Kể chuyện làng: Cùng mẹ ra đồng bắt cá

An Nhi Thứ bảy, ngày 26/02/2022 06:07 AM (GMT+7)
Toàn thân lấm lem bùn từ đồng quê, trên tay là một thùng đầy ăm ắp cá rô phi nhảy tí tách. Xa xa tôi thấy bóng lưng của mẹ bắt cá đồng. Ngày mới chớm nắng, mẹ tôi mải mê đi bắt "tinh túy" của đồng quê.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Cùng mẹ ra đồng bắt cá - Ảnh 1.

Đồng quê êm ả, xanh mướt những ngày rạo rực nắng hè. Ảnh: An Nhi.

Mặt trời ửng lên cao cũng là lúc mẹ tôi thức giấc bắt đầu một ngày mới, đồng hồ báo thức của tôi chính là mẹ, tiếng gọi cất lên mấy lần tôi mới chịu dậy. Hôm nay, tôi cùng mẹ ra đồng bắt cá, "nông dân cả" vẫn là mẹ, với sự vụng về, tôi chỉ đảm nhận "nông dân phụ" cầm thùng bỏ "chiến lợi phẩm" của mẹ thôi. Đồng quê gần chỗ ở, cách vài bước chân nên mẹ tới liền vội vã xắn tay áo, vén ống quần, công cụ hỗ trợ mẹ chính là đôi bàn tay đã dần chai sạn lam lũ vất vả làm việc quanh năm.

Hôm đấy tôi thắc mắc cá rô là loài khó bắt, vảy và xương của nó rất cứng, giãy giụa mạnh trong bùn đất, mẹ tôi lại dùng tay bắt nó, cảm giác chỉ sợ tay mẹ bị cứa. Nhưng bí quyết bắt cá của mẹ còn xa vời hơn thắc mắc của tôi, phần nữa vì mùa hè, sức nóng của nước đã làm cá yếu đi.

Kể chuyện làng: Cùng mẹ ra đồng bắt cá - Ảnh 2.

Chân dung "nông dân cả"  hăng hái bắt cá rô đồng. Ảnh: An Nhi.

Tiếng mẹ gọi: "Con ơi, cá đầy giỏ con lấy thùng đựng giúp mẹ". Tôi suýt quên mình là "nông dân phụ", hớn hở chạy ra chỗ mẹ hứng cá. Ào ào lũ cá trượt xuống, "chiến lợi phẩm" của mẹ cứ thế tăng lên. Tiếp tục đợi mẹ bắt cá, tôi với lũ trẻ hàng xóm nhìn cá bơi lượn trong thùng, kháu nhất vẫn là trẻ nhỏ khi chúng rủ nhau xuống bắt cá, lấy roi quất xuống nước. Ngó qua bên mẹ, cá sắp đầy, hai mẹ con chuẩn bị thu dọn trở về, trên đường mẹ bảo: "Nhìn cá mẹ say cả mắt", lần này trúng mẻ lớn, tôi nghĩ đến cá chiên chấm chua cay, nấu canh chua thì hết sẩy.

Kể chuyện làng: Cùng mẹ ra đồng bắt cá - Ảnh 3.

Lũ trẻ nhộn nhịp xem cá bơi lội. Ảnh: An Nhi.

Về đến nhà, mẹ lựa chia cá thành những túi bóng gửi cho hàng xóm mỗi nhà vài con, bắt cá thì hăng say nhưng công đoạn chế biến rất cần sự khéo léo, cá giãy giụa mạnh rất dễ lệch dao, mẹ sơ chế còn tôi cắt mang cá. Thân hình nhỏ nhắn lấm lem bùn đất của mẹ hiện rõ dần khi về đến nhà, mẹ còn đùa bảo: "Nhìn mẹ đẹp không?", thế là hai mẹ con cười tít cả mắt. Một buổi sáng ra đồng ruộng cùng với mẹ đã cho tôi cảm nhận sâu hơn tinh túy trời phú quê hương ban tặng.

Nhớ về những miền ký ức xưa, mỗi dịp đến hè, đồng ruộng tràn đầy những bầy cá với nhiều loài khác đua nhau phát triển sau nhiều tháng ẩn trú vào mùa đông, đây cũng là nơi trồng rau nước nổi của người dân, được ví như ao làng. Cũng không biết nó được cải tạo hình thành từ khi nào, chỉ biết lớp đất ao trũng gặp mưa lớn ao đầy nước, dịp hè vơi cạn dần đi. Lúc nhỏ mỗi khi cuối tuần, đám trẻ chúng tôi gọi nhau đi câu cá, bắt chuồn chuồn quanh ao, rượt đuổi bắt nhau không biết ngủ trưa hay mệt gì hết, câu được một con mừng lắm, triệu tập gọi cả nhóm đến xem, nhiều lúc chơi mải mê quên cả mẹ gọi. Mùa lũ nước ao tràn khắp ngõ xóm, nước lõm bõm lội qua cứ sợ bị đỉa cắn, chạy vụt nhanh, về đến tận nhà kiểm tra xem dưới chân dính gì không, lúc đó đứa nào cũng thở phào nhẹ nhõm. Sợ đỉa là vậy, nhưng mùa lũ cũng là mùa chúng tôi trêu nó, lấy que quất xuống nước tạo tiếng động để thú hút nó lại gần, kèm thêm những câu mời gọi "đỉa ơi lên ăn cơm với muối". Trẻ con thời đấy ai cũng nghịch phá, điện thoại quá xa vời với lũ trẻ chúng tôi, những trò chơi dân gian gắn liền miền tuổi thơ theo mỗi đứa dần khôn lớn mãi sau này.

Kể chuyện làng: Cùng mẹ ra đồng bắt cá - Ảnh 4.

Quê hương gần gũi, thân thương. Ảnh: An Nhi.

Dù cách trở muôn phương ngàn dặm, dù bộn bề lo toan trong cuộc sống nhưng đâu đó, hình ảnh quê hương gần gũi với con người giản dị chất phác, nơi đàn cò miệt mài kiếm ăn in dấu chân chúng tôi trưởng thành, in hình bóng mẹ lam lũ quanh năm gồng gánh nuôi nấng tôi nên người. Trở về đây, tôi được nhẹ nhàng ngả lưng hòa mình với cảnh vật thiên nhiên, lắng nghe những âm thanh bình dị của cuộc sống. Quê hương tôi đấy, tiếng gọi thân thương đến nhường nào!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem