ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Chỉ một đợt dịch qua là tan tác
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Hệ thống điều trị dịch bệnh chỉ một đợt dịch qua là tan tác
PVCT
Thứ hai, ngày 08/11/2021 11:23 AM (GMT+7)
"Hệ thống điều trị dịch bệnh là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thế nào. Vừa qua chỉ một đợt dịch là tan tác hết. Chúng ta chỉ tập trung vào chống dịch Covid-19 nhưng còn các bệnh khác nữa", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.
Sáng 8/11, phát biểu góp ý về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng: Về từ ngữ chúng ta chưa có những miêu tả cho thấy qua đại dịch Covid -19, chúng ta đã có những hy sinh, mất mát quá nhiều, đặc biệt với ca tử vong, với hơn 22.000 người tử vong. Đó mới ở góc độ của dịch Covid-19, còn nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt trong giai đoạn Covid-19 bùng phát và gián tiếp ra đi vì dịch bệnh.
"Cho nên phải làm sao để công tác chống dịch hiệu quả hơn và khắc phục những gì đã xảy ra", ĐB Phong Lan nói và cho biết, với dịch Covid -19, nguy cơ lớn nhất là bệnh nhân chuyển sang trạng thái nặng và tử vong.
Để sống chung với dịch và chủ động linh hoạt khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm ca nặng và tử vong, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần phân tích những gì chúng ta chưa làm được nên mới dẫn đến hậu quả như vừa qua và đây được xem là bài học xương máu.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phân tích, thứ nhất, phải xem lại thực trạng y tế cơ sở hiện nay. Hiện có 30% ngân sách của y tế dành cho y tế dự phòng, nhưng số địa phương thực hiện được điều này còn rất ít, chưa kể 30% này cũng chưa đáng kể gì nếu so với nhu cầu người dân.
Để giải quyết những tồn tại theo ĐB Lan cần phải có chính sách xuyên suốt, từ Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Y tế để có chính sách cụ thể.
"Thời gian qua Bộ Y tế rất cực khổ, Bộ không chỉ hướng dẫn địa phương mà vào cuộc trực tiếp trong phòng, chống dịch nhưng nếu chúng ta không giải quyết được các vấn đề căn cơ thì sẽ tiếp tục bị động", bà nói.
Thứ hai, về hệ thống điều trị dịch bệnh, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan đợt dịch vừa qua là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thế nào. "Chỉ một đợt dịch qua là tan tác hết. Chúng ta chỉ tập trung vào chống dịch, còn các bệnh khác nữa. Các bệnh viện chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính", ĐB Phong Lan nói.
Vẫn theo ĐB Phong Lan, điều trị Covid -19 hiện nay là ngân sách chi trả nhưng việc phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán.
Về việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm thực hiện, cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua.
"Chúng ta đã yếu nhưng lại bỏ quên y tế tư nhân, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế để tham gia vào chống dịch. Cái gì chúng ta cũng muốn bao cấp. Vaccine phòng Covid-19 chưa cho phép dịch vụ, trong khi tôi thấy vaccine dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp vào công tác này", ĐB Phong Lan nói.
Cuối cùng ĐB Phong Lan nhấn mạnh, vấn đề hết sức quan trọng là thay đổi về quan điểm. Tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại khi hệ thống y tế chưa đủ mạnh; bên cạnh lỗi của mỗi người là chủ quan thì còn có lỗi về chủ trương, chính sách.
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa?. Ở đây là vì mục đích phục vụ người bệnh thì làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường phát triển y đức, chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự…", ĐB Phong Lan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.