World Cup 2018 đi qua, điều gì ở lại?

Anh Thư (từ Moskva, Nga) Thứ hai, ngày 16/07/2018 15:40 PM (GMT+7)
Trái bóng đã thôi lăn trên sân cỏ nước Nga, sau một tháng hành trình ở 11 thành phố và 12 sân vận động, với 169 bàn thắng, rất nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ, những niềm vui và nỗi buồn, những nụ cười và nước mắt.
Bình luận 0

img

Người Pháp đổ xuống đường để ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội tuyển nhà. (Ảnh: I.T)

Cả thế giới đã ngồi trước tivi để chứng kiến một tháng của những màn trình diễn hoặc để đời, hoặc đáng quên. Có cả những tiếc nuối, bức xúc, tức giận, đau đớn, cay đắng. Nhưng không thiếu những tiếng cười và những tiếng thét chiến thắng.

Để rồi cuối cùng, chỉ một đội bóng duy nhất đăng quang và hát vang "Marseillaise" trong cơn mưa Moskva một chiều tháng Bảy, đúng một ngày sau quốc khánh của họ. Đấy là một chiến thắng đáng quý, đến đúng thời điểm quốc gia ấy đang cần một điều gì đó để ăn mừng, để quên đi những vấn đề và thách thức của hiện tại, 20 năm sau khi một chiếc Cúp vàng cũng đã giải quyết khá nhiều rắc rối lúc đó của nước Pháp.

img

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng trên khán đài sau chiến thắng của đội nhà. (Ảnh: I.T)

Những cuộc tấn công khủng bố đã diễn ra ở Paris, Nice và một số nơi khác. Những nỗi lo sợ đã bùng lên dẫn đến việc cánh hữu ngày càng nổi lên như một lực lượng chính trị mạnh. Những cải cách của tân Tổng thống Macron gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng một chiến thắng trên đất Nga, điều mà đến Napoleon cũng không làm được, có thể là một liều thuốc an thần có ích vào lúc này.

Nhưng đấy là câu chuyện của riêng nước Pháp, và sẽ còn khiến chúng ta tốn khá nhiều giấy mực nữa để ca ngợi HLV Deschamps, đưa lên mây tài năng trẻ Mbappé, khẳng định sự chín chắn và trách nhiệm hơn của Pogba hay Griezmann, còn câu chuyện của bóng đá là gì, và World Cup 2018 có thể đóng góp gì cho sự phát triển chung của bóng đá nhân loại?

img

Bạo động cũng bùng nổ tại một số khu vực ở các thành phố Pháp sau khi đội tuyển bóng đá Pháp lên ngôi vô địch Fifa World Cup 2018. (Ảnh: Getty Images)

Đấy là World Cup của những tình huống bóng chết, khi chưa bao giờ có nhiều bàn thắng đến từ các pha đá phạt như thế, và "sản phẩm" là một Vua phá lưới có đến 5/6 bàn ghi được là từ bóng chết.

Đấy là World Cup mà số bàn thắng từ phản lưới nhà lên tới trên con số 10, nhiều chưa từng có, cho thấy, khi tốc độ triển khai bóng tăng, áp lực tấn công cũng tăng thì những sai lầm cá nhân càng có khả năng xuất hiện, thậm chí có thể quyết định đến kết quả trận đấu. Và đấy là lần đầu tiên VAR tác động lớn lao đến bóng đá, và đội Pháp vô địch được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ ấy.   

Đấy cũng là một World Cup tử thần của các siêu sao bóng đá. Những người đã chiếm nhiều dòng tít báo nhất trong những năm qua, từ Messi, Ronaldo cho đến Neymar lần lượt rời giải đấu, trong khi đương vô kim vô địch Đức đã bị đánh văng từ vòng bảng. Quy luật nghiệt ngã của cuộc sống nói chung và bóng đá nói riêng luôn là thế: nếu anh không tự làm mới mình và tự thay đổi để đương đầu với các thách thức, anh sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi một cách tàn nhẫn.

World Cup này chỉ tôn vinh những ngôi sao của tập thể, những người như Hazard hay Modric, và chính họ cùng với đội tuyển của họ đã là những gì cứu rỗi cho một World Cup của tính thực dụng và hiệu quả. Lối chơi tấn công của Bỉ và sự quả cảm, bền bỉ của Croatia không đem đến cho họ chức vô địch, nhưng lại khiến họ được tôn vinh, bởi họ là hiện thân của sự không hoàn hảo.

img

Luka Modric, cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu - đã thể hiện rõ nét toàn bộ tinh thần của đội tuyển Croatia: Bản lĩnh, ngoan cường, bền bỉ và hiệu quả. (Ảnh: I.T)

Họ tấn công. Họ chơi đẹp. Nhưng họ vẫn thất bại vì không thắng được sự thực dụng là xu thế đã lên ngôi của World Cup này, thể hiện rõ nhất qua đội vô địch Pháp và đội còn lại vào bán kết, đội Anh.

4 năm đã qua kể từ Đức đăng quang. 8 năm cũng đã qua kể từ chiến thắng của Tây Ban Nha. Trong vòng 4 năm nữa, từ đây đến Qatar 2022, điều gì sẽ xảy ra, Pháp sẽ bá chủ bóng đá châu lục và thế giới như Tây Ban Nha và Đức đã làm được trong khoảng thời gian ấy, khi chức vô địch World Cup mở ra một chu kỳ thành công với họ? Pháp còn rất trẻ.

Họ vô địch World Cup với tuổi trung bình 25 tuổi 10 tháng, trẻ nhất kể từ thời Brazil lên ngôi ở World Cup 1970. Họ không thiếu tài năng.

Họ có Mbappé. Và nếu Deschamps tiếp tục con đường đang đi với đội Áo Lam (một số ý kiến cho rằng, rất có thể Deschamps sẽ rút lui sau World Cup này để giữ gìn hình ảnh chiến thắng mãi mãi của mình), một tương lai tươi sáng có thể được đảm bảo, nhưng chu kỳ ấy có kéo dài đến sau World Cup 2022 không, khi Mbappé mới 23 tuổi, thì không ai dám chắc.

Thất bại của các nhà đương kim vô địch ở các năm 2002, 2010, 2014 và 2018 khi bị loại ngay từ vòng bảng cho thấy, sau 4 năm, các nhà vô địch đã không còn theo kịp sự phát triển chung của bóng đá hiện đại và thất bại là logic.

Sau đêm Luzhniki, không còn World Cup nữa. Chúng ta sẽ trở lại với nhịp sống thường nhật của mình, để lại phía sau rất nhiều đêm trắng, với những niềm vui và nỗi buồn cũng như tiếc nuối. Nhưng cuộc đời cũng như trái bóng không ngừng lăn về phía trước, 4 năm nữa, chúng ta liệu có còn những cảm xúc như bây giờ, còn nhớ những gì đã đến và đã đi, và tình yêu với bóng đá của chúng ta có còn trọn vẹn?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem