Theo dự kiến, phiên tòa xét xử vụ án rùng rợn giết em hiếp chị tại Cổ Đông - Sơn Tây (Hà Nội) sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này.
Những người theo dõi vụ việc đều không khỏi xót xa khi nghĩ tới hình ảnh 2 cháu bé thơ ngây vô tội đã bị hãm hại một cách dã man ngay trong chính ngôi nhà của mình và dành sự căm phẫn cho hành vi man rợ và mất hết tính người mà đối tượng Đặng Trần Hoài đã gây ra.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc gặp với kẻ sát nhân này ngay trước ngày hắn phải ra vành móng ngựa để trả giá cho tội lỗi của mình.
Ám ảnh tội lỗi và nỗi nhớ gia đình
Đi theo cán bộ trại tạm giam vào phòng, Hoài lễ phép chào rồi líu díu bước về chỗ ngồi được chỉ định. Tôi lặng lẽ quan sát kẻ có biệt danh "sát thủ cuồng dâm". Hơn 2 tháng trong Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, Đặng Trần Hoài có đôi chút khác biệt so với ngày mới bị bắt giữ.
Mái tóc dài lởm chởm giờ đã húi cua sát đầu, làn da bắt đầu cớm nắng, duy chỉ có ánh mắt của Hoài thì vẫn vậy, sắc lạnh và vô cảm. Trên cổ lốm đóm những vết sẹo trắng đã nên da non, theo lời Hoài đấy là dấu tích trận đòn của người dân Cổ Đông khi không nén nổi sự căm giận lúc hay tin Hoài gây ra tội ác tày trời.
Hoài bắt đầu câu chuyện với tôi bằng giọng mai mái, không rõ lời: "Mấy hôm nay đêm nào em cũng nằm mơ, nhìn thấy khuôn mặt của cháu bé bị em giết toàn máu me, nó dọa bóp cổ em. Rồi có hôm em mơ thấy đứa bé sau khi bị giết, oan hồn nó ra chùa lộn vào một gia đình. Nhà đấy kinh tế khá giả nên thuê người săn tìm và giết em. Em tỉnh dậy mà mồ hôi vã ra khắp người, hoảng quá em cứ trùm chăn kín đầu".
Những cơn ác mộng không chỉ đến với Hoài hằng đêm mà ngay cả ban ngày, kẻ gây ra tội ác cũng bị ám ảnh về tội lỗi của mình. Hoài nói: Buổi trưa, cứ đặt lưng là mơ có người đấm thúc ở lưng, còn buổi chiều thì cứ toàn buồn nôn và bị nôn.
Hoài là người khá hoạt ngôn và nói nhiều, không ít lần trong cuộc nói chuyện với tôi Hoài hay viện dẫn những triết lý "vỉa hè" này nọ mà hắn đã nghe được ở đâu đó. Hắn bảo ngày xưa chẳng bao giờ tin vào cái số, con người ta không biết đổ vào đâu thì cứ đổ tại cho cái số này nọ, vì cái số nó không biết nói, nó có nói được để phản bác lại mình đâu.
Nhưng kể từ lúc vào đây rồi thì Hoài cũng phải nghĩ nhiều về chuyện đó. Cái hôm mà hắn gây ra tội ác tày trời, buổi sáng khi đi ăn cưới, trước lúc dắt xe ra khỏi nhà cả mẹ và vợ hắn đều can ngăn không cho đi bảo hắn ở nhà còn trông con cho vợ, nhưng Hoài vẫn bỏ ngoài tai. Hoài cũng không ngờ được rằng đó là lần cuối cùng cho đến nay Hoài còn được bế con mình trên tay.
Nhắc đến đứa con mới sinh, giọng Hoài chùng xuống, đôi mắt rưng rưng, nước mắt hắn cứ chực trào ra. Ngày Hoài bị bắt, đứa bé mới chào đời được 15 ngày. Hoài tâm sự "Ở trong này lúc nào nhớ đến con là em lại ngồi hình dung xem con mình đang làm gì, đang khóc hay đang cười rồi lại lẩn thẩn ngồi nghĩ ngợi xem liệu sau này khi lớn lên con có tha thứ cho những tội lỗi mà mình đã gây ra hay không".
"Em đã kịp đặt tên cho con trai mình chưa ?" tôi hỏi. "Em theo các cụ, kiêng đặt tên con có dấu nặng, em đặt tên cho con là Minh Thắng, Minh là minh bạch, sáng suốt, còn Thắng là thắng lợi" Hoài trả lời.
Là con trai thứ 2 trong gia đình, học hết lớp 12 Hoài đã bươn trải nhiều nghề để kiếm sống. Từng làm thợ xẻ đá ốp lát, phụ xe cho đến nghề dàn dựng sân khấu, rồi làm thợ hàn két sắt giúp việc người anh ruột. Cho đến trước khi bị bắt, Hoài chuyên chở nội tạng để đi giao cho các nhà hàng ở khu vực Mỹ Đình.
Sau ngày lấy vợ, Hoài được bố mẹ cho một mảnh đất liền thổ ở sát nhà và được hỗ trợ thêm tiền để xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Nhắc đến mẹ, giọng Hoài lại run run. Trong suy nghĩ của Hoài, mẹ hắn là người rất vất vả nên vào đây rồi, nhiều lúc hắn thấy thương mẹ vô cùng.
Hoài kể, ngày trẻ bố Hoài là người đào hoa và cũng chơi bời lắm. Lúc mẹ lấy bố, do ông bà nội định kiến, giận bố nên ghét luôn cả mẹ. Cưới xong vài bữa ông nội bắt ăn riêng rồi đuổi cả hai ra ngoài bãi đất bỏ hoang. Bố mẹ Hoài phải dựng lều để ở.
Trong trí nhớ của Hoài đến năm 3,4 tuổi Hoài vẫn còn phải ngủ ở ổ rơm, mãi sau này, quãng đầu những năm 2000, gia đình hắn mới tiết kiệm để dựng được ngôi nhà tử tế.
"Nói thật là cuộc sống em vất vả từ bé nên cũng chỉ biết chăm chỉ hạt bột kiếm ăn, chứ chẳng muốn bon chen gì ngoài xã hội. Giờ ra nông nỗi này em ân hận lắm nhưng cũng chẳng biết kêu ai".
Tôi nghìn lần đáng tội chết
Có lẽ không một lời nào có thể biện minh được cho những tội ác mà Đặng Trần Hoài đã gây ra, chính vì vậy, khi nhắc lại câu chuyện hôm gây án Hoài chỉ biết im lặng, đôi bàn tay đan chéo vào nhau, mặt cúi gằm nhìn xuống đất. Hắn xin thuốc rồi rít liên tục.
Hoài kể về hành trình tội ác của mình với một giọng nói đều đều, chậm rãi và có phần bình thản: "Hôm đó lúc đi trên đường từ đám cưới về do uống nhiều bia em bị say, lại gặp trời mưa to nên em mới cảm lạnh, trên đường lại còn bị ngã xe chảy máu một bên chân. Vì mệt quá, em tìm vào nhà ông cắt tóc, ông ta lại tưởng em đánh nhau nên đuổi ra khỏi nhà.
Lúc này do ngã ướt bẩn hết áo nên em mới cởi áo ra chỉ còn mặc mỗi quần bò. Em ngồi xuống dưới ghế nhà ông cắt tóc và bảo, bác ơi, cháu bị ngã xe chứ không phải đánh nhau, cháu rét quá, bác cho cháu nghỉ nhờ đến chiều tỉnh rượu rồi cháu về. Thế nhưng ông ấy nhất định không đồng ý và kiên quyết đuổi em ra khỏi nhà".
Hỏi Hoài vậy sao lúc ở trong nhà ông cắt tóc em lại cởi quần rồi trèo lên giường? Hắn bảo lúc đó em rét quá, theo bản năng cứ lao vào buồng ông ấy rồi trèo lên giường cuốn chăn cho đỡ lạnh. Chiếc quần bò vì do ngã xe nên bị bẩn, ướt vàng khè đất nên hắn phải cởi ra cho đỡ bẩn giường nhà người ta.
Cúi đầu xuống bàn rít một hơi thuốc dài, Hoài nhớ lại: "Em nằm một lúc thì ông ấy vào đuổi ra và bảo nếu em không ra thì sẽ báo công an. Khi ra khỏi nhà ông cắt tóc, em nhớ láng máng có người chỉ em đến trạm xá ở đấy. Lúc lên trạm xá có một người phụ nữ và một người đàn ông mặc áo blu trắng. Trông thấy em cởi trần trong bộ dạng bẩn thỉu người đàn ông đã quát và đuổi em đi chỗ khác. Em hoảng sợ quay xe đi và không nói câu gì. Lúc đó chắc người ta tưởng em là trộm cướp ở đâu đến nên mới nói như thế. Em tính đi chỗ nào đó xin cái áo mặc vào rồi quay lại trạm y tế. Tình cờ thế nào em lại đi ngang qua nhà chú Hiền (anh Khuất Văn Hiền, bố của 2 nạn nhân - NV), thấy cổng mở em đi vào trong…".
Nói đến đây Hoài dừng lại một lúc, có vẻ như hắn đang cố tìm ra một lý do chính đáng để biện minh cho tội ác của mình, nhưng chính hắn cũng chẳng thể lý giải nổi tại sao mình lại hành động một cách man rợ như vậy.
Suốt cuộc nói chuyện Hoài luôn viện vào một lý do duy nhất là đổ lỗi cho bia rượu đã kích động bản năng đã dẫn tới hành vi thú tính của mình. Hắn lí nhí giả thích: "Bình thường ở nhà em lành hiền lắm, không hiểu tại sao em lại cầm dao chém đứa bé 4 tuổi. Bây giờ lúc nào em cũng dằn vặt. Lúc đấy thú tính nổi lên thì em mới chém, chém xong rồi nhìn thấy máu thì em mới thấy hoảng sợ…"
"Hoảng sợ sao em còn tiếp tục thực hiện hành vi hãm hiếp trong sự van xin của nạn nhân?".
Hoài im lặng cúi đầu lảng tránh câu hỏi của tôi và cố tình lý giải một cách vòng vo: "Lúc đấy là do rượu, do thú tính nên em mới hành động như một con thú. Em nghĩ khi ở đám cưới có ai đó đã hại em, cố tình cho thuốc kích dục vào trong cốc bia của em vì trước lúc đấy em có mâu thuẫn với một vài người cùng bàn".
Dù có nại ra bất cứ lý do gì Hoài cũng không thể che giấu được hành vi tàn độc, man rợ của mình. Tội ác của Hoài đã được cơ quan điều tra chứng minh không bị kích động bởi ma túy hay các chất kích thích, ngoại trừ việc sử dụng rượu ngay trước khi thực hiện tội phạm.
Khi tôi hỏi có muốn chuyển lời gì với gia đình nạn nhân, Hoài nói rằng hắn rất ân hận với hành động của mình và cầu mong gia đình bị hại sẽ tha lỗi cho hắn. Hoài tâm sự, hắn linh cảm được bản án mà mình phải chịu đựng và chấp nhận điều đó vì tội của mình nghìn lần xứng đáng tội chết.
Nhưng sâu thẳm trong tâm can, Hoài vẫn hy vọng sẽ có được cơ hội để làm lại cuộc đời. Hoài cũng giống như những kẻ đã từng gây tội ác khác khi bị bắt vào trại đều tiếc nuối một điều "giá như…", song trước sự công bằng của pháp luật, mọi tội ác đều phải trá giá. Và ngày trả giá của Hoài đang đến rất gần.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.