Kể chuyện xé màn đêm cứu nạn trên dòng Sêrêpôk

Thứ bảy, ngày 19/05/2012 13:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm người dân, hàng trăm cán bộ chiến sĩ, bác sĩ, y tá, hàng chục xe máy... tất cả đã trắng đêm nỗ lực hết mình để cứu những nạn nhân trong vụ tai nạn tại cầu Sêrêpôk.
Bình luận 0

22 giờ 15 phút, ông Hiệu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cùng con trai, trên người chỉ độc chiếc quần cộc, lao xuống chiếc xe bị nạn bên mé sông Sêrêpôk như một phản xạ tự nhiên. Mặc nước sông lạnh nổi da gà, họ nhào đến cửa xe tìm người bị nạn. Cha kéo người ra, con vác người chạy lên bờ cấp cứu...

img
Lực lượng cứu hộ đưa xác nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ tai nạn.

Vợ ông Hiệu sau khi nghe tiếng kêu thất thanh của chồng, cũng lao ra giúp chồng, chạy khắp nơi gõ cửa hàng xóm. Ngay khi quay về, thấy con khó nhọc tìm đường đưa người lên bờ, bà lập tức vào nhà vác cuốc, rựa dọn đường. Nhiều người dân bắt đầu chạy đến, người cùng ông Hiệu tìm cách đưa người ra khỏi xe, người giúp vợ ông Hiệu dọn đường, người lo kéo điện ra hiện trường, người khác thì điện báo cho cơ quan chức năng…

Nửa giờ sau, cơ quan chức năng đến hiện trường. Trên bờ lúc này, 3 chiếc xe cứu thương cùng gần 10 y, bác sĩ cũng đã đến và lập tức bắt tay vào sơ cứu rồi đưa người bị nạn về bệnh viện. Người của cơ quan chức năng đến ngày càng đông hơn. Dưới sông, hàng trăm người vẫn thay nhau tìm cách đưa người bị nạn ra khỏi xe. Hai chiếc xe cẩu được đưa đến để hỗ trợ. Nhưng do địa hình rất phức tạp, lại thêm cáp tời quá ngắn nên 2 chiếc xe cẩu không thể tiếp cận được chiếc xe bị nạn.

24 giờ ngày 17.5, 2 chiếc xe cẩu lớn được điều động đến. Và đến lúc này chiếc xe bị nạn mới được nhấc lên mặt đất; Hàng chục người tiếp tục được lôi ra, rồi được khiêng, vác chạy thốc tháo lên đường để cấp cứu. Dù đã được nhấc lên cao, nhưng còn 3 người nữa bị máy xe đè lên mà lực lượng cứu hộ vẫn chưa biết làm sao gỡ ra được.

Đục cabin là phương án được thống nhất. Ngay lập tức phương án này được thực hiện, tất cả những vật dụng gì có thể đục được cabin đều được huy động đến. Hàng chục người thay nhau hì hục đục, nạy… Sau 4 giờ liền với sự góp sức của hàng trăm người, đến 2 giờ 20 phút ngày 18.5, 3 nạn nhân cuối cùng đã được đưa lên bờ.

Lúc này, hầu hết người dân đã ra về nhưng vẫn còn rất nhiều người tiếp tục ở lại giúp lực lượng chức năng thu dọn tài sản và đưa chiếc xe bị nạn lên bờ sông, đề phòng thủy điện xả lũ bất ngờ cuốn trôi xe, tài sản của người bị nạn.

Ngay sau khi được Cảnh sát giao thông tỉnh Đăk Lăk báo tin về vụ tai nạn, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện tỉnh được lãnh đạo phân công nhiệm vụ để chuẩn bị cho một đêm trắng cấp cứu nạn nhân. Ngoài các y, bác sĩ được điều động đến hiện trường, ở bệnh viện, hơn 20 y, bác sĩ tại tất cả các khoa được điều động chuẩn bị “trực chiến”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Đại Phong- Phó Giám đốc Bệnh viện Đăk Lăk, thì do một lúc tiếp nhận quá nhiều nạn nhân, lại bị đa chấn thương rất nặng nên bệnh viện đã gặp không ít khó khăn. Trong khi hầu hết bệnh nhân đều cần thiết phải được phẫu thuật thì bệnh viện chỉ có 6 bàn mổ. Hơn nữa, tất cả các nạn nhân được đưa đến đều không có thân nhân, nên nhân viên bệnh viện cùng một số chiến sĩ công an trực tại đây đều phải lo tất tần tật từ việc lớn đến việc nhỏ.

Thế nhưng điều ấy đã không khiến các y, bác sĩ nản lòng, tất cả các trường hợp vẫn được theo dõi sát sao, được chữa trị tận tình. Cũng theo bác sĩ Phong, tất cả các chi phí cho việc cấp cứu các nạn nhân hiện bệnh viện chưa tính đến. “Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là cứu sống người. Chuyện tiền bạc để sau”- ông Phong nói.

Trước khi gặp nạn, xe nổ bình thắng hơi

Chiều 18.5, ông Trần Phú, bố vợ anh Lê Công Bằng, tài xế xe khách cho biết: Nhà anh Bằng nằm gần Quốc lộ 14, đoạn thuộc huyện Krông Păk, Đăk Lăk, trên tuyến đường xe khách đi qua. Vì vậy, khi xe khách xuất bến, chỉ có tài xế 1 là Phạm Ngọc Lâm lái xe. Khi xe đi ngang nhà, anh Bằng sẽ lên xe và đảm nhận lái xe đi từ Đăk Nông xuống TP. HCM.

"Khoảng 19 giờ ngày 17.5, tôi và gia đình vợ chồng Bằng (vợ là Trần Thị Thanh Trúc và con Lê Thị Bích Trâm) đang ngồi ăn cơm thì Bằng nhận được điện thoại của tài xế Lâm nói là xe bị nổ bình thắng hơi tại xã Ea Phê, huyện Krông Păk. Bằng gọi điện về HTX Quyết Thắng để nhờ đưa thợ lên sửa xe. Sau gần 1 giờ sửa chữa, xe tiếp tục đi.

Một số người dân ở xã Ea Phê cũng xác nhận chiếc xe tai nạn thảm khốc đã dừng lại bên đường để sửa chữa khá lâu.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem