Kế hoạch ám sát táo bạo có thể thay đổi lịch sử thế giới của Hitler

Đăng Nguyễn - NI Thứ hai, ngày 26/08/2019 19:25 PM (GMT+7)
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler từng phê chuẩn kế hoạch ám sát 3 lãnh đạo phe Đồng minh, với niềm tin rằng đây sẽ là một chiến thắng vĩ đại, và chiến tranh sẽ kết thúc, người Đức sẽ là bá chủ một nửa thế giới chỉ bằng một đòn duy nhất.
Bình luận 0

img

Trùm phát xít Hitler từng cứu mạng hà độc tài phát xít Italia, Benito Mussolini.

Ở Đức, kế hoạch ám sát 3 lãnh đạo phe Đồng minh được gọi là Chiến dịch Rösselsprung (Cú nhảy dài). Mục tiêu của chiến dịch là bắt sống hoặc tiêu diệt 3 lãnh đạo phe đồng minh, bao gồm lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, Thủ tướng Anh Winston S. Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, khi 3 nhà lãnh đạo gặp nhau ở Tehran, Iran, vào tháng 11.1943, theo National Interest.

Chiến dịch được coi là “cơ hội vàng” để trùm phát xít Hitler có thể thay đổi cục diện thế giới và dưới góc nhìn ngày nay là thay đổi lịch sử.

Cựu sỹ quan tình báo KGB, Vadim Kirpichenko nói về kế hoạch của phát xít Đức: “Báo cáo mật đầu tiên về kế hoạch này đến từ sỹ quan Nikolai Kuznetsov. Anh ta biết được kế hoạch qua cuộc trò chuyện của mình với sỹ quan SS phát xít Đức Ulrich von Ortel”.

Kuznetsov khi đó đang hoạt động ngầm trong nội bộ phát xít Đức với bí danh Paul Siebert, công tác tại vùng chiếm đóng ở Ukraine. Trong lần uống rượu say, Ortel đã vô tình “khoe khoang” về chiến dịch táo bạo trên. Sau này, Liên Xô và Anh đã phát hiện chi tiết kế hoạch ám sát 3 lãnh đạo phe Đồng Minh.

“Cơ hội vàng” để thay đổi cục diện thế giới

Vụ ám sát được ấn định ở Tehran, thủ đô của Iran. 3 lãnh đạo phe Đồng minh đã lên kế hoạch gặp nhau ở đây, đề ra chiến lược quyết định đập tan phe phát xít.

Về phần mình, cuộc gặp là cơ hội để lãnh đạo Liên Xô Stalin biết khi nào thì Mỹ và Anh sẽ mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu.

Cuộc gặp được ấn định ở Đại sứ quán Liên Xô tại Tehran, từ ngày 28.11.1943 đến ngày 1.12.1943.

Iran khi đó chịu ảnh hưởng của cả Liên Xô và Anh dù nước này luôn khẳng định sự trung lập trong Thế chiến 2.

Ở Tehran, binh sĩ Liên Xô và Anh canh gác chặt chẽ các ngả vào Đại sứ quán, bất kì người đi đường, xe hơi nào đi qua trạm kiểm soát đều phải xuất trình giấy tờ. Đại sứ quán Mỹ nằm cách đó vài km.

Nhưng phe Đồng minh không biết rằng phát xít Đức cũng có mạng lưới gián điệp rộng khắp ở Tehran, ước tính hơn 400 người.

img

3 lãnh đạo phe Đồng minh bao gồm Josef Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston S. Churchill.

Mặc dù phía Đồng minh đã triển khai các biện pháp để giữ bí mật về thời gian sẽ diễn ra hội nghị, nhưng Cơ quan Tình báo Quân đội Đức Abwehr vẫn đánh hơi được. Theo Hitler, vụ ám sát "3 ông lớn" nếu thành công sẽ là một chiến thắng vĩ đại, và chiến tranh sẽ kết thúc, người Đức sẽ là bá chủ một nửa thế giới chỉ bằng một đòn duy nhất.

Người được chọn để thực hiện Chiến dịch Bước nhảy dài, không phải ai khác mà chính là  Otto Skorzeny, chỉ huy lực lượng biệt kích của phát xít Đức trong Thế chiến 2. Skorzeny khi đó được coi là “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”, nhờ vai trò chỉ huy trong cuộc đột kích đường không táo bạo nhằm giải cứu nhà độc tài Italia, Benito Mussolini.

Giữa tháng 10.1943, khi tình báo phát xít Đức phá được mật mã của hải quân Mỹ, Đức đã biết thời gian và địa điểm diễn ra cuộc họp ở Tehran.

Người đầu tiên nghĩ ra kế hoạch ám sát cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng trùm phát xít Hitler và tư lệnh lực lượng SS, Ernst Kaltenbrunner, đã phê chuẩn kế hoạch.

Kế hoạch ám sát bất thành

Với việc nắm rõ được kế hoạch của phát xít Đức, Liên Xô biết có nhóm người Đức đầu tiên bí mật đổ bộ xuống Tehran bằng đường không, bao gồm 6 binh sĩ liên lạc radio.

Sũ quan tình báo Liên Xô Gevork Vartanyan kể lại: “Nhóm của chúng tôi được lệnh tìm bằng được toán lính Đức mới đổ bộ ở Qum, cách Tehran khoảng 60km”.

“Chúng tôi theo chân lính Đức đến một căn cứ của phát xít gần Tehran. Họ di chuyển bằng lạc đà và trang bị đầy đủ vũ khí”, Vartanyan nói.

Vartanyan kể rằng có một xe tải đem vũ khí, radio, đạn dược và thuốc nổ cho 6 lính Đức cưỡi lạc đà. Những người này đến một “nhà an toàn” để thiết lập trung tâm liên lạc và mặc quần áo dân thường.

Nhưng chiến dịch bắt đầu sụp đổ kể từ đó. “Chúng tôi phát hiện họ liên lạc về Berlin. Chúng tôi giải mã thông điệp radio và biết có toán lính Đức thứ hai sắp đến để thực hiện hành động khủng bố”.

img

"Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu” Otto Skorzeny không có cơ hội ám sát 3 lãnh đạo phe Đồng minh.

Nhóm này nhiều khả năng do chính sát thủ Otto Skorzeny chỉ huy. Bản thân Skorzeny đã nhiều lần đến Tehran từ trước để nghiên cứu địa hình.

“Chúng tôi đã nắm rõ hoạt động của họ”, tình báo Liên Xô cho biết. Một khi Tổng thống Mỹ Roosevelt đặt chân đến Tehran, tướng Liên Xô Dmitry Arkadiev đã thông báo với lãnh đạo an ninh Mỹ Mike Reilly về kế hoạch ám sát của phát xít Đức.

Cuộc gặp sau đó vẫn được ấn định diễn ra, nhưng có thêm các biện pháp đề phòng. Thay vì nghỉ tại Đại sứ quán Mỹ, Roosevelt và phái đoàn ở lại ngay chính nhà khách Đại sứ quán Liên Xô.

Vartanyan nói: “Chúng tôi đã bắt giữ toàn bộ các thành viên của toán lính Đức đầu tiên hoạt động ở Tehran”.

Chúng tôi sau đó truy lùng Skorzeny nhưng không thành công vì tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ tính mạng cho 3 nhà lãnh đạo phe Đồng minh, Vartanyan nói.

Phía phát xít Đức sau đó phát đi thông điệp radio, nói kế hoạch ám sát thất bại, nhóm biệt kích thứ hai ngừng di chuyển đến Tehran.

Một số nhà sử học ngày nay đặt câu hỏi về việc liệu kế hoạch ám sát đã thực sự diễn ra hay chưa. Đó cũng có thể là cách để lãnh đạo Liên Xô Stalin buộc Tổng thống Mỹ Roosevelt phải ở lại nhà khách Đại sứ quán Liên Xô.

Về phần mình, Skorzeny dù thất bại trong chiến dịch ám sát 3 lãnh đạo phe Đồng minh, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong hàng ngũ phát xít Đức.

Ngày 16.5.1945, Skorzeny đầu hàng quân đội Mỹ ở Salzburg, Áo. Năm 1948, Skorzeny đào thoát khỏi trại tập trung, che giấu thân phận và quyết định ở lại Tây Ban Nha.

Năm 1975, Skorzeny qua đời vì ung thư phổi, sau một khoảng thời gian hút thuốc, chôn sâu tất cả những bí mật về một thời phục vụ cho phát xít Đức.

Điều gì xảy ra nếu trùm phát xít Hitler không mắc ”sai lầm lớn nhất” là đánh Liên Xô?

Lịch sử thế giới liệu có khác đi nếu Đức Quốc xã không bị sa lầy tại Đông Âu và vẫn dồn toàn lực cho mặt trận...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem