Trả lời báo chí, bà này giải thích: “Số tài sản này có được là do chồng tôi làm thêm ở bên ngoài” (người chồng đang công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng trong diện phải kê khai tài sản).
Một tờ báo còn dẫn ý kiến bạn đọc, chạy hàng tít “Cán bộ ơi, chỉ dân cách làm giàu với!”. Sự thật thà trong các bản kê khai tài sản là đáng biểu dương. Chỉ cần sự thật thà đó không phải là để “chạy luật” khi quy định nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản tăng thêm sắp có hiệu lực trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Đúng lúc dư luận đang bàn tán quanh vụ làm thêm vô tiền khoáng hậu này, Thanh tra Chính phủ, dựa trên một khảo sát, đưa ra con số: 79% cán bộ công chức có thu nhập ngoài lương (20% trả lời không có và 1% không trả lời). Chẻ nhỏ số 79% cho thấy rất nhiều điều đáng suy nghĩ: “11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50 - 100% tiền lương; 2,1% số người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 - 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%”.
Và đáng để nói nhất là “có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương”. Và 40% điền vào ô “nguồn thu khác” để giải thích cho thu nhập ngoài lương. Thu khác ở đây có nghĩa là ngoài phong bì hội họp, ngoài chia hoa hồng, quỹ riêng, ngoài cả “lì xì” biếu tặng.
Vậy thì “các nguồn thu khác” là gì? Đến Thanh tra Chính phủ cũng chịu. Tất nhiên, không ai khai là mình tham ô, tham nhũng. Và cũng nhãn tiền, người ta sẽ khai là do “làm thêm bên ngoài”, hoặc “tạo lập bằng mồ hôi công sức của mình”.
Đối tượng kê khai đã được mở rộng tới hàng quan chức cấp xã. Tài sản kê khai cũng đã cụ thể tới giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Hình thức kỷ luật đối với những lời khai gian dối cũng chả thiếu. Cái thiếu là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
Còn nhớ, sau vụ mất trộm tại Kon Tum, khi gia chủ, cũng thuộc tầng lớp “phi dân chúng” khai mất có 4 lượng vàng, trong khi “bọn trộm” khai khoắng được tới 64 lượng, có người đã nói đầy mỉa mai, rằng giờ đây số tài sản thực của quan chức, chỉ bọn kẻ trộm mới biết rõ.
Và điều này sẽ còn tồn tại nhức nhối như một sự “bất khả thi” của cuộc chiến chống tham nhũng.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.