Kể chuyện làng: Hương ngày mùa

Quyên GAVOYE Từ Besançon - Cộng hòa Pháp Thứ tư, ngày 06/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Và tôi lại nhớ những cánh đồng, nhớ mùi tanh nồng của bùn đất, nhớ những lát cắt lá lúa vào da thịt… Và tôi lại nhớ những ngày mùa thơm lừng mùi rơm rạ. Tôi nhớ cha mẹ, tôi nhớ làng...
Bình luận 0

Làng của tôi gọi tên Làng Gùi (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nằm ven con sông Hồng, nơi phù sa quanh năm bồi đắp mang cho cánh đồng một màu xanh mướt. Quê tôi, một vùng thuần nông. Ngoài cây lúa, cây khoai, người dân quê tôi không có nhiều nguồn thu nhập khác. Hết vụ chiêm rồi sang vụ mùa, lúa mơn mởn, nhấp nhô đùa nhau tới chân trời.

Ngày còn nhỏ, tôi đã từng nhiều năm làm cỏ lúa. Để vớt cỏ, người làm phải đi theo hai rãnh lúa, cúi gập người trong tư thế "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Bàn tay khoắng xuống bùn, cào xung quanh chân lúa để nhổ cỏ. Nghe thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế đó lại là công việc vất vả nhất của nhà nông. Đến cuối ngày, toàn thân đau ê ẩm, mặt phù, tay phù, bàn tay, bàn chân đen sẫm màu bùn. Lá lúa rất sắc, cứa vào da thịt làm rát đỏ những vết cắt ngang dọc. Thỉnh thoảng có vài ba con đỉa ngang qua bám vào, hút căng bụng và để lại những vết cắn rỉ máu. Để cầm máu, mẹ chỉ tôi cách nhổ nước bọt vào lòng bàn tay và xoa lên vết cắn. Bù lại vết cắt lá lúa và vết cắn của đỉa không để lại sẹo.

Vào mùa thu hoạch, khi những bông lúa chín vàng uốn cong cong lưỡi liềm, ruộng đồng thay mùi hương mới. Không còn mùi tanh nồng của đất bùn, mà mùi hương lúa thơm giòn màu nắng. Những ngày đầu mùa, mùi lúa tươi ngai ngái lẫn trong mùi đất ruộng khô nước gọi mời chim chóc khắp nơi về kiếm ăn. Đường làng thường ngày thênh thang bỗng rộn ràng tiếng cười, tiếng nói, ngồn ngộn rơm, thóc, vàng rực cả đường làng. Lũ trẻ chúng tôi tha hồ chạy chân trần lên những cọng rơm bỏng rát hơi nắng, dù tối về, người đứa nào cũng sần sùi mụn rôm, gãi đến trật da, bật máu.

img

Ngày tôi còn rất nhỏ, quê tôi chưa có nhiều máy tuốt lúa, chúng tôi phải sử dụng trục đá để tuốt. Lúa gặt về được rải ra sân đã quét sạch để chuẩn bị lăn đá. Công việc lăn đá bắt đầu lúc mặt trời đi ngủ, khi cái nóng bớt ngột ngạt. Mỗi sào ruộng cần trung bình ba giờ kéo đá. Công việc tuy không nhẹ nhàng nhưng rất vui, vì thường là công việc tập thể, ít nhất phải hai người làm. Một người kéo và một người đẩy phía sau trợ sức cho người kéo phía trước. Đó là một trục bằng đá khối, nên rất nặng, cỡ hơn chục cân, được đẽo thành hình trụ tròn, bề ngoài được mài nhẵn thín. Ở hai đầu trục được đục hai lỗ nhỏ để gắn chốt gỗ, chốt này được gắn với khung gỗ hình, có thanh ngang để người đi sau dùng gậy tre đẩy. Ở hai bên đầu khung gỗ có khấc để làm chỗ buộc dây kéo. Nhà tôi ngày đó chỉ có hai sào ruộng nên việc kéo trục sẽ được cha kéo và mẹ đi sau. Thỉnh thoảng có thêm những người họ hàng đến giúp.

Những buối tối kéo đá để lại cho tôi những cảm xúc khó phai. Ngày đó, hiếm nhà nào mắc điện ngoài sân, nên chúng tôi phải dùng đèn dầu to để có thêm ánh sáng. Dưới ánh đèn dầu, lũ châu chấu háu ánh sáng nhảy tanh tách xung quanh, không khó để tôi tóm. Thường thì, cứ tóm được con nào, tôi sẽ nướng ngay con đó trên ngọn lửa đèn. Mùi thịt châu chấu quyện mùi dầu đèn thành một mùi thịt nướng mà đến giờ mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn chun mũi cảm nhận rõ ràng.

Tôi thích nhất là những lần kéo đá vào đêm rằm. Dưới ánh trăng vằng vặc, cha kéo mẹ đẩy, tiếng côn trùng ngoài vườn vọng vào du dương. Khi đó, cha tôi thể nào cũng vừa kéo lúa vừa hát tình ca, và mẹ sẽ phụ họa, và chúng tôi sẽ ríu rít chạy sau.

Chúng tôi lớn lên, làng quê cũng đổi thay.

Quê tôi giờ không còn phải tuốt lúa bằng đá, đã có máy gặt và tuốt lúa kéo đến tận đồng, người dân chỉ vác lúa về nhà. Rơm tuốt xong được đốt ngay trên ruộng để làm phân bón cho vụ sau. Công việc của người nông dân cũng nhờ đó mà bớt đi bao vất vả. Nhưng giờ đây mỗi lần về quê vào ngày mùa, tôi lại thấy thiếu đi cái ngổn ngang của rơm rạ, thiếu đi cái rộn ràng của tiếng người giúp nhau phơi thóc, và thiếu đi mùi thơm ngai ngái của cây lúa tươi còn quyện mùi đất ruộng.

Và tôi lại ước được quay lại ngày xưa để lăn mình thỏa thích trên những đống rơm, để biết mình xuất thân nhà quê, để hít căng lồng ngực mùi đồng ruộng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem