Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa đậu phộng

Văn Kỳ Lê Thứ tư, ngày 16/12/2020 08:00 AM (GMT+7)
Ven sông Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) quê tôi ngày ấy, ngoài trồng vài ba sào lúa ở ruộng ra, mỗi nhà còn trồng trên đất biền ven dòng sông Túy vài sào đậu phộng (lạc).
Bình luận 0

Đậu phộng hay còn gọi là đậu chùm quê tôi để bán tươi, phơi khô ép dầu ăn dần quanh năm và cất đi để rang muối làm thức ăn vào những ngày đông mưa gió.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 1.

Dòng sông Túy quê tôi –nơi có những bãi biền phù sa màu mỡ.

Vào mùa thu hoạch đậu ở quê tôi, từ sáng tinh mơ, khắp các con đường làng, ngõ xóm từng đoàn người mang theo lạt (dây bó), đòn sóc, quang gánh... lũ lượt ra đồng để thu hoạch. Họ vừa đi vừa gọi nhau í ới, nói cười rộn rã. Gần trưa, những đám ruộng đậu phộng đã được thu hoạch gần xong. Người thì lấy lạt bó đậu cây gánh về, người che bồ đập đậu họăc các phụ nữ nhặt đậu ngay tại đám. Lúc bấy giờ, biết bao nhiêu câu chuyện được hàn huyên, tâm sự.

Mùa ép dầu phộng liền kề vào khoảng giữa mùa nhổ đậu. Ngày ấy, ở quê tôi ngay giữa làng, có trại ép dầu. Trong trại có 1 cái nồi hong đậu và 2 cái bộng dầu bằng gỗ mù u to. Mỗi cái bộng dầu dài khoảng 5 – 6 mét, đường kính khoảng 0,7 mét, trong ruột được khoét trống để chứa bánh dầu. Đậu phộng sau khi được phơi khô, cha tôi cho vào bao và gánh đi ép cùng với củi gốc tre, rơm và một số vật dụng khác như soong, thùng thiết, chai lọ...

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 2.

Bó đậu gánh về nhà.

Cha tôi kể rằng, thời trước chưa có máy xay đậu, trước khi ép dầu, phải huy động nhiều người trong xóm đến nhà giã đậu bằng chày đạp hoặc chày gỗ, cối sen (cối gỗ). Thời chúng tôi, "củ đậu" được máy xay mịn. Những ông thợ ép dầu cho vào nồi hong chín và múc đậu ra bằng 1 cái vá lớn đổ vào khuôn.

Ấn tượng nhất với tôi lúc bấy giờ là xem hai bác thợ lực lưỡng có da màu đồng mắt cua thay phiên nhau kẻ tới người lui, hai tay của mỗi người nắm cán một cái vồ to tướng đóng xuống nêm, miệng phát ra tiếng kêu "hừ hự". Những tấm bánh dầu trong 'bộng" bị ép lại, dầu phộng nóng màu vàng óng, sóng sánh như mật ong chảy ra ở lỗ dưới đáy bộng vào thùng chứa.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 3.

Bứt (rứt) đậu phộng tại ruộng.

Mùa ép dầu ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi thường đến xin hay bốc trộm những nắm to đậu phộng và gom lại bỏ vào nồi đất rang với cát. Trái đậu chín giòn, sem sém cháy vỏ, lột vỏ bỏ hạt đậu vào miệng nhai giòn rụm, béo bùi. Ôi, hương vị hạt đậu phộng rang ngày ấy sao mà quá ngon lành, hấp dẫn.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 4.

Món giá đậu phộng xào với tôm, tép thơm lừng trong ký ức.

Người dân quê tôi, dự trữ đậu phộng để chế biến nhiều món ăn khác nhau như: Muối đậu phộng, làm nguyên liệu phụ cho các món trộn, gỏi, mọc, mì Quảng… Đặc biệt, là đổ kẹo đậu phộng trên bánh tráng hoặc bẹ chuối thì ăn quá đã. Ngoài ra, những năm hạn hán, mùa màng thất bát, gạo cơm thiếu thốn, mẹ tôi không nấu cơm trưa, chỉ rang đậu (đậu nhân) và rang bắp, sau đó trộn chung hai thứ lại với nhau để nhà ăn trừ bữa.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 5.

Lò ép dầu phộng thời nay ở quê tôi.

Tháng ba, những cơn mưa giông đầu mùa ập về, làm mặt đất trên ruộng đậu đã nhổ ẩm ướt, khoảng mươi ngày sau, những trái đậu còn sót lại dưới mặt đất bắt đầu nảy mầm nhô lên trên mặt đất. Lũ trẻ con chúng tôi đi học về, mang bao ra ruộng hái về. Mẹ tôi nhặt rễ, rửa sạch sau đó xào với tôm khô, tép khô, bỏ vào nồi ít đọt rau sưng. Món này tuy dân dã nhưng lạ miệng và khá thơm ngon. Học sinh nghèo chúng tôi tranh nhau ăn, mẹ tôi mỉm cười: "Của không ngon, đông con cũng hết!". Ngoài ra, khoảng nữa tháng sau, từ đống cây đậu chất bên hè bắt đầu nhú lên những chiếc nấm trắng mũm mĩm, chúng tôi hái, rửa sạch để mẹ tôi chế biến món nấm đậu xào ăn rất ngon và bổ.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 6.

Bứt (lặt) đậu phộng tại nhà.

Ngày nay, tôi đã được đi khắp nơi, được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản khác nhau của nhiều vùng miền, nhưng không làm cho tôi quên đi cái dư vị món giá đậu phộng xào và nấm xào của mẹ tôi nấu từ những mùa nhổ đậu thời thơ ấu mà giờ đây vẫn "thơm lừng" trong ký ức của tôi.

Giờ đây, mùa nhổ đậu phộng lại về, cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ, đâu còn những hình bóng lắc lư của cha tôi gánh đậu phộng đi ép trên con đường làng quanh co khi còn mờ mịt hơi sương. Hay hình ảnh của mẹ tôi lom khom vừa bứt đậu, vừa khuyên bảo anh em chúng tôi vâng lời cha mẹ, thầy cô, cố gắng học hành, rèn luyện tác phong, đạo đức để sau nầy trở thành người tử tế. Nhớ về mảnh vườn trồng đậu phộng ngày xưa, nay đã "bị" xây tường rào phân ra làm nhiều lô nhỏ cho anh em chúng tôi trong tiến trình đô thị hoá.

Kể chuyện làng: Tuổi thơ đi qua bao mùa động phộng - Ảnh 7.

Ai mà giống mẹ tôi ngồi bứt (lặt) đậu phụng ngày xưa.

Ai mà giống mẹ tôi ngồi bứt (lặt) đậu phụng ngày xưa.

Ngày nay, khi đi ngang qua những đám đậu phộng đang nhổ bên đường, lòng tôi lại rộn lên niềm bồi hồi tưởng nhớ với bao nhiêu kỷ niệm thân thương nhớ về mùa nhổ đậu thời thơ bé ở bãi bồi ven dòng sông Túy quê tôi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                                                   



 

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem