệm nhận học viên và đào tạo nghề cho các học viên ngay tại xưởng của mình. Tùy theo năng lực, nhu cầu của doanh nghiệp, sau khi học nghề, một số học viên sẽ được giữ lại làm tại xưởng, số còn lại được giới thiệu đến các doanh nghiệp khác, hoặc tự mở xưởng may tại nhà.

Chị Trần Thị Duyên- chủ xưởng may ở thôn Liêm Trại, cho biết, chị đã làm may hơn chục năm nay. Trước đây chị chỉ làm nhỏ lẻ, nhưng khi thấy có nhiều chị em không có việc làm, hơn nữa kiếm được nhiều mối hàng, năm 2009 chị quyết định thành lập xưởng may, với 20 máy để vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho người dân. “Hiện xưởng có 30 công nhân, thu nhập từ 2-3,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này vẫn còn thấp, nhưng được cái chị em gần nhà, vừa làm vừa quán xuyến việc nhà được. Dự kiến nếu xã hỗ trợ mặt bằng, tôi sẽ mở rộng thêm xưởng để tạo việc làm cho người dân” – chị Duyên cho hay.

Vừa học vừa có tiền

Theo chị Duyên, hiện mặt hàng may mặc, các đồ như túi xách, áo thể thao, quần áo rét... của chị có đầu ra rất ổn định. Tuy nhiên, chị đang thiếu vốn và mặt bằng, nên chưa thể mở rộng xưởng sản xuất.

Nằm cách xưởng chị Duyên không xa, xưởng của anh Trần Văn Dũng có 30 máy may và đang tạo việc làm cho 30 lao động. Cũng như chị Duyên, hiện anh Dũng cũng đang rất thiếu vốn và mặt bằng. Anh Dũng tâm sự: “Mặc dù xã đã hỗ trợ cho thuê mặt bằng, nhưng lượng lao động đến xin việc ngày một nhiều, để đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của xã để mở rộng nhà xưởng”.

Hầu hết công nhân làm việc tại xưởng của chị Duyên và anh Dũng đều là người trong thôn, trong xã và các xã lân cận. Em Phạm Thị Chinh - một trong những học viên được xã hỗ trợ học nghề tại xưởng chị Duyên cho hay: “Gia đình em khó khăn, học xong lớp 9, em quyết định đi học nghề. Khi biết xã tổ chức mở lớp dạy nghề tại xưởng cô Duyên, em xin vào học. Thu nhập của em từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, được cái không phải thuê nhà, đi lại gần nên tháng nào em cũng để dành được hơn 2 triệu đồng”.

Nhà chị Trần Thị Hoài có sào ruộng, nhưng nay chủ yếu dùng máy móc, nên chỉ vài hôm là cấy xong. Nông nhàn, chị lại cùng chồng lên thành phố làm phụ vữa, nhưng lại phải xa con cái. Sau khi học nghề may xong, chị được nhận làm tại xưởng của chị Duyên. “Đi làm phụ vữa vừa vất vả, lại không quản lý được con cái, nên vài hôm tôi lại về, tiền công cũng vừa tiền đi lại. Hai năm nay tôi làm ở xưởng may chị Duyên, công việc nhẹ nhàng phù hợp với phụ nữ, lại gần nhà quán xuyến được các cháu. Tôi mong xã, huyện hỗ trợ để có thêm nhiều xưởng, doanh nghiệp tạo việc làm cho người dân”- chị Hoài tâm sự.

Nam Tùng Sơn (Nam Tùng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem